vĐồng tin tức tài chính 365

Tìm ‘liệu trình’ phục hồi cho hàng không trước khi tiếp cận vaccine

2021-02-16 10:10

Tìm ‘liệu trình’ phục hồi cho hàng không trước khi tiếp cận vaccine

V.Dũng

(TBKTSG Online) - Ngành hàng không trong nước đã trải qua một năm 2020 đầy thách thức và đối diện với bờ vực sống còn bởi tác động của Covid-19. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc cộng đồng ngày càng thích ứng với tình trạng bình thường mới của nền kinh tế đi đôi với phòng chống dịch bệnh thì yêu cầu tái cơ cấu để tính toán một lộ trình phục hồi dài hạn là cần thiết với ngành hàng không.

Các doanh nghiệp hàng không đang nỗ lực cơ cấu thị trường đội địa để làm cơ sở phục hồi trong thời gian tới. Ảnh minh họa: TTXVN

Cả năm qua các doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động với một cơ thể tổn thương nghiêm trọng. Thời gian tới, các hãng vẫn phải chịu áp lực bay cùng lỗ và vòng tác động tiếp theo của Covid-19 đã bắt đầu. Tuy vậy, đại dịch không còn là điều bất ngờ nên nhìn tích cực thì đây chính là cơ hội để ngành hàng không thực hiện tái cơ cấu triệt để, nhìn nhận lại những giá trị cốt lõi, điểm mạnh và yếu, tạo kháng thể sống chung với dịch, tìm cơ hội phát triển...

Hàng không đã bị tổn thương đến đâu?

Với việc liên quan đến các mạng bay quốc tế nên việc đánh giá những tổn thất của hàng không cần nhìn nhận rộng hơn trên bình diện toàn cầu. Mới đây, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đưa ra con số các hãng hàng không trên thế giới đã chịu tổn thất lên đến 370 tỉ đô la trong năm 2020. Các sân bay và các cơ quan cung cấp dịch vụ không lưu thiệt hại tương ứng là 115 tỉ đô la và 13 tỉ đô la, bất chấp việc khai thác lại đang được khởi động.

Du lịch hàng không phục hồi chậm sẽ khiến ngành này tiếp tục tốn một số tiền mặt lớn trung bình từ 5-6 tỉ đô la mỗi tháng vào năm 2021. Ngành công nghiệp dự kiến sẽ không có biến chuyển khả quan cho đến năm 2022 .

Đánh giá dịch Covid-19 tác động còn lớn hơn cả chiến tranh thế giới thứ 2, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines từng thừa nhận, Chính phủ các quốc gia đều phải có biện pháp giống nhau là cách ly xã hội, hạn chế đi lại. Đặc biệt, từ 0 giờ ngày 1-4 đến 15-4-2020, bầu trời Việt Nam mỗi ngày chỉ có 3 chuyến bay, đây là lịch sử với ngành hàng không bởi ngay cả trong thời điểm chiến tranh cũng không ít chuyến như vậy.

Theo ông Hà, khu vực châu Á-Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nhiều nhất vì tiềm ẩn khó khăn do bị cạnh tranh của hàng không giá rẻ và hạ tầng yếu về sân bay. Khi dịch Covid-19 xảy ra, hãng nào càng lớn, chi phí cố định cao sẽ càng tổn hại.

Nhấn mạnh các hãng hàng không đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Dự báo của IATA, các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu khoảng 4 tỉ đô la, trong đó Vietnam Airlines là 2 tỉ đô la, còn lại là các hãng hàng không khác.

Dòng tiền của các hãng hàng không tương đối bế tắc, lần đầu tiên trong lịch sử cả ba hãng hàng không lớn nhất bị các công ty kiểm toán đặt câu hỏi về khả năng hoạt động liên tục trong quí 2-2020. Cho đến hết quí 3, khi mạng bay trong nước dần phục hồi, các hãng  mới cải thiện phần nào nỗi khó khăn về dòng tiền. Nhưng câu hỏi về khả năng phục hồi tới đâu và mất bao lâu vẫn tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ của Nhà nước.

Hồi sức bằng “máy trợ thở” tài chính

Thực tế, nhiều hãng bay đang “đốt tiền” mỗi ngày trong bối cảnh thị trường hàng không phục hồi chậm. Vì thế, Chính phủ các nước trên thế giới đều tung gói hỗ trợ tài chính để các hãng hàng không có thể vượt qua dịch Covid-19.

Ở thị trường nội địa, Vietnam Airlines mới đây đã được Nhà nước (thông qua SCIC) đầu tư mua cổ phiếu doanh nghiệp với quy mô 8.000 tỉ đồng để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng để có thể phục hồi “sức khỏe”.

Với các hãng hàng không khác không dễ để có được khoản hỗ trợ tài chính quy mô lớn như vậy nhưng cũng cần đến mức hỗ trợ gián tiếp thông qua thuế, phí hoạt động.

Với Vietjet Air, tăng trưởng bình quân hàng năm trên 30%, đóng góp thuế, phí, lệ phí xấp xỉ 9.000 tỉ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến hãng đã bán nhiều tài sản tích lũy trong nhiều năm hoạt động để giảm thua lỗ.

Đại diện Vietjet từng kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy định giảm 3% lãi suất cho vay trực tiếp, gián tiếp đối với các doanh nghiệp hàng không trong giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, Vietjet xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỉ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3-5 năm.

Đồng thời Vietjet kiến nghị xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức 1.000đồng/lít và kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đến hết năm 2021.

Khả năng phục hồi của ngành hàng không sẽ phụ thuộc vào các quy định hạn chế đi lại ở từng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Tính đến nay, các đường bay nội địa đang dần phục hồi, tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của Covid-19 trên thế giới thì các tuyến quốc tế vẫn phải chờ đợi. Thời gian phục hồi do đó vẫn rất khó đoán định.

“Ngành hàng không thế giới nói chung đang bị kéo lùi 4-5 năm do dịch Covid-19, và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ, khi tích luỹ trong 4-5 năm qua của doanh nghiệp đã quay về con số 0 cũng bởi dịch này”, ông Dương Trí Thành, cựu CEO Vietnam Airlines từng chia sẻ trước báo giới tại thời điểm Covid-19 bùng phát lần đầu.

Lên "phác đồ" phục hồi từ thị trường nội địa

Với “tai nạn” bất ngờ từ Covid-19 đầu năm 2020, lúc bấy giờ các hãng hàng không chưa kịp chuẩn bị và nhanh chóng rơi vào trang thái nguy kịch. Tuy vậy sau khi được “cấp cứu” kịp thời cùng diễn biến dịch bệnh được kiểm soát phần nào đã giúp các hãng bay hồi sức. Đến nay, dù nguy cơ từ dịch bênh có thể bùng phát nhưng với sự chủ động ứng phó, cùng với kỳ vọng vào việc sớm có vaccine đưa vào phục vụ cộng đồng cũng giúp cho ngành hàng không đưa ra được những liệu trình để phục hồi trong thời gian tới.

Các hãng hàng không đang lên kế hoạch phục hồi trước khi tiếp cận được vaccine. Ảnh minh họa: V.Dũng

Trong khi chờ đường bay quốc tế, các hãng hàng không đã mở liên tiếp nhiều đường bay nội địa nhằm kích cầu du lịch. Mặt khác, các đường bay này trước mắt giúp giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có việc tận dụng được đội bay dư thừa trong khi chưa mở trở lại đường bay quốc tế.

“Việc mở các đường bay trên giúp Vietnam Airlines chi trả chi phí biến đổi (nhiên liệu bay, lương phi hành đoàn...) và giảm 500-600 tỉ đồng trong con số 2.100 tỉ đồng chi phí cố định mỗi tháng. Quan trọng hơn là mang lại dòng tiền cho doanh nghiệp. Với chức năng hãng hàng không quốc gia, những chặng bay này cũng thực hiện chủ trương kích cầu du lịch của Chính phủ,” ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines nói.

Đồng tình quan điểm này, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng doanh thu đến từ thị trường nội địa hiện là nguồn thu chính của các hãng hàng không, đáp ứng yêu cầu về chi phí nhân công, các chi phí cố định khác…

“Nhưng quan trọng hơn, với vai trò là lĩnh vực khơi thông, mở đường cho các lĩnh vực thương mại khác của nền kinh tế phục hồi thì nguồn thu quý báu của hàng không là đòn bẩy cho đà phát triển trong thời gian tới của ngành, từ đó đóng góp vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế nói chung của Chính phủ,” ông Thắng khẳng định.

Đối diện với khó khăn năm ngoái Vietjet Air đã cắt giảm đáng kể chi phí, thay đổi cấu trúc doanh thu phù hợp với bối cảnh. Cuối năm hãng cũng ghi lãi từ việc chuyển nhượng một số tài sản tích lũy trước đó còn giúp hãng tập trung nguồn vốn, chờ cơ hội phục hồi.

Trong báo cáo về triển vọng ngành hàng không năm 2021, công ty Chứng khoán SSI cho rằng ngành hàng không sẽ cải thiện khi vaccineee được sử dụng trên quy mô lớn. Điều này có thể chỉ xảy ra từ nửa cuối năm 2021.

Nhóm phân tích này cho rằng, thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là trọng tâm của các hãng hàng không trong năm 2021, do các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm. Thị trường quốc tế sẽ phục hồi thực sự từ năm 2022 đó mới là thời điểm để các hãng nghĩ tới việc thúc đẩy tăng trưởng.

"Trong năm 2021, chiến lược của các hãng hàng không có thể sẽ tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách", bộ phận nghiên cứu của SSI lý giải.

Xem thêm: lmth.eniccav-nac-peit-ihk-court-gnohk-gnah-ohc-ioh-cuhp-hnirt-ueil-mit/877313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tìm ‘liệu trình’ phục hồi cho hàng không trước khi tiếp cận vaccine”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools