vĐồng tin tức tài chính 365

Nâng cao năng lực ngành Kiểm toán đóng góp tốt hơn cho mục tiêu phát triển bền vững quốc gia

2021-02-15 10:43

Không chỉ góp sức phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị từ trung ương đến địa phương nhằm bịt lỗ hổng tránh thất thoát, lãng phí, Kiểm toán Nhà nước còn đang nỗ lực đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững mà quốc gia và thế giới đang hướng tới.

Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện trò đầu xuân với Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc xung quanh hoạt động của ngành Kiểm toán năm 2020 và năm 2021.

Năm 2020 là một năm khá đặc biệt với cả thế giới và Việt Nam. Với ngành Kiểm toán, có điều gì đặc biệt đáng chú ý không, thưa ông?

- Trong năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 75.000 tỉ đồng, nâng con số xử lý tài chính từ giai đoạn 2016 đến nay lên tổng hơn 400.000 tỉ đồng; kiến nghị sửa đổi 133 văn bản pháp luật và đồng thời chuyển trên 100 hồ sơ vụ việc cho các cơ quan có trách nhiệm như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an… để giám sát kiểm tra, chuyển một số vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cho cơ quan điều tra để điều tra xử lý.

Chúng tôi cũng đã trình Thường vụ Quốc hội ban hành chiến lược phát triển kiểm toán từ 2020-2030, đồng thời đóng góp vào xây dựng các bộ luật như Luật PPP, Luật Môi trường… xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật khác để hoàn thiện Luật Kiểm toán sửa đổi bổ sung.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã chú trọng vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, như đất đai; các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT; hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng; quản lý vốn chủ sở hữu, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước...

Trong kiểm toán quản lý tài chính công, sử dụng tài sản công, chúng tôi tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra thất thoát sai phạm, lãng phí, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản lớn. Ví dụ: Dự án Đạm Ninh Bình, Ethanol Bình Phước, Dự án chống ngập ở TPHCM, Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông…

Năm qua, chúng tôi cũng phát triển loại hình kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, từ đó xác định trách nhiệm của từng tổ chức cá nhân trong những việc quản lí dự án, xác định tính hiệu quả của các công trình, dự án, các chương trình, khoản đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước cũng đẩy mạnh Kiểm toán công nghệ thông tin và Kiểm toán môi trường.

Thưa ông, bước sang năm 2021, trọng tâm công tác Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung vào chương trình gì?

- Trong năm 2021, chúng tôi sẽ chú trọng mấy vấn đề: Thứ nhất là các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng yếu liên quan đến phát triển bền vững, cuộc sống dân sinh như các công trình chống ngập, các hệ thống đường sá, cầu cống, đê điều và các công trình trọng điểm quốc gia.

Hai là chúng tôi tập trung vào kiểm toán vấn đề quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng tại các đô thị, từ đó xác định trách nhiệm để quản lý đô thị tốt hơn, bền vững hơn.

Ba là tập trung vào kiểm toán các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ để đánh giá tác động của các dự án thuỷ điện.

Đặc biệt về hợp tác quốc tế trong năm 2021, Kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp với các quốc gia có sông Mê Kông chảy qua, thực hiện Chương trình Kiểm toán hợp tác về nguồn nước lưu vực sông Mê Kông tại Đông Nam Á giai đoạn 2020-2021.

Sông Mê Kông chảy qua 6 quốc gia, chương trình phối hợp kiểm toán chắc chắn sẽ không dễ dàng. Ông có thể chia sẻ thêm về cuộc kiểm toán đặc biệt này không, thưa ông?

- Năm 2018, Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI- gồm 47 quốc gia) lần thứ 14 đã đưa ra chủ đề Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững, chú trọng 2 nội dung: Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững và Kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững.

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với vai trò Chủ tịch của ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, nhận thức được việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, hạn hán... việc gia tăng xây dựng thủy điện ở thượng nguồn, việc nắn dòng khiến dòng chảy chính bị lệch... đều tác động xấu đến cuộc sống của hàng trăm triệu dân ở 6 quốc gia có dòng Mê Kông chảy qua, nhất là những quốc gia ở hạ lưu.

Đối với người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, nếu lượng nước sông Mê Kông bị giảm đi thì nước biển sẽ xâm lấn, đất đai sẽ bị ngập mặn, nền nông nghiệp cũng như cuộc sống sinh hoạt sẽ bị đe doạ rất lớn.

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đưa ra sáng kiến khởi xướng cuộc kiểm toán này nhằm cảnh báo và kiến nghị các quốc gia phải có trách nhiệm đối với việc quản lý nước sông Mê Kông phục vụ cho việc phát triển bền vững của các quốc gia liên quan.

Tháng 7.2020, cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55 tại Hà Nội đã chính thức thông qua dự án triển khai cuộc kiểm toán hợp tác với sự tham gia của ba Cơ quan kiểm toán Việt Nam, Myanmar và Thái Lan, có sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn của chuyên gia đến từ Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF), Ngân hàng Thế giới (WB), Kiểm toán Nhà nước Indonesia, Kiểm toán Nhà nước Malaysia.

Trong 6 quốc gia có con sông này chảy qua, có 3 quốc gia thực hiện cuộc kiểm toán chung, đó là Việt Nam, Thái Lan, Myanmar. Mới đây vào ngày 22.12.2020, Kiểm toán Nhà nước của 3 nước đã ký kết Tuyên bố cam kết cùng thực hiện cuộc kiểm toán.

Cuộc kiểm toán đặt ra 2 mục tiêu chính: Xác định trách nhiệm của các nước liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại lưu vực sông Mê Kông; Đánh giá việc các nước liên quan thực hiện các cam kết, liên kết với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững quốc tế liên quan đến quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ở lưu vực sông Mê Kông.

Chúng tôi hy vọng cuộc kiểm toán này sẽ khởi đầu cho các cuộc kiểm toán sâu về trách nhiệm của các quốc gia liên quan đến các vấn đề về biến đổi khí hậu, môi trường vì sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

Tháng 4.2021 tới đây là vừa tròn 5 năm ông nhận nhiệm vụ ở Kiểm toán Nhà nước. Có điều gì khiến ông dành nhiều thời gian và tâm đắc trong nhiệm kỳ làm việc, thưa ông?

- Ngoài các nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống tham nhũng, thất thoát tài sản công, tài chính công mà Đảng và Nhà nước giao phó, thì có thể nói nâng cao năng lực, uy tín của cơ quan Kiểm toán Nhà nước là điều tôi đặt nhiều tâm huyết trong những năm qua, bao gồm cả nâng cao cơ sở vật chất lẫn nâng cao nguồn nhân lực cho cơ quan Kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước thúc đẩy, áp dụng và phát triển được công nghệ thông tin, công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán, xây dựng được cơ sở dữ liệu số, xây dựng được 18 phần mềm phục vụ cho hoạt động kiểm toán, đưa được hệ thống quản lý điều hành công nghệ thông tin lên điện thoại di động để kiểm toán viên có thể sử dụng trên nền tảng số.

Chúng tôi thực hiện chữ ký số và đang nghiên cứu để đưa trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh hơn việc thực hiện ứng dụng công nghệ cao như đưa công nghệ siêu âm, công nghệ viễn thám vào kiểm toán đất đai, kiểm toán khoáng sản.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng mở rộng được các loại hình kiểm toán, từ chỉ kiểm toán báo cáo tài chính, mở rộng thêm các kiểm toán chuyên đề và kiểm toán hoạt động, để đánh giá được một cách toàn diện, cụ thể tính hiệu lực, hiệu quả của các dự án đầu tư, các chương trình, các nội dung quản lý kinh tế.

Kiểm toán Nhà nước đang tiến tới thành lập Học viện Kiểm toán danh tiếng không chỉ trong nước mà còn quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực kiểm toán viên có trình độ. Nâng cao nguồn nhân lực và trình độ của kiểm toán viên cũng như của cơ quan Kiểm toán là điều tôi luôn trăn trở và bền bỉ theo đuổi xây dựng. Tôi mong muốn Kiểm toán Nhà nước đủ trình độ, chuyên nghiệp, hiện đại, có uy tín cao với Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực sự là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tài chính công, tài sản công, để góp sức nhiều hơn vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước.

Trân trọng cám ơn ông về cuộc trò chuyện đầu Xuân. Xin chúc ông và Kiểm toán Nhà nước một năm mới đạt được nhiều thành công hơn nữa!

Xem thêm: odl.192578-aig-couq-gnuv-neb-neirt-tahp-ueit-cum-ohc-noh-tot-pog-gnod-naot-meik-hnagn-cul-gnan-oac-gnan/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nâng cao năng lực ngành Kiểm toán đóng góp tốt hơn cho mục tiêu phát triển bền vững quốc gia”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools