Sài Gòn là thành phố không ngủ, bởi càng về đêm càng có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn giới trẻ. Trong đó, pub, bar, lounge, karaoke, cà phê sang chảnh… là những “món ngon” trong thực đơn giải trí chất phát ngất của dân sành điệu xứ này.
Có những “gu” ăn chơi khác nhau nên dân chơi sẽ lựa món để thưởng thức cũng chẳng giống nhau. Đối với những người thích “hoạt động về đêm” (trong giới gọi là nightlife) thì có thể tìm “menu” gồm các món như bar, pub, lounge, hộp đêm, hòa nhạc…Trong đó, xả stress và relax cực mạnh thì bar có lẽ là một trong những món mà dân nightlife ưu tiên lựa chọn.
Không phải cứ tới bar là phải uống rượu mạnh hoặc bia đâu nhé. Dân sành điệu sẽ thích nhấm nháp một ly cocktail bắt mắt, lạ miệng được made in từ những bartender là anh trai xinh hoặc chị gái đẹp có kỹ năng tung chai, múa lọ cực điêu luyện. Song song đó là hòa mình cùng món âm nhạc đập muốn “rớt con tim ra ngoài”.
Bình thường, bên ngoài bar rất tĩnh lặng, cũng chỉ là những ánh đèn màu nhấp nháy nhưng bên trong sẽ là một thế giới hoàn toàn khác - thế giới của sự sôi động, náo nhiệt. Bởi khi vào bar để “quẩy”, tất cả các giác quan sẽ được đánh thức từ thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác… và cả cảm xúc về cuộc sống nữa.
Trap, house, Twe, rap, hiphop… là những dòng nhạc được sử dụng nhiều nhất trong bar và tất nhiên cũng không thể thiếu vắng những nữ DJ “chà đĩa” cực ngầu nữa. Chẳng những thế, những bar lớn ở Sài Gòn còn là nơi hội tụ của nhiều ngôi sao ca nhạc, giải trí hàng đầu trong nước với những màn biểu diễn muốn “đốt cháy” sân khấu.
Những bar “chịu chơi” cũng luôn chịu khó thay đổi thiết kế sân khấu và phong cách phục vụ khiến khách không có chỗ cho sự nhàm chán. Thế đấy. Vào bar là thể hiện được chất chơi gai góc, phóng khoáng nhưng cũng phải cực kỳ văn minh, thời thượng.
* * *
Nếu không chịu được sức “quánh” muốn rớt con tim ra ngoài tại bar, dân nightlife sẽ lựa chọn món pub (viết tắt của từ public). Pub có giá cả bình dân hơn so với bar nhưng độ chơi cũng chất lừ không kém. Pub có thức uống chủ đạo là cocktail nên ở đây rất chú trọng kỹ năng pha chế và sự sáng tạo của anh trai xinh, chị gái đẹp bartender. Dân sành điệu đến pub cũng không ngoài mục đích nhấm pháp ly cocktail mới lạ và “phiu” cùng những bản nhạc nghe rất chi là “chill out” (một dạng nhạc nền, nhấn mạnh về giai điệu và bầu không khí, khiến người nghe cảm thấy thư giãn, thoải mái).
Các pub ở Sài Gòn cũng là lựa chọn của nhiều khách hàng đến từ đủ quốc gia. Vì vậy, pub cũng có thể coi là nơi luôn rộng mở, dễ kết nối dân nightlife từ nhiều nơi với nhau.
Nếu dân sành điệu thuộc giới nhà giàu thì món lounge (một loại hình giải trí tinh tế, đẳng cấp) là lựa chọn số một. Đến lounge là để uống rượu mạnh hoặc nhấm nháp champagne cao cấp hay nhấp vài ngụm cocktail thượng hạng và thưởng thức âm nhạc cũng rất chi là “chill out”. Tất nhiên giá cả khi tới lounge khá đắt đỏ.
Nếu đơn thuần chỉ để thưởng thức âm nhạc, để thả hồn vào những bài hát yêu thích, những giọng ca thần tượng, dân nightlife nhất định sẽ lựa chọn phòng trà. Phòng trà thực chất cũng là một dạng lounge nhưng sản phẩm chủ đạo là âm nhạc.
Phòng trà cũng lại chia thành nhiều phong cách âm nhạc khác nhau, đủ các “gu” cho người nghe lựa chọn. Chẳng hạn, những người có “gu” thưởng thức âm nhạc mạnh nhưng tinh tế sẽ tìm đến phòng trà theo phong cách nhạc jazz. Trong khi đó, không ít người lại chọn tới phòng trà, nơi hội tụ các giọng ca bất hủ của dòng nhạc “sến”.
Văn hóa ứng xử tại các địa điểm giải trí như bar, pub, lounge, phòng trà… của dân nightlife cũng khá đặc biệt và rất Sài thành. Đó là sự gần gũi trong xa lạ, sự thấu hiểu trong “gai góc”, sự kết nối không cần bằng lời nói… Bởi đôi khi bạn chỉ một mình trong pub mang một tâm trạng nào đó và muốn để nó cuốn trôi cùng ly cocktail có vị cay lẫn chất đắng. Hướng mắt xa xa, bạn bắt gặp ánh mắt của một ai đó, ngay lập tức bạn như tìm được sự thấu hiểu, đồng cảm từ đôi mắt ấy. Hai con người ấy sẽ cùng giơ ly hướng về nhau và chỉ bằng một cái gật đầu thôi cũng đủ “tứ hải giai huynh đệ” rồi. Dù chỉ là giao tiếp qua ánh mắt, cử chỉ nhỏ nhưng sẽ được hiểu là “uống nhé anh bạn, tôi đồng cảm với anh, cứ vui đi mà sống!”.
* **
Nếu như muốn thưởng thức chính giọng ca của mình và bạn bè thì karaoke là nơi lựa chọn lý tưởng nhất. Bởi đây là một hình thức giải trí vừa hiệu quả, vừa lành mạnh, vừa mang lại sự gắn kết giữa những người đi cùng nhau.
Ở Sài thành, nhiều quán karaoke được thiết kế rất tinh tế, sang trọng với chất lượng âm thanh “phê như con tê tê”. Có thể nói bước chân vào phòng hát của các quán karaoke sang chảnh, thời thượng, đẳng cấp ở Sài Gòn cũng chẳng khác nào đang thưởng thức không gian sống trong cung điện. Đó có thể là những không gian cổ điển kết hợp hiện đại cùng ghế sofa êm ái. Đó cũng có thể là một không gian đậm chất hiện đại với nhiều tông màu đan xen độc đáo. Có lẽ vì vậy mà những quán karaoke đẳng cấp ở Sài thành thường được gắn với cái tên rất quý phái như King (vua), Kingdom (vương quốc)… hoặc sang chảnh như Crystal (Pha lê), Nice Premier (đẹp ngoại hạng)…
* * *
Tất nhiên thực đơn giải trí chất chơi của dân Sài thành cũng không thể bỏ qua những quán cà phê mang phong cách “mợ chảnh”.
Cà phê có thể coi là đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Sài Gòn. Dân sành điệu thì chắc chắn sẽ biết đến những dạng quán cà phê trong khách sạn năm sao, sáu sao. Điển hình như Rooftop Pool Bar, Cadinal, Park Lounge, Runam Bistro… với phong cách cổ điển cùng gam màu độc đáo, mang lại cảm giác bình yên, thư thái, đúng chất “mợ chảnh”.
Đặc biệt, nói về ăn chơi với cà phê thì dân sành điệu không thể không biết đến những quán cà phê gắn cái mác ở tút trên tầng cao của những tòa trung tâm thương mại. Dạng quán này có thể kể tới cà phê ở tầng 26, 27 của tòa nhà Chill Sky, cà phê ở tầng 50, 51, 52 tòa Bitexco hoặc cà phê ở tầng 75, 76 của tòa Landmark…
* * *
Tóm lại, ở Sài Gòn, nói về ăn chơi thì không hẳn cứ phải tới những chỗ sang trọng và tiêu tốn hàng “mớ” tiền mới gọi là sành điệu. Việc đến bar, pub, phòng trà… chỉ để thưởng thức một ly cocktail hoàn toàn vừa túi tiền của bất cứ ai. Tương tự, phòng trà, karaoke hay quán cà phê ở Sài Gòn cũng vậy, dù sang trọng, đẳng cấp hay ở mức nào thì điều đó sẽ chẳng quan trọng, bởi dân Sài Gòn không bao giờ “nhìn mặt mà bắt hình dong” nên ai cũng có thể trải nghiệm và thưởng thức theo cách rất riêng của mình.