Dù hầu hết doanh nghiệp đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song tính đến nay, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương - được coi là cao tại khu vực Châu Á. Các chuyên gia kinh tế nhận định, với “đà” của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, đi kèm chuỗi hành động quyết liệt để tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế như trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2021-2025.
Trao đổi với PV Báo Lao Động xung quanh những nền tảng và cơ sở tạo nên mức tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam trong năm 2020, chuyên gia cao cấp, PGS - TS Đinh Trọng Thịnh (Bộ Tài chính) nhìn nhận:
- Có thể thấy rằng, những kết quả thực hiện trong năm 2020 là rất tích cực bởi trước hết Việt Nam là quốc gia đã khá thành công trong việc phòng, chống dịch COVID-19, từ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng người dân. Nếu xét theo các chỉ tiêu thì như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Đó là những thành công của chúng ta.
Theo số liệu năm 2020, rõ ràng những chỉ tiêu về tăng trưởng, GDP cũng tương đối cao, lạm phát tương đối ổn định, nằm trong giới hạn dưới 4%. Các chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư xã hội vẫn tăng lên, chỉ số đầu tư tư nhân có tốc độ tăng trưởng cao. Chúng ta thấy rằng, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các quốc gia có quan hệ với Việt Nam đều thực hiện chính sách đóng cửa biên giới để phòng chống dịch, nhưng rõ ràng xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua vẫn tương đối tốt và đang có chiều hướng rất tích cực.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa vẫn đạt trên 20%, mặc dù tăng trưởng khu vực FDI có giảm sút. Điều đó cho thấy, Việt Nam có thể hy vọng về lâu dài, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu này sẽ vẫn có thể giữ được và năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa sẽ ngang bằng và vượt khối lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI.
Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 cũng như kế hoạch 5 năm tới?
- Có thể thấy, 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế-xã hội mà Chính phủ trình Quốc hội trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và 15 chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong nhiệm kỳ tới mà Chính phủ đặt ra là tương đối phù hợp, nhưng cũng mang tính cẩn trọng khi mà chúng ta cho rằng năm 2021, tăng trưởng chỉ nằm ở mức khoảng 6%/năm. Tuy nhiên, với khả năng phục hồi và tốc độ tăng trưởng như hiện nay của nền kinh tế quốc dân, tôi tin rằng, tăng trưởng của năm 2021 sẽ cao hơn chỉ tiêu đề ra, có thể là xung quanh mức 6,8% đến 7,2%.
Bên cạnh đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và những chỉ số khác hoàn toàn có thể đạt được. Như vậy, 12 chỉ tiêu năm 2021 mà Chính phủ đặt ra hoàn toàn khả thi và là tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu giai đoạn 2021-2025 mà Đảng và Nhà nước đề ra.
Đối với 15 chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong nhiệm kỳ tới (2021-2025) là các chỉ tiêu tương đối tham vọng. Khi đặt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5%-7% đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000 USD, tức là vượt qua mức trung bình thấp để đạt mức trung bình cao theo quy định của IMF và các tổ chức quốc tế. Nhưng để đạt được mục tiêu này, cần phải có sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế một cách quyết liệt, bởi trong giai đoạn 2016-2019 (trừ năm 2020) rõ ràng GDP chỉ tăng trưởng khoảng 6,8% nên để tăng trưởng 6,5%-7% cần sự nỗ lực rất lớn.
Chúng ta cũng đang kỳ vọng rất lớn vào kinh tế số. Nhưng để đạt được 20% GDP từ tỉ trọng kinh tế số thì thực sự là bài toán tương đối khó khăn với nền kinh tế và cần nỗ lực cao trong số hóa nền kinh tế, từ Chính phủ đến các địa phương và toàn bộ doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ đặt mục tiêu tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cũng phải tăng trưởng 45% và năng suất lao động tăng bình quân cũng trên 6,5%/năm là những con số tương đối khó. Bởi ngay cả các giai đoạn trước, việc tăng trưởng cũng có những khó khăn. Tất nhiên, chúng ta hy vọng kinh tế số phát triển mạnh mẽ sẽ làm cho sự đóng góp của nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng của năng suất lao động cũng như làm cho mức tăng năng suất lao động bình quân có thể cao hơn.
Để đạt được mục tiêu trên đây, quyết tâm cao dường như là chưa đủ. Theo ông, đâu là những giải pháp căn cơ để kinh tế Việt Nam có thể đạt được 15 chỉ tiêu quan trọng cho giai đoạn 2021-2025?
- Thực sự rằng, 15 chỉ tiêu của giai đoạn 5 năm 2021-2025 là những thách thức rất lớn đòi hỏi Chính phủ trong nhiệm kỳ mới cần có những quyết tâm cao, cách làm linh hoạt, sáng tạo, chủ động mới có thể đạt được những chỉ tiêu đề ra. Hy vọng rằng, với “đà” của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, một Chính phủ hành động quyết liệt để tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế như trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc giai đoạn 2021-2025.
Trong bản Báo cáo kinh tế-xã hội có đề cập đến 10 giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Nếu thực hiện được tốt các giải pháp này, rõ ràng chúng ta sẽ tận dụng và phát huy được hết năng lực của các khu vực, vùng miền cũng như làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển cân đối, phù hợp, trong đó phải nói đến giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển bền vững.
Để có thể phát triển cân đối và bền vững nền kinh tế trong giai đoạn mới, cần đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Thực tế quy hoạch cơ cấu nền kinh tế của nước ta thời gian qua còn yếu, do đó quy hoạch lại nền kinh tế từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch ngành, nghề sẽ làm tái cấu trúc nền kinh tế hoặc mô hình tăng trưởng của chúng ta gắn chặt với thực tiễn. Từ đó tạo ra sức bật mới.
Đặc biệt, hy vọng khu vực kinh tế tư nhân cũng sẽ phát huy được vai trò của mình, trở thành một động lực mới để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước cũng cần quyết liệt đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa, theo đó hiệu quả trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế nhà nước cũng được tăng lên.
Ngoài ra, việc thu hút FDI cũng cần được chấn chỉnh theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20.8.2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; từ đó làm cho hoạt động thu hút FDI đi đúng hướng, góp phần làm cho nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng tốt hơn, đạt được mong muốn cũng như mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.
Xin cảm ơn PGS-TS Đinh Trọng Thịnh.
Xem thêm: odl.001578-5202-1202-naod-iaig-cab-touv-et-hnik-gnourt-gnat-us-oav-gnov-yk/et-hnik/nv.gnodoal