vĐồng tin tức tài chính 365

Dông bão đi qua, người còn của cũng phải còn

2021-02-15 08:01
Dông bão đi qua, người còn của cũng phải còn - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy (giữa) tại một buổi lập kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai ở Tam Kỳ, Quảng Nam - Ảnh: NVCC

Nửa đêm, trời tối đen như mực mà người dân phải dỡ ngói chui ra cầu cứu. Dù có câu "còn người, còn của" nhưng làm sao để dông bão qua đi, của còn mà người cũng còn, để sự khởi đầu mới đỡ gian nan? Tuổi Trẻ Xuân Tân Sửu trò chuyện với chuyên gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy.

Nguyễn Ngọc Huy lấy bằng tiến sĩ về giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu tại Đại học Kyoto, Nhật Bản năm 2010. Ông có hơn 15 năm nghiên cứu thiên tai, biến đổi khí hậu ở các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Ông cũng từng làm việc cho rất nhiều tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc như UNISDR (Cơ quan chiến lược về giảm nhẹ thiên tai của Liên Hiệp Quốc), UNESCO (Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc), IFAD (Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế) và các tổ chức quốc tế khác. Nguyễn Ngọc Huy sử dụng Facebook Huy Nguyen như một kênh đưa tin cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan hơn 10 năm trở lại đây.

Tinh thần "lá lành đùm lá rách" mạnh hơn gió bão

Người Việt có câu "lá lành đùm lá rách" và thực tế hậu bão lũ ở miền Trung trong tháng 10, 11-2020 cho thấy tinh thần này mạnh hơn gió bão. 

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy xác nhận năm 2020 là một năm bão lũ đặc biệt lớn với người dân miền Trung, do đó cứu trợ khẩn cấp là cần thiết. Nếu không có sự giúp đỡ của Chính phủ, cộng đồng, nhà hảo tâm thì sẽ rất khó khăn để người dân miền Trung tự đứng vững.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cộng đồng phải tự xây dựng năng lực chống chịu trước thiên tai. Trong trường hợp bão lũ đặc biệt lớn ở miền Trung, trong 1 - 3 ngày đầu cứu trợ khẩn cấp như nước sạch, quần áo ấm, thực phẩm ăn liền là cần thiết nhưng sau đó phải chuyển ngay sang tái thiết. 

Công tác cứu trợ ưu tiên những người bị mất tất cả, tạo động lực cho những người còn, dù chút ít, khôi phục sinh kế với những gì mình có. Chẳng hạn, nông dân còn đất đai thì khuyến khích họ trồng rau, nuôi gia cầm ngắn ngày như gà vịt, cung cấp các chương trình cho vay dựa trên kế hoạch phục hồi nhà cửa hay sinh kế cụ thể. 

Người dân ở vùng bão lũ và cả ngoài vùng bão lũ cần hiểu rằng quá trình phục hồi cần có thời gian. Quá trình đó dù dài nhưng quan trọng là động lực, tư thế và phẩm giá của người dân. Họ không phải là những người ngồi chờ lòng thương của xã hội, mà đứng lên bằng động lực và ý chí của mình.

Năng lực chống chịu của mỗi người và cả cộng đồng là một quá trình tích lũy kinh nghiệm và đổi mới, thích nghi liên tục qua nhiều thế hệ để bảo vệ tính mạng, tài sản trước thiên tai. Việt Nam có thể học hỏi tinh thần Nhật Bản khi xây dựng năng lực này.

Nhật Bản nằm trên đường ranh giới giữa bốn mảng kiến tạo địa chất của Trái đất, vị trí địa lý làm cho nước này thuộc nhóm nhiều thiên tai nhất thế giới. Từng người dân ở Nhật Bản nhận thức sâu sắc bất lợi này và họ nghiêm túc với việc ứng phó với thiên tai. Nhờ vậy khi có thiên tai, nỗ lực của chính quyền được giảm đi rất nhiều vì người dân tự có đầy đủ năng lực.

Ông Huy chia sẻ trong xây dựng năng lực ứng phó, người Nhật ưu tiên hai khía cạnh là cơ sở hạ tầng và tuyên truyền giáo dục trong trường học. Hạ tầng ở Nhật có năng lực chống chịu, phòng chống thiên tai như bão và động đất. 

Trong khi đó, hầu như tất cả mọi công dân ở Nhật được học về thiên tai và cách ứng phó với thiên tai trong nhà trường. Họ ý thức trách nhiệm với cá nhân trước thiên tai và tinh thần này được truyền từ đời này sang đời khác. Ở Việt Nam lại có khoảng trống. 

Tại những vùng thường xảy ra thiên tai, người dân có kinh nghiệm ứng phó, nhưng với những vùng thiên tai mới hoặc không thường xảy ra thiên tai như bão ở Cà Mau nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, người dân không có kinh nghiệm ứng phó hoặc nếu có thì có khoảng cách thế hệ trong ứng phó với thiên tai. 

Cơn bão số 5 - Linda đổ bộ vào Cà Mau năm 1997 đến nay đã hơn 20 năm. Khoảng cách này đủ để một người vừa làm chủ gia đình, độ tuổi 20 - 35 ở đây hầu như không có kinh nghiệm ứng phó. Trước thực tế bất thường, khắc nghiệt và khó đoán hơn của thời tiết, khoảng trống thế hệ này là một lỗ hổng cần khắc phục.

Mặc dù dự báo không thể chính xác 100% nhưng người dân nên lắng nghe thông tin cảnh báo từ chính quyền và chuyên gia, vì mạo hiểm đồng nghĩa với trả giá. Ở Nhật Bản, khi chính quyền thông báo sơ tán thì ai làm việc nấy, đúng giờ tất cả có mặt. 

Ở Việt Nam thì có nơi phải cưỡng chế người dân mới chịu di dời, sơ tán. Nguyên nhân là do người dân chưa có đủ thông tin để tự đánh giá rủi ro quanh họ.

Dông bão đi qua, người còn của cũng phải còn - Ảnh 2.

Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Bản tin dự báo thời tiết đưa thông tin, không đưa số liệu

Người dân có thể bất ngờ khi các nhà nghiên cứu đã hình dung được mức độ tác động, ảnh hưởng của bão lũ miền Trung năm 2020 từ trước. Biết trước tai ương là một lợi thế, nhưng đến tháng 11 chúng ta dường như đã ở trong hoàn cảnh trở tay không kịp. 

Theo ông Huy, từ thông tin dự báo, cảnh báo đến việc phòng tránh ở địa phương cũng như người dân còn một khoảng trống lớn. "Không ai biết có bao nhiêu người tiếp cận được thông tin năm 2020 là một năm mưa cực đoan. Nếu có thì bao nhiêu người tin, vì đây là rủi ro chưa xảy ra. Nếu biết sẽ có đợt mưa cực đoan đêm 17-10-2020, nước lên tới nóc nhà ở Quảng Trị, hẳn người dân đã không phải kêu cứu vào lúc giữa đêm, các số điện thoại đường dây nóng không quá tải. 

Trên thực tế, biết trước thiên tai 1 - 2 ngày, người dân luôn có đủ thời gian để gia cố nhà cửa và đến nơi an toàn dù bão lớn. Đôi khi hành động an toàn đơn giản chỉ là sang nhà người hàng xóm cách đó vài trăm mét có nhà xây kiên cố hơn ở tạm" - tiến sĩ Huy nhấn mạnh.

Thực tế này cho thấy có thể chúng ta cần những bản tin dự báo thời tiết thiết thực hơn theo tiêu chí đưa thông tin, chứ không phải đưa số liệu.

"Nếu chúng ta nói với người dân một lượng mưa bao nhiêu milimet sẽ đổ xuống Quảng Trị, người dân sẽ không hiểu ý nghĩa của nó, nhưng nếu là mưa trong khoảng mấy tiếng, mưa ở đâu, ngập lụt tại đâu sau mấy ngày... người dân sẽ hiểu ngay", ông Huy nói.

"Hoặc khi đưa tin bão, thay vì dùng kinh độ, vĩ độ - những thông tin đại đa số mọi người phải tra bản đồ, hãy cung cấp những thông tin quan trọng nhất: mấy giờ bão đổ bộ, đổ bộ vào đâu, cấp bão khi đổ bộ là bao nhiêu. Bão cấp đó thì loại nhà nào đứng vững, loại nào không. Dự báo phải sát nhất có thể và cụ thể", ông Huy bổ sung.

Nếu dự báo thời tiết là một bản tin chung chung, bão dự kiến đổ bộ từ Phú Yên tới Hà Tĩnh sẽ làm đa số mọi người chủ quan và bỏ qua. Nhưng nếu nói bão sẽ đổ bộ vào vùng nào của tỉnh nào, người dân sẽ được thuyết phục và dễ làm theo các biện pháp phòng tránh.

Không thể sau bão lại lợp lại nhà như cũ

Có nhiều bài học ngắn hạn và dài hạn có thể rút ra cho tất cả các bên sau năm 2020 lịch sử về bão lũ. Về năng lực chống chịu, nếu không nâng cao năng lực của người dân thì cứ mỗi lần có thiên tai phải huy động cứu trợ, tình thương của cả nước.

Ông Huy cho biết: "Quan điểm của tôi là hoạt động cứu trợ chỉ nên diễn ra trong thời gian ngắn với những thiên tai rất lớn mà người dân không thể tự đứng dậy. Còn với những thiên tai bình thường thì cộng đồng cần đứng vững trên đôi chân của mình".

Mặc dù Việt Nam có tinh thần tương trợ rất cao nhưng điều quan trọng không phải là đi cứu trợ sau mỗi đợt thiên tai, mà là năng lực của mỗi cộng đồng. Chẳng hạn ở miền Trung, khi xây nhà ở, nhà xưởng nên gia cố mái nhà bằng thanh sắt hay trụ bêtông với mối hàn sắt nẹp lại mái tôn. 

Gia cố chắc chắn thì tốn thêm chi phí, khoảng 10%, nhưng giữ được 100% tài sản sau mỗi đợt bão. ở miền Trung cứ sau bão là người dân lại lợp lại nhà theo cách cũ. Như vậy có nghĩa là bà con chấp nhận cứ có bão lớn phải lợp lại mái nhà. 

Đây không phải là một thực hành tốt. Thực hành tốt là từ những kinh nghiệm cũ chúng ta rút ra bài học để cải tiến, thay đổi. Chẳng hạn ở Huế năm 1999 có một trận lụt lớn. Sau đó khi xây nhà, rất nhiều người dân đã đổ nền nhà cao bằng mức lụt năm 1999.

Về quy hoạch phát triển của các thành phố trên núi và ven biển, cần minh bạch và có sự tham gia của nhiều bên, đặc biệt là người dân có kiến thức bản địa một cách thực chất. Khi xây nhà trên núi hoặc xây khu đô thị lớn ven biển, vô tình chúng ta đã tác động nắn dòng chảy tự nhiên hoặc chặn đường thoát nước, làm các thành phố này dễ bị tổn thương với ngập lụt. Tương tự là việc phát triển công trình đường sá, quốc lộ mà không có đủ không gian thoát nước. Vì vậy, quy hoạch đô thị phải tính toán đến yếu tố rủi ro thiên tai.

Về cảnh báo, tự đánh giá rủi ro tại vùng được cảnh báo thiên tai, thay đổi nhận thức, lập kế hoạch và hành động, các địa phương cần nhìn lại năng lực ứng phó thiên tai lớn của mình và nếu chưa có thì công tác ứng cứu từ các tỉnh lân cận thế nào? Bão lũ vừa qua cho thấy mọi lực lượng đều đã vắt kiệt năng lực để ứng cứu nhưng vẫn không đủ. 

Vậy khả năng huy động xe tải, canô, thuyền cứu hộ... của tư nhân ra sao? Muốn huy động phải có kế hoạch trước để điều phối nhịp nhàng. Công tác tuyên truyền, chẳng hạn như qua báo đài, cần có những bản tin cụ thể để thuyết phục người dân về những rủi ro của họ. Thiên tai như bão, lũ đã luôn xảy ra.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy nhấn mạnh: "Hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất của thiên tai sẽ nhiều hơn, cường độ lớn hơn và địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai cũng mới hơn. Đây là những điều cần lưu ý để công tác cảnh báo và ứng phó với thiên tai phù hợp hoàn cảnh mới của biến đổi khí hậu. 

Các nghiên cứu cho thấy xu hướng tác động của thiên tai lên kinh tế đã tăng lên ở các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ven biển. Kinh tế đi lên, thu nhập của người dân tăng, đầu tư công trình, hạ tầng cũng được tăng cường, nhưng thiệt hại do thiên tai cũng ngày càng tăng. 

Có nghĩa là mặc dù chúng ta đã tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhưng thiệt hại vẫn nhiều hơn và tịnh tiến lên. Biến đổi khí hậu và thiên tai có liên quan với nhau, do đó chúng ta phải thay đổi và thích ứng".

"Người báo bão"

Việc cảnh báo thiên tai của Nguyễn Ngọc Huy bắt đầu vào khoảng năm 2006, khi anh được học bổng nghiên cứu sinh và nghiên cứu về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai tại Đại học Kyoto, Nhật Bản.

Càng đào sâu, Huy nhận thấy việc quản lý thiên tai rất cần dữ liệu chính xác của nhiều lĩnh vực. Từ đó, anh nghiên cứu thêm về khí tượng, hạn hán, lũ lụt, biến đổi khí hậu và cả phục hồi sau thiên tai.

Từ năm 2008, Nguyễn Ngọc Huy bắt đầu viết bài trên trang cá nhân chia sẻ về dự báo bão và gắn bó với việc này đến nay.

Do có một thời gian làm chuyên gia tại Trung tâm Giảm thiểu thiên tai châu Á tại Nhật Bản (ADRC) và cho Tổ chức Liên Hiệp Quốc về chiến lược quốc tế giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNISDR) ở châu Á - Thái Bình Dương và làm việc với nhiều quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, Campuchia, Lào, Pakistan, Indonesia... tích lũy được kinh nghiệm quốc tế, Nguyễn Ngọc Huy có động lực để chia sẻ và cảnh báo về thiên tai nhằm cung cấp thông tin góp phần cứu người, cứu tài sản của người dân.

Xác định rõ nỗ lực của mỗi quốc gia trên thế giới đều khác nhau trong công tác ứng phó thiên tai, ở đâu cũng có khoảng trống, trong chuyên môn của mình, nếu thấy có khoảng trống trong dự báo và ứng phó, Huy cố gắng góp phần lấp đầy qua các bài viết cảnh báo gửi đến người đọc.

Năm 2020 bão nhiều đến... hết tên để đặtNăm 2020 bão nhiều đến... hết tên để đặt

TTO - Tính đến thời điểm này, các nhà khoa học ghi nhận 29 cơn bão nhiệt đới trên Đại Tây Dương, nhiều nhất từ trước tới nay.

Xem thêm: mth.65391530041101202-noc-iahp-gnuc-auc-noc-iougn-auq-id-oab-gnod/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dông bão đi qua, người còn của cũng phải còn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools