Chợ Ú chuyên buôn bán các loại trâu, bò, bê, nghé ở xã Đại Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) mỗi tháng họp 6 phiên chợ. Đây là chợ trâu bò lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ.
Nơi đây được xem là lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ bởi nguồn hàng của chợ được lấy từ khắp nơi trong nước và cả các nước ngoài như: Lào, Thái Lan, Myanmar...
Theo thông lệ, mỗi tháng chợ Ú họp 6 phiên, mỗi phiên cách nhau 5 ngày gồm các ngày mùng 1,6,11,16,21,26. Chợ được họp từ 4 giờ sáng đến 8h sáng cùng ngày thì kết thúc. Mỗi phiên chợ bán hơn 1000 con trâu, bò các loại.
Từ tờ mờ sáng khi trời còn đầy sương sớm thì người dân, các thương lại lại dắt cả đàn trâu, bò đến chợ để buôn bán, trao đổi.
Cả đàn bò lớn nhỏ được buộc chặt vào chiếc xe kéo rồi kéo đi đến chợ Ú để bán.
Phiên chợ tấp nập kẻ bán người mua. Càng gần Tết, việc mua bán lại càng tấp nập hơn bởi nhu cầu của người dân càng tăng cao. Theo những thương lái tại đây, dịp cận tết việc mua bán dễ dàng hơn vì nhiều nguồn hàng, giá cả hợp lý cho cả người mua và bán.
Ở chợ Ú được phân chia ra nhiều khu vực khác nhau. Trong đó có khu bán trâu riêng, bán bò riêng, bán bê, nghé riêng để người mua dễ tìm thấy.
"Tôi làm nghề này mấy chục năm rồi, cứ mua trâu, bò rồi đến ngày họp chợ thì mang ra bán kiếm lời. Nghề này tuy vất vả nhưng cũng cho thu nhập ổn định", ông Trần Văn Tuấn (trú xã Đại Sơn) chia sẻ.
Cảnh mua bán trâu, bò tại chợ diễn ra tấp nập. Người bán, khách mua đếm tiền sau những cuộc ngã giá, thương lượng.
Sau khi phiên chợ kết thúc, những con trâu, bò đã mua sẽ được các thương lái cho lên xe tải để vận chuyển đi bán khắp nơi trong cả nước và cả nước ngoài.
Những con trâu, bò sẽ được bán nhiều nơi, trong đó thị trường lớn là xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vì quãng đường vận chuyển trâu, bò đi tiêu thụ xa nên các thương lái, chủ xe phải chằng buộc chắc chắn, chuẩn bị cho cuộc hành trình dài.
Chợ Ú phát triển lớn kéo theo nhiều dịch vụ khác nhau trong đó có các dịch vụ mua bán, vỗ béo trâu bò nên người dân xã Đại Sơn đã có những đổi thay tích cực, có thu nhập ổn định, đời sống nâng cao hơn trong những năm gần đây.
Để việc mua bò thuận tiện và có lời, các thương lái sẽ trực tiếp đi săn lùng mua trâu bò ở các bản vùng cao, có khi sang tận nước ngoài để mua hàng, rồi vận chuyển về nhà ở xã Đại Sơn để chăm sóc, vỗ béo. Khi trâu bò đạt chuẩn, các thương lái sẽ bán ra kiếm lời.
Ông Hoàng Văn Bình (51 tuổi, trú xã Đại Sơn) cho biết, ông có kinh nghiệm 30 năm và 5 đời chuyên mua bán trâu, bò. 2 con trai ông hiện đang "cắm chốt" ở Thái Lan để săn lùng mua trâu bò về cho ông Bình buôn bán.
Ông Bình cho biết, nghề mua bán trâu, bò không khó, chỉ cần có con mắt tinh tường biết chọn trâu, bò ngon, nhiều thịt sẽ dễ bán. Khi mua những con trâu, bò không đạt chuẩn về trọng lượng, ông sẽ đưa về chăm sóc, vỗ béo khi đạt chuẩn rồi mới mang đi bán.
Anh Trần Huy Hoa (45 tuổi) là một cơ sở mua bán, vỗ béo trâu, bò lớn nhất xã Đại Sơn. Có tháng anh Hoa bán được cả nghìn con trâu, bò các loại, cho thu nhập cả trăm triệu đồng.
Để việc mua bò thuận tiện, tiến triển tốt, anh Hoa phải thuê 7 người chuyên "cắm chốt" ở Lào và Thái Lan để tìm mua trâu, bò chuyển về. Ở nhà, anh Hoa còn phải thuê thêm 7 người chuyển chăm sóc, vỗ béo trâu, bò. Trong ảnh là công nhân mang cám, thức ăn chăm sóc bò.
"Nghề buôn bán, vỗ béo trâu bò là nghề làm giàu chính của địa phương. Toàn xã có trên 200 gia đình làm nghề, có hơn 100 người đang ở Lào, Thái Lan làm nhiệm vụ mua trâu bò. Người buôn bán tháng cũng kiếm được vài chục đến vài trăm triệu đồng", ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn chia sẻ.
NGỌC TÚ
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ