Nhân dịp đầu Xuân mới, trong cuộc trao đổi với VnEconomy, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định rằng: "Nói về Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020, không thể không nhắc đến một chữ "nhanh".
Nắm bắt nhanh, phản ứng nhanh; nhanh trong lắng nghe và tiếp thu; nhanh trong quyết nghị và hành động. Có một chữ "nhanh" làm nên cả trọn nhiệm kỳ, thách thức nào cũng vượt qua, hoàn cảnh nào cũng chiến thắng".
"ANH ĐÃ NGỦ CHƯA?"
Hơn hai nghìn ngày, gần như ngày nào cũng phải ít nhiều trải qua tình trạng "nín thở" vì thiên tai bất thường, dịch bệnh bất thường... Nói về nhiệm kỳ Chính phủ 2016- 2020, điều đầu tiên mà ông muốn nhắc đến là gì?
Đó là "nhanh". Nói về Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020, không thể không nhắc đến một chữ "nhanh". Nắm bắt nhanh, phản ứng nhanh; nhanh trong lắng nghe và tiếp thu; nhanh trong quyết nghị và hành động. Có một chữ "nhanh" làm nên cả trọn nhiệm kỳ, thách thức nào cũng vượt qua, hoàn cảnh nào cũng chiến thắng. Cũng một chữ "nhanh", không ngày nào Chính phủ yên tâm, từng thời khắc đều thấp thỏm. Không biết đã có bao nhiêu lần lúc 1,2 giờ sáng, Thủ tướng gọi cho tôi bàn về công việc, với câu hỏi đầu tiên là, "Anh đã ngủ chưa?".
Nhiều lãnh đạo các nước khi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều có chia sẻ rằng, "Quản trị một đất nước có tới trăm triệu dân không thể là việc dễ dàng nếu như không muốn nói là cực kỳ khó khăn". Nếu Chính phủ không nhanh, hẳn là nhiều diễn biến trong đời sống xã hội đều đã theo chiều hướng xấu đi, thậm chí là không thể khắc phục, không thể sửa chữa.
Mở đầu cho nhiệm kỳ, tôi còn nhớ như in ngày 23/4/2016, trên chuyến bay đi công tác ở Điện Biên, Thủ tướng phát hiện ra sự cố cá chết ở Hà Tĩnh. Đây là thời điểm mà Quốc hội vừa bầu ra Thủ tướng chưa được 3 tuần và bộ máy Chính phủ vẫn đang trong quá trình kiện toàn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận diện sự cố này "Như là sự thách thức bản lĩnh điều hành của Chính phủ".
Chỉ trong vòng 84 ngày, Chính phủ đã thể hiện được bản lĩnh của mình qua sự kiên quyết đấu tranh buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm. Ngày 29/6/2018, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cúi đầu "Xin lỗi Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ vì gây ra sự cố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng" và "Chúng tôi xin lỗi từ trái tim, mong nhận được sự cảm thông từ Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam".
Cùng với việc cúi đầu xin lỗi, Formosa cam kết bồi thường số tiền 500 triệu USD cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung. Sau đó, ngày 23/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung, do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Trưởng ban, hoạt động liên tục trong 2 năm. Số kinh phí bồi thường và hỗ trợ thiệt hại của Công ty Formosa đã được giải ngân hoàn toàn, bảo đảm đúng cam kết, đúng quy định và mục tiêu đề ra, không để xảy ra bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nào.
Và thưa ông, vào đúng thời điểm năm cuối nhiệm kỳ, với đại dịch Covid- 19, là đại họa nhưng cũng như có thêm cơ hội để Chính phủ càng làm đậm nét dấu ấn của một chữ "nhanh"?
Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện với cái tên ban đầu mà nhiều quốc gia vẫn gọi là "cúm mùa đông" và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở thời điểm này là đại dịch không lây từ người sang người. Tuy nhiên, Chính phủ nhận diện được ngay rằng tình hình không đơn giản như vậy.
Bởi, nếu không nguy hiểm thì vì sao Bộ Chính trị Trung Quốc phải họp khẩn chống dịch ngay vào mùng 1 Tết. Nếu không nguy hiểm thì vì sao Vũ Hán phải phong tỏa? Nếu không nguy hiểm thì vì sao trên 5 triệu người Vũ Hán đã di chuyển trước khi phong tỏa, đáng chú ý, những người di chuyển đều là những người có nhiều điều kiện để nắm bắt thông tin cũng như có nhiều điều kiện về kinh tế... Và nếu không nguy hiểm thì làm sao có 2 bệnh viện dã chiến lớn như vậy phải cấp tốc xây dựng và vì sao số người chết, số người bị lây nhiễm nhanh như vậy ở Vũ Hán?
Chính phủ quyết nghị không thực hiện theo khuyến cáo của WHO. Ngay từ Chỉ thị đầu tiên của Thủ tướng đã hoàn toàn ở mức cao hơn nhiều so với khuyến cáo của tổ chức này. Thủ tướng cũng đưa ra các chỉ lệnh chưa từng có như "Chống dịch như chống giặc", kêu gọi toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị tham gia chống dịch. Hàng loạt các biện pháp như đóng cửa biên giới, đóng cửa đường mòn, lối mở, tạm dừng các chuyến bay tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu được áp dụng...Đây đều là những quyết định chưa từng có tiền lệ, nhưng đã được thực hiện ở mức nhanh nhất có thể. Thủ tướng nêu rõ, chỉ chậm một chút là tình hình không thể cứu vãn. Không nắm bắt nhanh, phản ứng nhanh, có lẽ bây giờ chúng ta không dám hình dung về những điều có thể xảy ra.
LƯỢNG HOÁ LÒNG BIẾT ƠN
Theo ông thì điều gì làm nên một chữ "nhanh"?
Đó là sự biết ơn dân. Thủ tướng luôn nói rằng, trong mọi chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, có thành công hay không đều trông ở dân và điều Thủ tướng luôn muốn nói nhiều nhất là lời cảm ơn trân trọng người dân. Nhận chức Thủ tướng vào mùa hè năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn xây dựng thành công một Chính phủ tận tâm tận lực với dân. Xuyên suốt trong cả 5 năm của nhiệm kỳ là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng "Phải thực chất, thực tâm. Mọi hành động của Chính phủ phải thực chất từ những việc nhỏ nhất và thực tâm, chân tình trong đối đãi với dân. Chính phủ phải quyết liệt hành động vì nhân dân".
Nhiệm kỳ 2016-2020 là một nhiệm kỳ đặc biệt thách thức. Chỉ tính riêng trong năm 2020, cùng với xâm nhập của đại dịch Covid-19, là sự khốc liệt, dị thường của thiên tai trên khắp các vùng, miền của cả nước. Trong một năm mà Việt Nam đã phải hứng chịu tới 576 trận thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, 264 trận đông, lốc, sét, mưa đá, 132 trận lũ quét, sạt lở đất...
Người dân của chúng ta luôn trong tình trạng chống chọi gian khó chồng gian khó. Đất nước chỉ có thể kiên cường đứng vững khi người dân kiên cường đứng vững. Thành tựu không thể có nếu người dân nản chí, buông tay. Chính phủ biết ơn người dân bởi trong mọi hoàn cảnh, Chính phủ luôn nhận được sự "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" của nhân dân.
Một câu rất quen thuộc của Thủ tướng là, "Chính phủ không nói suông". Ông có thể dẫn chứng về một việc cụ thể Chính phủ không nói suông trong thể hiện lòng biết ơn?
Ngay sau khi vừa bước chân vào nhiệm kỳ mới, ngày 19/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương.
Không phải là trùng hợp khi Thủ tướng chọn đúng ngày Cách mạng Tháng Tám để ký quyết định này, mà chính là gửi gắm ở đó sự quyết tâm, niềm hy vọng tạo thêm một cuộc cách mạng mang lại cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Từ đó đến nay, Tổ công tác đã thực hiện 103 buổi làm việc để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và những rào cản hành chính để cởi trói tối đa cũng như giảm tối đa bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Học tập sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ và kinh nghiệm hoạt động của Tổ công tác, hầu hết các bộ, cơ quan địa phương đều thành lập Tổ công tác. Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, chậm được xử lý, giải quyết có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương được khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.
Với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, Thủ tướng chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, cải thiện môi trường kinh doanh; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giảm giấy tờ; đổi mới công tác điều hành dựa trên nền tảng dữ liệu số... Theo đó, gánh nặng chi phí đã giảm được cho người dân, như ước tính của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là trên 8.500 tỷ đồng/năm.
Xem thêm: mth.37591407170201202-gnaht-tat-ueid-iom-hnahn-uhc-tom-oc/nv.ymonocenv