Một nghiên cứu của Đại học Scranton cho thấy chỉ 8% những người đặt mục tiêu năm mới thực sự đạt được chúng, có nghĩa là 92% những người đặt mục tiêu năm mới đều thất bại.
Vấn đề ở đây là nhiều người xem các mục tiêu năm mới như là hy vọng và mong ước. Họ hy vọng họ sẽ giảm cân, họ ước bắt đầu kinh doanh của riêng mình, hoặc họ hy vọng có được một công việc tốt hơn. Vấn đề của việc "hy vọng" và "mong ước" là những thứ không có kế hoạch, không có mục đích và không có khung thời gian được thiết lập để đạt được mục tiêu.
Một khi những hy vọng và mong ước này đối mặt với thực tế của cuộc sống hàng ngày, chúng sẽ sớm tan biến thành những điều mơ tưởng viển vông.
Vì vậy, để thực sự đạt được điều gì đó, bạn cần có một mục tiêu cụ thể: Một mục tiêu thông minh (SMART).
Mục tiêu thông minh (SMART) là từ viết tắt của Cụ thể (S), Có thể đo lường (M), Có thể đạt được (A), Có liên quan (R) và Dựa trên thời gian (T). Công thức này đã được sử dụng bởi các tập đoàn và cá nhân nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Và thực tế điều này hoạt động khá ổn.
S: Mục tiêu của bạn là trực tiếp, cụ thể và có ý nghĩa.
M: Mục tiêu của bạn có thể định lượng được để đối soát quá trình hay thành công.
A: Mục tiêu của bạn phải thực tế và bạn có những công cụ hay nguồn lực để đạt được nó.
R: Mục tiêu của bạn liên kết với tầm nhìn của tổ chức/công ty.
T: Mục tiêu của bạn có một thời hạn hoàn thành nhất định.
Vấn đề của công thức mục tiêu SMART là nó không tính đến yếu tố con người. Chúng ta cần động lực. Chúng ta cần một lý do để đạt được những mục tiêu này. Nếu bạn không có động lực thực sự- không có câu trả lời cho câu hỏi "tại sao" thì bạn sẽ thất bại.
Ví dụ bạn muốn giảm 6kg trong vài tháng, đây không phải là điều dễ dàng. Bạn sẽ trải qua nhiều tháng cảm thấy đói và trừ khi bạn sở hữu sức mạnh tinh thần siêu phàm, nếu không bạn sẽ đầu hàng trước những cám dỗ của thức ăn.
Tất cả các mục tiêu thông minh có thể được rút gọn thành ba từ:
What: Bạn muốn đạt được những gì?
Why: Tại sao bạn muốn đạt được nó?
How: Bạn sẽ đạt được nó như thế nào?
Khi bạn đơn giản hóa mục tiêu của mình theo cách này, việc đạt được mục tiêu sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
1. Hình dung những gì bạn muốn
Một cách để làm cho mục tiêu của bạn có thể đạt được là hình dung kết quả cuối cùng. Khi bạn viết ra tuyên bố sứ mệnh của mình, bạn nên hình dung mọi thứ sẽ như thế nào khi bạn đã đạt được mục tiêu.
Trong ví dụ kế hoạch giảm cân, bạn sẽ nhắm mắt lại và tưởng tượng bước xuống từ phòng khách sạn của một resort vào tháng 7 với khăn tắm, kem chống nắng, kính râm và đồ bơi. Bạn sẽ tưởng tượng đi bộ qua tất cả những người tắm nắng khác và cảm giác bạn có là niềm tự hào về thân hình gọn gàng cùng dáng vẻ tự tin của mình.
Cố gắng sử dụng càng nhiều giác quan trong số năm giác quan càng tốt.
2. Xác định "Tại sao"
Nếu bạn lấy việc giảm 6kg làm ví dụ, một khi bạn đã quyết định rằng bạn muốn giảm cân, câu hỏi tiếp theo để tự hỏi bản thân là "Tại sao?" ? Lý do của bạn càng cá nhân càng tốt.
Lý do của bạn có thể là, "Bởi vì tôi muốn nhìn và cảm thấy tuyệt vời bên hồ bơi resort vào mùa hè này." Đó là một lý do mạnh mẽ. Nếu lý do của bạn là "Bởi vì bác sĩ của tôi đã bảo tôi giảm cân", đó không phải là lý do tốt vì đó là của bác sĩ, không phải của bạn.
Một cách để xác định "tại sao" là viết tuyên bố sứ mệnh của bạn. Bạn có thể tham khảo mẫu câu đã hoàn thành tuyên bố sứ mệnh sau:
Tôi sẽ [TUYÊN BỐ MỤC TIÊU RÕ RÀNG] trước [NGÀY BẠN MUỐN HOÀN THÀNH MỤC TIÊU] vì [LÝ DO].
Nếu bạn muốn viết một mục tiêu thông minh cho ví dụ giảm cân, tuyên bố sứ mệnh của bạn có thể viết thành như sau: "Tôi sẽ giảm 6kg vào cuối tháng 7 năm nay vì tôi muốn có vẻ ngoài tuyệt vời bên hồ bơi vào kỳ nghỉ hè tới."
Đừng bao giờ viết một tuyên bố sứ mệnh chỉ toàn những từ mơ hồ. Từ ngữ bạn sử dụng phải đơn giản, trực tiếp và rõ ràng.
3. Tìm ra "Cách thức" của bạn
Trước khi bạn có thể bắt đầu đạt được mục tiêu của mình, bạn cần tạo một danh sách các bước bạn có thể thực hiện để biến nó thành hiện thực.
Viết ra mọi thứ bạn có thể nghĩ đến sẽ giúp đạt được mục tiêu của bạn. Không quan trọng bạn viết những nhiệm vụ này theo thứ tự nào. Điều quan trọng là bạn viết ra bao nhiêu bước hành động mà bạn có thể nghĩ ra.
Bạn có thể chia nhỏ thành khoảng một trăm bước. Điều này giúp bạn dễ dàng hơn trong việc phân công nhiệm vụ cho mỗi ngày, không chỉ giúp bạn tiến tới mục tiêu mà còn giúp bạn tập trung vào việc đạt được mục tiêu mỗi ngày.
Khi bạn đã có danh sách của mình, bạn có thể tạo danh sách việc cần làm cho mục tiêu và phân bổ các bước cho các ngày khác nhau để bạn tạo động lực hướng tới kết quả thành công.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị