Từ chính quyền cho đến các doanh nghiệp trẻ, vườn ươm tại Đà Nẵng đang dần tiếp cận với khái niệm kinh tế tuần hoàn. Mặc dù con đường để phát triển theo xu hướng này có thể còn lâu dài nhưng việc Đà Nẵng dần nghiên cứu cho thấy một hướng đi có thể được mở rộng trong tương lai.
Mô hình phát triển bền vững
Cuối năm 2020, UBND Đà Nẵng đã tổ chức buổi Hội thảo về chuyên đề “Kinh tế tuần hoàn - Mô hình phát triển bền vững cho doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng". Ngay từ tên của chuyên đề đã khẳng định, Đà Nẵng muốn hướng doanh nghiệp thành phố đến với mô hình phát triển này.
Trao đổi về vấn đề này, ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng cho rằng, phát triển bền vững vừa mang tính tất yếu và là mục tiêu cao đẹp đang trở thành mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu và đã được thành phố Đà Nẵng xác lập trong định hướng phát triển từ rất sớm, có nghĩa là quá trình phát triển không chỉ chú trọng tăng trường kinh tế mà cần phải thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, vừa phải đảm bảo an sinh xã hội, mang lại cuộc sống an lành cho người dân.
Ở đó, chất lượng môi trường luôn trong lành, hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, đa dạng sinh học được gìn giữ, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều hướng đến tiêu chí sử dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên ở mức thấp nhất, khai thác sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và khuyến khích một nền kinh tế tuần hoàn.
Những nét đặc trưng được đề cập trên, chính là mô hình xây dựng “Thành phố môi trường” giai đoạn mới 2021-2030, trở thành thành phố sinh thái sau năm 2030. Đây sẽ là sự lựa chọn đúng đắn trong tiến trình mới, là một chủ trương quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng trong tương lai.
Ông Hùng cho rằng, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn sẽ giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Riêng với Đà Nẵng, với cách tiếp cận tổng thể trên cơ sở chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, hướng tới sự phát triển bền vững, trong quá trình tổ chức xây dựng, đề án xây dựng “thành phố môi trường” giai đoạn mới đã đề ra cụ thể mục tiêu, các tiêu chí trọng tâm liên quan đến kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể, Đà Nẵng sẽ phòng ngừa ô nhiễm môi trường bằng cách xây dựng mô hình và hình thành 1 khu công nghiệp (KCN) sinh thái; phát triển nguồn năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải không khí bằng việc khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng và các giải pháp giao thông thân thiện môi trường, kiểm soát chất lượng môi trường qua các chỉ số ở mức tốt (WQI, AQI). Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng sẽ cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học…
Cả hệ thống phải thay đổi
Mục tiêu và hướng đi là vậy, tuy nhiên, việc chuyển đổi từ một nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan gồm nhà nước và doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ông Hùng chỉ ra rằng, các hoạt động hiện nay chỉ mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng, chưa mang lại lợi ích kinh tế nên chính hoạt động của các mô hình đó đã gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Trong mục tiêu xây dựng “thành phố môi trường”, thành phố đã đặt ra những mục tiêu, tiêu chí để hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trong quá trình phát triển thành phố.
Đó là mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ sớm rà soát, đánh giá, xây dựng lộ trình để triển khai tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn trong phạm vi hoạt động của mình. Ngành công thương phải chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất các chính sách cấp thành phố để huy động các nguồn lực doanh nghiệp triển khai ứng dụng các giải pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn.
Đối với các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hoạt động, cần nhanh chóng rà soát, đánh giá để phát triển các chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường. Ở các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuẩn bị đầu tư cần tuân thủ bố trí quy hoạch có tính đến các giải pháp cộng sinh, sinh thái ngay từ ban đầu. Đặc biệt, Đà Nẵng cần xây dựng toàn diện hệ thống tổ chức phân loại – thu gom – xử lý các thành phần rác sau phân loại thực sự hiệu quả.
Xem thêm: odl.375778-naoh-naut-et-hnik-neirt-tahp-ueit-cum-tad-gnan-ad/et-hnik/nv.gnodoal