Vừa khởi động tour du lịch Tết với nhiều khởi sắc thì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hàng loạt tour bị huỷ. Ngành du lịch TPHCM đang cần gỡ khó để duy trì hoạt động và phát triển trong thời gian tới.
Liên tục gặp khó khăn
Theo Sở Du lịch TPHCM, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng, đã gặp nhiều khó khăn. Số lượng khách du lịch quốc tế cũng như doanh thu du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố ước khoảng 1,3 triệu lượt, đạt 14% kế hoạch năm 2020 và giảm 85% so cùng kỳ năm 2019. Lượng khách du lịch nội địa ước khoảng 15 triệu lượt, đạt 43% kế hoạch năm 2020, giảm 54% so cùng kỳ năm 2019. Về tổng thu du lịch năm 2020 đạt 84.000 tỉ đồng, đạt 57% so với kế hoạch năm và giảm khoảng 56.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Chỉ trong thời gian ngắn sau thời điểm giãn cách xã hội năm 2020, đã có trên 153.000 lượt khách du lịch đăng ký mua tour tại các doanh nghiệp lữ hành lớn của TPHCM để đi du lịch đến các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Những tưởng ngành du lịch TPHCM đã lấy lại "phong độ", nhất là thời điểm Tết Nguyên đán 2021 thì với diễn biến mới của dịch COVID-19 mới đây khiến hàng loạt tour du lịch Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã bị huỷ, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành lại lâm vào cảnh khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho biết từ trưa 28.1, khi cơ quan y tế công bố 82 ca nhiễm tại Hải Dương, Quảng Ninh và liên tiếp các ca nhiễm những ngày sau đó, các công ty du lịch đã hủy, hoãn tour, đặc biệt là các tour du lịch Tết mà khách hàng đã đăng ký để bảo đảm an toàn cho du khách. Điều này tiếp tục làm doanh nghiệp khó khăn hơn vì phải hoàn lại tiền đặt cọc hoặc dời ngày khởi hành vô thời hạn cho khách hàng nhưng vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ.
Bà Khánh cho biết: “Việc hủy hoãn, tour diễn ra trong bối cảnh thị trường cao điểm Tết khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó khăn. Hiện một số công ty vẫn đang thương lượng để chia sẻ rủi ro. Chính vì vậy, Hiệp hội Du lịch TPHCM đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng kiến nghị các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trước thiệt hại nặng nề từ đợt dịch COVID-19 lần này”.
Ba kịch bản cho ngành du lịch TPHCM
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, trong năm 2021, ngành du lịch TPHCM tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển mà TPHCM và người dân đặt ra cho ngành. Cụ thể, đối với các sản phẩm du lịch, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng, nghiên cứu, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch gắn với lịch sử, văn hóa, kiến trúc trên địa bàn như: du lịch mua sắm, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị), ẩm thực, du lịch đường sông…
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, đối với khách du lịch nội địa, Sở cũng đưa ra ba kịch bản. Kịch bản một, tình hình dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát hoàn toàn, ngành du lịch phục hồi tốt. Lượng khách nội địa đến thành phố ước đạt 32,7 triệu lượt, phấn đấu đạt 33,5 triệu lượt. Kịch bản hai, tình hình dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát tương đối, ngành du lịch dần phục hồi và có nhiều dấu hiệu khả quan. Lượng khách nội địa đến thành phố ước đạt 22,9 triệu lượt, phấn đấu đạt 26 triệu lượt.
Kịch bản ba, tình hình dịch COVID-19 trong nước còn có nhiều rủi ro tiềm ẩn, ngành du lịch tiếp tục duy trì hoạt động ở mức thấp nhất. Lượng khách nội địa đến thành phố ước đạt 10 triệu lượt, phấn đấu đạt 10,5 triệu lượt.
Tại Hội nghị tổng kết liên kết du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch và ứng dụng công nghệ thông tin trong liên kết vùng như tổ chức các buổi làm việc trực tuyến, trao đổi, chia sẻ thông tin nhanh chóng, kịp thời....
Trong văn bản gửi đến các cơ quan chức năng kiến nghị các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trước thiệt hại nặng từ dịch COVID-19, Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết, trong khi các chính sách hỗ trợ cũ đang phát sinh một số bấp cập, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành lại thêm chồng chất khó khăn khi phải hoàn lại tiền cọc, hoặc dời ngày vô thời hạn đối với khách hàng.
Hiệp hội Du lịch TPHCM đề xuất các kiến nghị xem xét miễn, hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021, vì hiện nay đa số doanh nghiệp lữ hành không có doanh thu, phải bù lỗ do phát sinh lãi vay và các chi phí khác...
Kiến nghị còn bao gồm miễn tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021 và 2022, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0%, để giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động cũng như đẩy nhanh tiến độ phục hồi...
Xem thêm: odl.653778-91-divoc-hcid-iov-ohp-gnu-nab-hcik-3-av-1202-man-mchpt-hcil-ud/et-hnik/nv.gnodoal