Do đâu mà con trâu lại là đầu cơ nghiệp?
Lê Anh Tuấn
(TBKTSG Xuân AL) - Nói về lịch sử, con người đã biết thuần hóa trâu rừng thành trâu nhà, có lẽ cũng đã lâu, chủ yếu là loài trâu nước vùng châu Á, chiếm 90-95% tổng số đàn trâu trên thế giới, gồm cả những loại trâu sông (river buffalo), trâu đầm (swamp buffalo) và trâu rừng (forest buffalo). Trâu sống ở vùng Đông Nam Á chủ yếu là loại trâu đầm lầy. Ấn Độ được xem là nơi có đàn trâu nhiều nhất.
Ảnh: N.K |
Con trâu ở Việt Nam, có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy, là loài chủ lực có tên khoa học là Bubalus bubalis, trọng lượng cơ thể khi trưởng thành vào khoảng 250-500 ki lô gam. Ngày xưa, người dân nuôi trâu chủ yếu là lấy sức kéo, sau này dần dần chuyển qua lấy thịt, lấy da. Ở miền Nam, trâu còn dùng để kéo lúa ngày mùa bằng các cái cộ, gọi là cộ trâu. Ở châu thổ Cửu Long, có mùa nước nổi cũng là mùa len trâu. Thời điểm đó, nước lũ tràn đồng ngập 2-3 mét, kéo dài cả tháng, có những nhóm trai trẻ đưa đàn trâu đi xa kiếm ăn. Con trâu bơi lóp ngóp trong cánh đồng trắng nước, thỉnh thoảng nó lặn ục xuống đáy đồng rồi ngoi lên với một nắm cỏ.
“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà,
Cả ba việc ấy, thật là khó thay”...
Có trâu khỏe, tốt thì chuyện cày ải, kéo xe thuận lợi cho đồng áng, mùa màng xem ra hiệu quả, có nông sản, có tiền, tiếp đến mới nghĩ đến việc cưới vợ, xa hơn là mơ ước làm nên một căn nhà vững chãi, bề thế như là một tiến trình “an cư, lạc nghiệp”. |
Xưa kia, sự nghiệp hệ trọng trong đời của một người đàn ông nông thôn, nhất là giới tiểu nông, gắn liền với ba mốc như vậy mà việc tìm mua một con trâu tốt, khỏe, đẹp, đúng chuẩn không dễ dàng như câu tục ngữ trên. Vấn đề chọn trâu được xem là ưu tiên trước tiên như là một quyết định quan trọng cho việc khởi nghiệp. Phải qua nhiều năm tháng, các cụ xưa đầy kinh nghiệm mới thốt lên câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Có trâu khỏe, tốt thì chuyện cày ải, kéo xe thuận lợi cho đồng áng, mùa màng xem ra hiệu quả, có nông sản, có tiền, tiếp đến mới nghĩ đến việc cưới vợ, xa hơn là mơ ước làm nên một căn nhà vững chãi, bề thế như là một tiến trình “an cư, lạc nghiệp”. Việc chọn trâu giống, ông bà ta đã có câu ca đúc kết mô tả hình dạng bên ngoài con trâu: “Dạ bình vôi/Mắt ốc nhồi/Mồm gàu dai/Tai lá mít/Lưng tôm tít/Đít lồng bàn.../Được như lời ấy, lạng vàng cũng mua!”.
Tuy vậy, nhìn bề ngoài vẫn có đánh giá lầm, bởi vậy xưa kia có nhóm người làm một nghề liên quan đến mua bán trâu, gọi là “lái trâu”. Làm nghề này, lái trâu phải miệng lưỡi, xảo ngôn, mới mong móc tiền người mua trâu được, bởi vậy mới có câu mỉa mai: “Thật thà như thể lái trâu/Yêu nhau như thể nàng dâu, mẹ chồng”. Ngày nay, kỹ thuật chọn trâu giống đã có hẳn một văn bản pháp lý hẳn hòi, đó là “Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9370:2012 về Trâu giống - Yêu cầu kỹ thuật”.
Chính vì con trâu gắn bó với người nông dân nên tình cảm giữa người và trâu vô cùng thân thiết. Con người biết nhắn nhủ cùng trâu như là một sự gắn bó chặt chẽ trong công việc, trong miếng ăn như một người bạn đồng hành cùng nông dân:
“Trâu ơi ta bảo trâu này:
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày giữ nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
Hay công việc đồng áng của cả vợ chồng người nông dân cũng đi cùng với công việc của con trâu:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” ...
Đinh Bộ Lĩnh (924-979), vốn là một câu bé chăn trâu, lúc nhỏ đã biết bày binh bố trận với ngọn cờ lau. Sau này ông dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành vị hoàng đế với tên Đinh Tiên Hoàng, khai mở triều đại nhà Đinh, khẳng định sự độc lập của nước Đại Cồ Việt đối với kẻ thù phương Bắc xâm lược. Các di chỉ khảo cổ ở Tiên Hội, Đồng Đậu có hình đầu trâu, tranh dân gian và điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ 17-18 có hình cậu bé chăn trâu thổi sáo.
Nghề nông vốn cực khổ, vì thế con trâu cũng gắn kết với nỗi vất vả của người nông dân, bởi người nghèo khổ hay có những câu cảm thán “cực như trâu”, “làm thân trâu ngựa”, hay “suốt đời chỉ đi sau đít trâu”, ...Tuy vậy, hình ảnh con trâu và cái cày cũng được nhắc đến trong lời khuyên: “Đừng đặt cái cày trước con trâu” như là một việc trái khoáy, ngược ngạo và không thể thành công.
Ngày nay, nhờ cơ giới hóa có máy cày thay trâu, nên trâu bớt cơ cực như ngày xưa. Thời bao cấp, vào khoảng cuối thập niên 1980, các nông trường quốc doanh hay hợp tác xã nông nghiệp ở miền Nam được viện trợ các xe máy cày sơn màu đỏ, nhập từ Belarus. Các tay lái máy cày khá lười, cày bừa ẩu tả vì ruộng đất là của chung, cày ruộng để lại nhiều góc lớn, các nông trường viên phải cuốc lại. Nếu muốn cày kỹ, hợp tác xã phải lo gà vịt hậu đãi mấy tay lái máy cày. Bởi vậy mới phát sinh ra câu “Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”. Nhà nước cũng có cố gắng đưa giống trâu ngoại vào nước ta để cải thiện đàn trâu, như giống trâu Murrah, trâu Surti nhập từ Ấn Độ, nuôi lấy sữa và thịt. Ngoài ra còn có dự án cấp nhà nước với đề tài “Nghiên cứu phát triển trâu lai F1”. Trâu lai F1 là con lai được tạo ra giữa trâu đực Murrahi với trâu cái Việt Nam, đề tài này do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi - Viện Chăn Nuôi chủ trì. Cách đây mấy năm, cũng có thêm đề tài của cơ quan trên, thử lai tạo giống lai tạo giữa trâu đầm lầy Thái Lan với trâu Việt Nam, thực hiện ở Thái Nguyên. Thời gian đầu các báo cáo thấy rất triển vọng vì cho sản lượng khá cao nhưng theo thời gian, các giống trâu này suy giảm dần về số lượng và đến nay gần như mất hẳn trong cơ cấu đàn trâu, không rõ vì đâu. Cuối cùng thì cũng quay lại “Trâu ta ăn cỏ đồng ta/Tuy là cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm”!.
Năm 2003, Việt Nam là nước đăng cai kỳ SEA Games thứ 22 và lần đầu tiên là chủ nhà trong một sự kiện thể thao khu vực Đông Nam Á. Năm đó, hình tượng con Trâu Vàng được chọn lựa như là một biểu tượng vui gắn liền với nền văn minh lúa nước. Linh vật Trâu Vàng được lấy cảm hứng từ sự tích con trâu vàng tắm ở Hồ Tây, Hà Nội với di tích là đền Kim Ngưu và con sông Kim Ngưu...
Năm 2021 là năm Tân Sửu tức năm con trâu, con vật đứng thứ hai trong 12 con giáp của Thập Nhị Địa Chi. Năm qua, các nước vùng Đông Nam Á lao đao với thiên tai, bão lụt, hạn mặn và dịch Covid-19. Hy vọng, năm con Trâu Mới (Tân Sửu) sẽ là một năm tốt lành, khỏe mạnh, hiền hòa hơn cho nước Việt.
Xem thêm: lmth.peihgn-oc-uad-al-ial-uart-noc-am-uad-od/770313/nv.semitnogiaseht.www