Sau rất nhiều lần đặt lịch, cuối cùng ông Dominic Scriven, Chủ tịch Điều hành Công ty quản lý Quỹ Dragon Capital nhận lời tiếp chúng tôi vào một chiều cuối năm bận rộn. Mở cửa đón khách, câu đầu tiên mà ông nói sau câu chào hỏi thân quen về sức khỏe, công việc lại vẫn là chủ đề covid: "Mọi thứ đều thay đổi vì Covid-19".
"Tôi đã không được về quê hương để đón Giáng sinh và Năm mới cùng gia đình, cũng như không thể đón gia đình từ Anh sang ăn Tết Việt Nam", Dominic dường như chùng lại để kiềm chế bớt cảm xúc khi nhắc về quê hương của mình (Anh Quốc), nơi đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nơi có gia đình của ông đang sinh sống.
Covid-19 tất nhiên sẽ không buông tha một lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, một nơi mà chỉ một câu nói hay một dòng chữ trên mạng xã hội có thể làm chao đảo cả thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng ảm đạm khi làn sóng covid thứ nhất tràn vào, nhưng sau đó bằng sự quyết liệt chống dịch của Chính phủ, tình hình đã nhanh chóng được cải thiện. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương (gần 3%), đặc biệt là thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới (15%) và đã được ghi nhận là một trong những thị trường có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với một nhà đầu tư nước ngoài lâu năm nhất ở Việt Nam đã bắt đầu như thế.
TĂNG TRƯỞNG NGOÀI KỲ VỌNG
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 được tổ chức tháng 12/2020, thay mặt nhóm công tác thị trường vốn, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital chúc mừng nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục trong một năm thế giới khủng hoảng vì đại dịch. Nhiều người tham dự khi đó rất ấn tượng với nhận xét này. Nhắc lại, ông bảo: "Không một ai, một người dân nào ở Việt Nam tin được là thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt mức 1.100 điểm, tăng 15% vào cuối năm 2020. Theo tôi, có nhiều yếu tố tác động đến kết quả này".
Yếu tố thứ nhất, theo ông Dominic, trước Covid-19, bắt đầu từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung của Tổng thống Trump. Lúc đó có làn sóng các tập đoàn, công ty đã rời Trung Quốc sang Việt Nam. "Về mặt so sánh, chúng ta thấy những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những tập đoàn sản xuất sản phẩm, công ty cung cấp hàng hóa công nghiệp cho thế giới... rất thích Việt Nam", ông nói.
Yếu tố thứ hai, người ta thường nói Trung Quốc là "phân xưởng" của thế giới, và Việt Nam nhỏ hơn nhưng vẫn có sức hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài ngang Trung Quốc. Việt Nam có vị trí địa lý rất quan trọng, thuận lợi cho việc đặt cơ sở sản xuất.
Nhờ đó mà năm 2020 - năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tại Việt Nam chỉ giảm nhẹ không đáng kể (2% so với 2019- năm mà làn sóng di chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam phát triển mạnh mẽ).
Năm 2020, Việt Nam cũng khá thành công trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), như: CPTPP (Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU), UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh), RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực).
Yêu tố thứ ba, theo Chủ tịch Dragon Capital, đó là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã tạo được niềm tin cho nhà đầu tư khi giữ được lãi suất ổn định, lạm phát thấp và cung ứng tiền tốt. Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước cũng đã hạ lãi suất trái phiếu chính phủ (kỳ hạn 10 năm còn khoảng 2,36%/năm) khiến cho lượng tín dụng "bơm" vào nền kinh tế tăng mạnh tới 12%, giúp hoạt động đầu tư, tiêu dùng vẫn tăng lên...
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chỉ số bán lẻ năm 2020 có giảm nhẹ 6% nhưng nhiều hoạt động khác vẫn giữ ổn định hoặc tăng. Đặc biệt, chính sách tiền tệ đã giúp các ngân hàng thương mại không "ngập" trong nợ quá hạn. Nếu các ngân hàng bị mất niềm tin rất nguy hại cho nền kinh tế. Thêm vào đó, lãi suất cho vay cũng đã giảm mạnh so với trước từ mức 11-12%/năm còn 8-9%/năm.
Yếu tố thứ tư, chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong dịch Covid-19. Gói 1 (62.000 tỷ đồng) chưa đột phá, chưa sát với thực tế nhu cầu và hoàn cảnh của doanh nghiệp, cũng như những người cần hỗ trợ cấp thiết là kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động trình độ thấp (xe ôm, bán hàng rong, hướng dẫn viên du lịch...) lại không nhận được. Nhưng Chính phủ đã nhanh chóng nhận ra và dự kiến đưa gói hỗ trợ thứ 2 (18.600 tỷ đồng) tích cực hơn, đến đúng chỗ cần thiết khi tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Dự đoán sẽ không có những cú sốc mới vì nhà đầu tư nhìn vào nhiệm kỳ khóa tới của Chính phủ Việt Nam khá tích cực. Kỳ vọng nhiều nút thắt của thị trường địa ốc sẽ được tháo gỡ, khởi động lại các dự án dở dang do vướng pháp lý...
Cuối cùng, đối với các công ty niêm yết, dù thị trường chứng khoán có lúc giảm sâu (giảm 1/3 về mức thấp vào tháng 3/2020) khiến mặt bằng giá trị doanh nghiệp thấp, nhưng các kênh đầu tư khác vẫn không hấp dẫn bằng thị trường chứng khoán. Dù năm 2020 có nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không quá tệ so với nhiều dự đoán trước đó. Dự kiến đến hết quý IV/2020, lợi nhuận bình quân tăng 1,2%. Năm 2021, lạc quan hơn và lợi nhuận có thể tăng 5% khi lãi suất giảm, tỷ giá không thay đổi nhiều, địa ốc có thể khởi sắc...
Do tác động của Covid-19 nên việc nhà đầu tư F0 cũng ồ ạt tham gia thị trường chứng khoán. Điều này cũng góp phần đẩy thị trường tăng trưởng.
"Một điểm sáng của thị trường chứng khoán năm 2020, các quỹ đầu tư của Dragon Capital đều có sự tăng trưởng lợi nhuận cao hơn sự tăng trưởng của chỉ số chứng khoán. Chúng tôi có danh mục đầu tư rất tốt, được phân bổ đa dạng, sản phẩm mới có. Và điều đáng mừng nhất là nhân viên của công ty đều có việc làm, đều đến công ty làm việc", ông Dominic khoe.
Như để nhấn mạnh thêm, Chủ tịch Dragon Capital cung cấp thông tin: "Ở Mỹ và Anh, hầu như tất cả đều làm việc từ nhà "Work from home" từ tháng 03/2020 đến nay và dự kiến sẽ còn kéo dài đến giữa 2021. Mọi trao đổi, họp hành đều qua zoom (phần mềm họp trực tuyến). Như các bạn biết, yếu tố để đi quyết định đầu tư, đấu thầu thắng hay thua chính là thời điểm 5 phút trước khi cuộc họp diễn và 5 phút sau khi cuộc họp kết thúc. Khi đó chúng ta nhìn vào mắt nhau để hiểu xem đối tác chúng ta quyết định thế nào. Điều này không thể nhìn thấy khi họp qua Zoom".
2021: LẠC QUAN VỚI DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG
Liệu thị trường chứng khoán năm 2021 có thể giữ được mức tăng trưởng mạnh mẽ như 2020? Câu trả lời nhận được là chắc nịch. "Theo tôi, trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ vẫn tiếp tục phát triển tốt khi Luật Chứng khoán mới có hiệu lực với nhiều điểm được luật hóa. Trong đó, tập trung lớn vào định nghĩa lại về công ty đại chúng, công ty niêm yết, IPO... lành mạnh hóa hoạt động của các công ty chứng khoán, quy định về xử phạt thông tin nội gián, làm giá cổ phiếu... cũng như thêm nhiều sản phẩm mới: chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrants), trái phiếu doanh nghiệp...", ông Dominic nêu quan điểm.
Dragon Capital là quỹ đầu tư lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, hoạt động từ thời sơ khởi của thị trường chứng khoán (từ năm 2000), giá trị chứng chỉ quỹ ban đầu là 1 USD/chứng chỉ quỹ, đến nay đã tăng lên 8,5 USD/chứng chỉ quỹ. Nếu quy ra tỷ suất sinh lời là 12%/năm (sau phí, sau giá theo USD). "Con số này không phải là cao nhưng cũng không tệ. Điều quan trọng, thị trường chứng khoán Việt Nam trong một - hai thập kỷ qua chính là xu hướng tăng trưởng của thị trường. Dù có lúc tăng, lúc giảm, nhưng tựu chung lại là tăng trưởng", ông Dominic bình luận.
Vậy điều gì khiến thị trường chứng khoán 2021 tiếp tục đạt được sự tăng trưởng? "Chính là niềm tin. Điều quan trọng của thị trường chứng khoán cũng chính là niềm tin. Nếu không có niềm tin, nhà đầu tư không ở lại với thị trường lâu như vậy, hoặc họ tìm kiếm một mức sinh lời cực cao để bù đắp rủi ro. Điều này sẽ khiến thị trường chứng khoán biến động rất mạnh, chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra tìm vốn trên thị trường sẽ tăng cao", ông Dominic lý giải.
Nhưng để duy trì niềm tin này, các nhà điều hành thị trường phải lắng nghe thị trường và có những giải pháp phù hợp.
Chứng khoán Việt Nam những tháng gần đây có tính thanh khoản rất tốt, lên tới con số kỷ lục 20 năm qua, ở mức hơn 19.000 tỷ đồng/ngày (ngày 5/1/2021). Chính vì nguồn tiền đổ vào đây quá lớn đã làm nghẽn mạng khi cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp. Do đó, theo ông Dominic, vấn đề của năm 2021 là phải đầu tư công nghệ tốt hơn cho cơ sở hạ tầng chứng khoán. Ngay như quỹ Dragon Capital cũng đã bỏ ra khoảng 500 tỷ đồng để nâng cấp công nghệ và thời gian triển khai 1,5 năm. Do đó, hệ thống 30 triệu USD để nâng cấp hạ tầng của thị trường chứng khoán Việt Nam cần có thời gian.
Liên quan đến hạ tầng cơ sở, cần phải cải thiện công tác thanh toán bù trừ chứng khoán và tiền. Các thành viên của thị trường chứng khoán rất quan tâm vấn đề này. Bên cạnh đó, hiện vẫn có sự hạn chế đối với tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong vai trò những nhà tạo lập thị trường, vì một công ty chứng khoán có vốn nước ngoài trên 50% không được tham gia tạo lập thị trường...
"Điều quan trọng nhất rút ra trong năm 2020 là quản trị rủi ro phi tài chính. Đây là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Điều này được nhìn nhận từ hành động quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc chống dịch Covid-19 lan rộng. Biến đổi khí hậu toàn cầu cũng là rủi ro phi tài chính mà con người đang quan tâm hơn bao giờ hết để hoạt động kinh doanh và đầu tư hiệu quả. Từ đây, nhà đầu tư và công ty niêm yết cũng rút ra bài học về quản trị rủi ro (đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ, đừng vay nợ quá khả năng và không thực hiện đầu tư nếu phương án khả năng thành công thấp). Hãy suy nghĩ đầu tư vào nhiều thời điểm, không chỉ đầu tư vào một thời điểm để quân bình giá".