Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) phù hợp với cây bưởi da xanh, nhiều nông dân ở huyện đã chuyển đổi cây trồng và đổi đời nhờ giống bưởi này. Hiện, UBND huyện Hoài Ân đang ưu tiên phát triển diện tích, hỗ trợ kỹ thuật... đối với nông dân trồng bưởi da xanh để tạo tiền đề xây dựng thương hiệu “Bưởi da xanh Hoài Ân”.
Bán vé số, học trồng bưởi
Ở ngay thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), gia đình ông Võ Đông Sơ (58 tuổi) có lẽ là người đầu tiên trồng bưởi da xanh. Ngoài 50 gốc bưởi trong vườn nhà cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm, ông còn liên kết với các hộ dân trồng gần 3 ha bưởi da xanh. Người dân bỏ công chăm sóc, còn ông bỏ giống và lo đầu ra sản phẩm.
Vì cuộc sống khó khăn, nên năm 1995, ông vào TP.HCM mưu sinh bằng nghề bán vé số, trong thời gian này ông có quen một người bạn cùng bán vé số quê ở Bến Tre. Rồi trong một lần về Bến Tre chơi, người này cho ông Sơ 4 cây bưởi da xanh.
Sau đó, ông mang 4 gốc bưởi về nhà ở Hoài Ân trồng, nhưng chỉ sống được 2 cây. Vài năm sau, cây cho quả rất sai, quả ăn ngọt. Lúc đó, có lái buôn lên đặt vấn đề mua 5.000 đồng/kg, trong khi đó bưởi thường chỉ được mua với giá 2.000 đồng/10 quả. Biết đây là cơ hội thoát nghèo, ông Sơ vào lại TP Hồ Chí Minh vừa bán vé số, vừa về lại Bến Tre để học tập kinh nghiệm trồng bưởi da xanh.
“Vì khí hậu Bến Tre khác với Bình Định, nên 5 năm đầu tiên trồng bưởi da xanh, tôi vô cùng đau đầu với việc chăm sóc cây bưởi. Nếu ở Bến Tre, người ta tạo tán cho bưởi sẽ cắt trụi lá nhưng khi áp dụng ở Hoài Ân, cây bưởi lại chết khô. Khi hỏi người bạn ở TP Hồ Chí Minh, tôi mới biết do thời tiết ở Hoài Ân nắng nhiều hơn, nên khi tạo tán phải chừa lại ít lá. Tôi về làm theo, chỉ cắt tạo tán để 50% lá, cây phát triển bình thường” - ông Sơ chia sẻ.
Đến năm 2000, vườn bưởi da xanh của ông Sơ bắt đầu cho quả nhiều, đem lại thu nhập ổn định. Năm 2003, ông nghỉ bán vé số, ở nhà chuyên tâm trồng bưởi.
Theo ông Sơ, khí hậu và thổ nhưỡng ở huyện Hoài Ân phù hợp với cây bưởi da xanh, nhưng muốn trồng thành công phải có tính chuyên cần, phải xem trồng bưởi là nghề chính của mình.
Đặc biệt, giống bưởi hay sinh nấm, nhất là vào mùa mưa. Mỗi lần như vậy, vợ chồng ông mua miếng cọ nồi về xịt nước, cọ sạch cả vườn bưởi. Vườn bưởi của gia đình ông Sơ đặc biệt không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
“Hàng ngày vợ chồng tôi đều phải có mặt ở vườn bưởi để chăm sóc, kiểm tra rễ, thân cây, sâu bệnh… Nếu bưởi có dấu hiệu đốm trắng, hồng trên thân cây là xử lý ngay” – ông Sơ cho hay.
Xây dựng thương hiệu “Bưởi da xanh Hoài Ân”
Ngoài gia đình ông Sơ, huyện Hoài Ân còn nhiều vườn bưởi da xanh nổi tiếng như của ông Huỳnh Công Chính (ở thị trấn Tăng Bạt Hổ) có hơn 100 gốc bưởi cho lãi hơn 100 triệu đồng/năm, ông Nguyễn Tiến Trung (ở xã Ân Tường Tây) thu về 150 - 170 triệu đồng/năm, ông Tăng Doãn Ích (ở xã Ân Thạnh) trồng khu đồi bưởi da xanh cho thu hoạch mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng…
Theo UBND huyện Hoài Ân, toàn huyện có khoảng hơn 300 ha bưởi da xanh, trong đó có 160 ha đã cho quả. Năm 2016, huyện này phối hợp Viện Khoa học nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích khoảng 1.594 ha/10 xã trên địa bàn, trong đó diện tích trồng bưởi da xanh gần 900 ha.
Hiện, UBND H.Hoài Ân đang ưu tiên phát triển diện tích, hỗ trợ kỹ thuật, vốn... đối với nông dân trồng bưởi da xanh để tạo tiền đề xây dựng thương hiệu “Bưởi da xanh Hoài Ân”.
Lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân cho biết, bưởi da xanh Hoài Ân chất lượng tốt nên được thị trường đón nhận tích cực. Đặc biệt, bưởi da xanh Hoài Ân cho quả trái mùa với bưởi trồng ở miền Nam, vì vậy đến vụ thu hoạch chính (từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm), đầu ra của bưởi Hoài Ân rộng lớn, từ thị trường trong tỉnh đến thị trường miền Nam.
Xem thêm: odl.949678-hnax-ad-ioub-ohn-iod-iod-hnid-hnib/et-hnik/nv.gnodoal