Năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt 14 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2020, dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo PGS TS Phạm Văn Điển- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn–NNPTNT), dù năm 2020 dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhưng xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt khoảng 13,17 tỉ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm 2020, tăng 16,4% so với năm 2019.
Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 đạt khoảng 2,58 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2019. Xuất siêu ước cả năm đạt 10,5 tỉ USD tăng 17,9% so với năm 2019.
Những kết quả trên đã tạo đà để ngành lâm nghiệp mạnh dạn đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2021 đạt 14 tỉ USD.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng cho biết, lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gỗ là ngành kinh tế quan trọng mà Bộ Công Thương luôn quan tâm, chú trọng trong thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật trong nước cùng với các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới được Việt Nam ký kết như: CPTPP, EVFTA và Hiệp định RCEP.
Xuất khẩu gỗ "nương" theo COVID-19 để tăng trưởng
Tự tin với khả năng đạt 14 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản, các doanh nghiệp cho rằng, người tiêu dùng đã "thích nghi" với COVID-19, tự tin hơn, bình tĩnh hơn trong ứng phó.
Hơn nữa, theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), trong các đợt COVID-19 vừa qua, ngành gỗ Việt Nam hầu như không bị gián đoạn về sản xuất, không nhà máy nào bị phong tỏa vì có ca nhiễm bệnh COVID-19. Do đó, ngành gỗ Việt Nam không những vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu mà còn có thể lấp được vào chỗ trống do ngành gỗ ở nhiều nước bị gián đoạn sản xuất bởi dịch bệnh.
Lạc quan về khả năng tăng trưởng xuất khẩu gỗ trong năm 2021, ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, phân tích: Dịch bệnh khiến người dân nhiều quốc gia phải ở nhà nhiều hơn, nên nhu cầu mua sắm đồ nội thất, sửa sang nhà cửa tăng lên, nhu cầu mua sắm online cũng tăng, trong đó có đồ gỗ.
“Nắm bắt tình hình đó, nhiều doanh nghiệp gỗ đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua các kênh bán hàng trực tuyến trên toàn cầu như Amazon, Alibaba…” – ông Điền Quang Hiệp nói.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, trong năm 2020, các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc… tiếp tục là những thị trường quan trọng, ước giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này đạt trên 11 tỉ USD, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Không chỉ đề ra mục tiêu 14 tỉ USD trong năm 2021, Bộ NNPTNT cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đạt 20 tỉ USD. Về thị trường, duy trì và mở rộng các thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường trọng điểm; giải quyết kịp thời các vấn đề về thương mại gỗ, lâm sản trên nguyên tác cùng có lợi, phù hợp với pháp luật các bên và cam kết quốc tế; bảo đảm minh bạch, phát triển các mối quan hệ đối tác lâu dài cả xuất khẩu và nhập khẩu, hướng đến thương mại cân bằng…
Xem thêm: odl.146778-91-divoc-hcid-ud-dsu-it-41-ev-gnam-auh-nas-mal-av-og-uahk-taux/et-hnik/nv.gnodoal