vĐồng tin tức tài chính 365

Ký sự một năm du lịch trong biên giới

2021-02-13 11:53

Ngày 28 tháng Chạp âm lịch năm Kỷ Hợi, tôi kéo chiếc vali ra khỏi nhà người bạn ở Seoul. Kênh YouTube bạn đang mở loáng thoáng mấy từ “virus corona”. Lúc đó, tôi đang nôn nao trở về Sài Gòn để kịp ăn tết, chỉ nghĩ corona chắc nguy hiểm cỡ cúm H5N1 hay Ebola là cùng.

Nhưng quả không ngờ, sau chuyến công tác ở Hàn Quốc đó, tôi chưa có dịp ra khỏi biên giới Việt Nam suốt một năm nay. COVID-19 tựa như phép định thân của Tôn Ngộ Không, có khả năng điều khiển ai ở đâu thì đứng yên chỗ đó. Điều đó có nghĩa là niềm yêu thích khám phá các vùng đất mới trên thế giới của tôi sẽ phải tạm gác lại. Thế là những hành trình quẩn quanh trong biên giới dày lên.

Sôi động phù sa

Mùng tám tết Nguyên đán.

Mất gần hai giờ, xe Hải Duyên đưa chúng tôi từ Sài Gòn đến Tiền Giang. “Nắng vàng ươm, gió lồng lộng thế này, virus nào dám bén mảng!” - tôi trung thành với thông tin “Corona sợ nhiệt độ cao”. Bước lên một chiếc xuồng máy, di chuyển trên sông Tiền gần 10 phút, gia đình tôi cập bến Mekong Lodge. Cả nhà thưởng thức những bữa ăn đậm chất Tây Nam bộ ngay tại nhà hàng của resort; chiều mát thì đạp xe vòng vòng thị trấn Cái Bè, ghé vô chợ hít hà mùi sầu riêng thơm lựng, rồi tạt qua quán chè bưởi gần đó. Hoàng hôn còn ghé hàng ốc nóng dọc đường. Chừng đạp xe về resort thì trời đã tối thui. Con đường đất nhỏ quanh co rộn ràng tiếng ếch nhái. Thanh âm ấy lan tỏa đến tận phòng ngủ của chúng tôi nhưng chẳng làm ai mất ngủ.

Bữa ăn sáng có “view” là sông Tiền mát rượi với ô rô, bần chua, cóc kèn, dừa nước, ghe xuồng và vô số đám lục bình xanh mướt, khỏe mạnh dập dềnh. Nhóm du khách châu Âu ở cùng resort lịch sự chào hỏi chúng tôi. Một chú người Hà Lan bập bõm tiếng Việt: “Tối qua có các phụ nữ trẻ bị buộc mặc áo màu hoa dưới sông đến phòng chị dựng lưới bắt muỗi. Gần sáng có một động vật có cánh bay không cao lắm và to hơn những con chim trên trời gây ra tiếng ồn, hình như nó cách chị 5 feet. Chị thích món cá dựng đứng ở đây lắm!”. Chúng tôi cười như phú hộ được mùa khi “dịch” được ý của chú: “Tối qua, các nữ nhân viên mặc áo tím lục bình đến tận phòng của chú để giăng mùng. Gần sáng thì một con gà ở gần đó gáy rất to. Chú thích món cá tai tượng chiên xù ở đây lắm!”. Tôi giải thích sự khác biệt giữa “chị” và “chú” cho chú nghe bên chậu sứ rực đỏ hoa. Một chiếc thuyền mui với bảng tên “Song Hạnh” ghé vào bờ, bên trong có bộ bàn ghế mây kèm gối tựa. Quản lý resort giải thích với tôi đó là khách sạn di động mini dành cho khách thích cảm giác ở trên sông nước, đặc biệt thích hợp với đôi lứa.

Chiều hôm đó, chúng tôi đặt Grab taxi sang Cần Thơ, ăn lẩu mắm Thiên Lý trong một không gian du lịch chuyên nghiệp đến mức công nghiệp, khác hẳn ngôi nhà và khoảng sân cổ kính trong ký ức tôi mấy năm trước. Bến Ninh Kiều vẫn lộng gió. Chợ Ninh Kiều về đêm thưa thớt gian hàng. Tôi mua một chiếc giỏ lục bình dù không cần thiết. Mờ sáng hôm sau, cả nhà đã có mặt ở chợ nổi Cái Răng, tận hưởng cảm giác vừa ồn ã vừa bình yên. Càng thăm thú miền Tây, tôi càng nhận ra nơi này không chỉ có sự gần gũi, bình dị mà còn có nét kiêu kỳ không nói của cô gái biết mình trẻ trung, quyến rũ.

Ký sự một năm du lịch trong biên giới - ảnh 1

Khoáng đạt biển trời

Chuyến đi miền Tây ngẫu hứng, tươi vui đã mở đầu cho những hành trình liên quan đến sóng nước về sau. Với mong muốn được đi đó đây mà vẫn an toàn, chúng tôi ưu tiên chọn các bãi biển ấm áp ở Nam bộ và Nam Trung bộ.

Vũng Tàu và Long Hải chắc chắn là lựa chọn hàng đầu vì nhiều tiện tích. Đoạn đường di chuyển ngắn, hệ thống khách sạn và dịch vụ rất đa dạng. Tôi có hai ngày hè tháng 7 ăn nghỉ hoàn toàn trong Oceanami Villa& Beach Club - Long Hải cùng đồng nghiệp. Tháng 11, trong một chuyến đi khác cùng hội bạn thân, chúng tôi chọn khách sạn Malibu - Vũng Tàu để lưu trú. Một tối yên bình thưởng thức hải sản ở La Sirena, đi dạo dọc Bãi Sau, trò chuyện, trêu đùa nhau vui vẻ, ngồi ăn yaourt Hạ Long mà vẫn quẩy ké nhạc sàn của quán bar bên cạnh.

Vùng biển Nam Trung bộ khiến tôi mê man bãi tắm, sự phong phú, tươi ngon của món ăn.

Chuyến đi Ninh Thuận diễn ra vào giữa tháng 2, khi Ninh Thuận chưa bị đánh dấu là điểm có bệnh nhân nhiễm COVID-19. Nghỉ trên tàu lửa chưa đầy một đêm, cả nhà đã có mặt ở Ninh Thuận. Anh tài xế taxi ở ga Tháp Chàm cẩn thận hỏi chuyện chúng tôi, nghe tiếng Việt rồi mới cho lên xe về resort TTC. Biển xanh, nắng vàng, bánh căn, bún cá, tỏi tươi, bánh tráng mè, chợ cá làng Nại… khiến chúng tôi mê tít. Chùa Ông, thiền viện Trúc Lâm, tháp Chàm, Hòn Đá Dao… vẫn có khách du lịch viếng thăm. 

Ký sự một năm du lịch trong biên giới - ảnh 2

Thi vị ngàn năm văn vật

Cuối tháng 11, tôi ra Hà Nội để dự một hội thảo. Khách sạn Dal Vostro ở phố Bảo Khánh gần sát Hồ Gươm. Thế là mỗi tối tôi đều dạo vòng quanh hồ, ăn kem và ngồi cà phê Thủy Tạ ngắm Tháp Rùa đổi màu. Bất cứ lúc nào rảnh trong ngày là tôi và chị gái liền lê la ăn đủ món ngon của 36 phố phường: phở, bún chả, xôi xéo, bún dọc mùng, bánh cuốn, cà phê trứng, yaourt lá nếp… Chúng tôi còn ra Hồ Tây uống cà phê (chủ yếu “view” hồ), thăm chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ. Món bánh tôm Hồ Tây ngay trước cổng phủ nóng hổi, giòn tan. Hầu như giờ nào trong ngày tôi cũng được ngắm hồng thơm, cúc họa mi đẹp xinh trong những chiếc giỏ nằm ngoan trên yên sau xe đạp của người bán. Người Hà Nội giữ gìn truyền thống ngàn năm bằng những sinh hoạt thường nhật hết sức tự nhiên. Phong vị đặc trưng của đô thị lâu đời không trộn lẫn với bất cứ nơi nào.

Vịnh biển phương Bắc đặc biệt hùng vĩ và nên thơ. Ngồi canô ngắm toàn vịnh Lan Hạ  suốt buổi sáng nắng đẹp, tắm ở đảo khỉ hoang sơ, dạo bước dọc những hàng phượng đỏ như câu đối và ăn bề bề tươi rói nướng mọi trên nhà bè… trong những ngày cuối tháng 6 là trải nghiệm khó quên. Chúng tôi có những chiều ngồi cà phê 1986 ở Hải Phòng chỉ để tìm hiểu và so sánh chất lượng bánh đa cua ở các hàng nổi tiếng, nhâm nhi những ổ bánh mì thon mảnh quệt patê Cột Đèn và tương ớt. Cây đa 13 gốc, phủ Thượng Đoạn và rất nhiều đền chùa nơi này rất phù hợp cho những ai quan tâm đến du lịch tâm linh.

* * *

Cả năm không được xuất ngoại, tôi thư thả du lịch trong nước, cảm nhận hồn vía từng nơi rõ rệt hơn so với trước đây. Cảm giác “đi chơi trót lọt” xen kẽ giữa những đợt “giới nghiêm” vì dịch bệnh vừa thấp thỏm vừa thú vị.

Xem thêm: lmth.703669-ioig-neib-gnort-hcil-ud-man-tom-us-yk/1202-uus-nat-naux/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ký sự một năm du lịch trong biên giới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools