Chúng tôi hẹn gặp CEO Vntrip Lê Đắc Lâm chỉ vài ngày sau khi anh đưa một nhóm nhân viên đến sống tại biệt thự riêng của gia đình để tập trung cho dự án mới. Trong suốt buổi nói chuyện kéo dài gần 60 phút với Người Đồng Hành, CEO tuổi Sửu này không hề né tránh những câu hỏi liên quan đến chuyện "con nhà giàu khởi nghiệp", tin đồn bán công ty và cả chiến lược kinh doanh thời Covid-19.
- Cách Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, anh đưa một "đội quân" Vntrip lên biệt thự của gia đình tại Sơn Tây (Hà Nội) và cùng nhau làm việc đến 16 giờ/ngày. Cụ thể "đội quân" đó đã làm gì?
- Sau khi ra mắt TMS – giải pháp quản lý công tác và du lịch cho doanh nghiệp vào tháng 12/2020, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tốt từ các doanh nghiệp. Một số công ty, trong đó có các doanh nghiệp lớn thậm chí còn đưa ra những yêu cầu cao cấp hơn.
Chúng tôi ngồi lại bàn bạc với nhau và đều mong muốn giải quyết các vấn đề mấu chốt cho khách hàng trước Tết để ra Tết triển khai luôn. Tuy nhiên, để làm được điều này phải gấp đôi nhân sự hoặc một nhân sự phải làm việc gấp đôi. Vì gần Tết và thời gian gấp rút nên việc tuyển dụng khó thực hiện được. Vì vậy, mọi người đều đồng lòng với phương án làm việc gấp đôi. Chúng tôi chia nhân sự làm 2 đội: một đội ở nhà làm việc, đội còn lại lên Sơn Tây để tiếp tục dự án TMS.
- Trên trang cá nhân, anh có chia sẻ hình ảnh các nhân viên làm việc bên cạnh rất nhiều thùng mì gói – món ăn quen thuộc với nhiều startup trong những ngày đầu khởi nghiệp. Tinh thần làm việc của những nhân viên Vntrip tại Sơn Tây thời gian đó như thế nào?
- Tinh thần làm việc không ngại khó của Vntrip từ ngày đầu tiên đã như vậy. Thời gian đầu khởi nghiệp, tôi mượn một phòng học tại Đại học Đại Nam của bố mẹ làm văn phòng, chúng tôi đặt cả một chiếc đệm nhỏ để nhân viên làm việc muộn có thể ngủ lại.
Dù xa gia đình, vợ con, ai cũng sẽ thấy thiệt thòi nhưng anh em đều hiểu rõ mục tiêu và những gì mình đang làm. Hơn thế nữa, điều kiện trên Sơn Tây không quá tệ, biệt thự có sân vườn để thư giãn vì vậy tinh thần làm việc của anh em rất tốt. Trong bối cảnh nhiều công ty đang gặp khó khăn mà Vntrip vẫn phát triển nên anh em đều cố gắng hết sức mình.
- Từ đâu anh và Vntrip quyết định ra mắt TMS và tập trung vào khách hàng doanh nghiệp?
- Tôi nghĩ tất cả doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc quản lý chi phí công tác. Thống kê cho thấy chi phí công tác nằm trong Top 5 chi phí điều hành, có những công ty là chi phí cao thứ 2 sau lương. Tuy nhiên, mọi thứ hiện đang được làm rất thủ công, nhân sự, hành chính phải làm việc với rất nhiều đối tác, khách sạn, phòng vé. Chưa có công cụ nào giúp họ tối ưu những chi phí đó.
TMS của Vntrip giải quyết vấn đề quản trị từ đi mua hàng đến việc quản lý doanh nghiệp. Chúng tôi đảm bảo cho các doanh nghiệp mua hàng với giá rẻ hơn, tiết kiệm được chi phí quản lý. Vntrip ước tính mỗi năm có thể giúp các doanh nghiệp lớn tiết kiệm đến 10 tỷ đồng, trong khi các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể cắt giảm vài trăm triệu đồng chi phí.
Tôi nghĩ đó là chi phí xứng đáng để những nhà quản lý doanh nghiệp cân nhắc, đặc biệt với những công ty có chi phí công tác lớn. Mục tiêu của Vntrip là tự động hóa cho Top 1.000 doanh nghiệp Việt Nam. Giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí cũng là giúp chính công ty mình tiết kiệm chi phí.
- Covid-19 có phải động lực "đẩy" Vntrip đi nhanh hơn hay mọi thứ đã nằm trong lộ trình?
- Lộ trình thì chúng tôi có rồi nhưng khi Covid-19 buộc mình đưa ra những lựa chọn khó. Một trong những lựa chọn khó nhất là quyết định làm gì và không làm gì. Trước đây Vntrip có rất nhiều ý tưởng, nhưng dịch bệnh đưa chúng tôi vào tình thế phải chọn cái tốt nhất để làm. Giống như nhà đông con phải chọn một đứa giỏi nhất đầu tư cho ăn học, khi nó trưởng thành quay lại nuôi các em.
Mục tiêu ban đầu của Vntrip là khách hàng B2C với các dịch vụ đặt phòng khách sạn, vé máy bay. Hiện nay chúng tôi tập trung sâu hơn vào mảng khách hàng doanh nghiệp B2B. Từ khách hàng doanh nghiệp có thể mở ra rất nhiều cơ hội, sẽ có những mảng như B2B2C – từ doanh nghiệp đến nhân viên của doanh nghiệp. Những mảng này sẽ bổ trợ cho mảng B2C của Vntrip.
- Du lịch và các lĩnh vực liên quan như đặt vé máy bay, phòng khách sạn chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Và Vntrip không phải là một trường hợp ngoại lệ?
- Tất nhiên Vntrip cũng nằm trong số những công ty chịu áp lực lớn từ Covid-19. Doanh thu giảm, thậm chí bằng 0 vào tháng 4/2020 – thời điểm Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội. Nhưng may mắn là Vntrip không nằm trong số những công ty phải đóng cửa vì Covid-19.
- Vậy Vntrip đã làm thế nào để sống qua giai đoạn khó khăn đó?
- Chúng tôi có một khoản tiền dự trữ để tiếp tục sống sót. Công ty cũng cắt giảm bộ máy và nhiều loại chi phí khác. Bản thân tôi không nhận lương trong thời gian đó, nhiều lãnh đạo khác cũng chỉ nhận 50% lương. Văn hóa của Vntrip rất cởi mở, chúng tôi ngồi lại nói chuyện với nhau, cùng tìm cách hỗ trợ công ty. Vntrip cũng đàm phán với chủ nhà để giảm chi phí. Bên cạnh đó, chúng tôi có sự hỗ trợ của các nhà đầu tư để vượt qua giai đoạn khó khăn.
- Trong bối cảnh Covid-19 và ngành du lịch đi xuống, Vntrip vẫn thông báo gọi vốn thành công 7 triệu USD. Anh đã thuyết phục nhà đầu tư như thế nào?
- Vòng gọi vốn này chia ra làm nhiều giai đoạn, trước Covid-19 có một phần và khi diễn ra dịch bệnh cũng có một phần. Các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào triển vọng của công ty nên dù Covid-19 vẫn rót vốn vào.
Dù doanh thu tháng 4/2020 bằng 0, thị trường sau đó dần phục hồi. Tháng 7 du lịch nội địa rất tốt, mảng vé máy bay của chúng tôi cũng phục hồi khá nhanh. Trong bối cảnh đó, Vntrip cũng kịp thời chuyển hướng tập trung sang khách hàng doanh nghiệp, tạo ra lượng khách hàng trung thành và đều đặn. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai của công ty.
Tôi có nói với nhà đầu tư rằng nếu anh nhìn thấy một công ty trong khó khăn như vậy mà vẫn vượt qua được với tinh thần chiến đấu như thế thì chắc chắn khi sóng gió qua đi con thuyền này sẽ còn đi xa hơn. Nếu các anh tin vào điều này thì hãy tiếp tục đầu tư.
- Vntrip đã đạt được bao nhiêu % KPI của năm 2020?
- Công ty nào cũng có KPI, có thể là KPI 3 năm hoặc 5 năm. Tuy nhiên khi gặp Covid-19 thì tất cả các bản KPI không còn giá trị, nhiều chiến lược đưa ra cũng không còn giá trị. Covid-19 giống như một "Thiên nga đen" rất khó có thể dự báo trước được.
- Anh từng chia sẻ rằng làm startup cảm giác nghẹt thở diễn ra như cơm bữa. Covid-19 lần này có khiến anh nghẹt thở?
- Tất nhiên lúc đó tôi cũng lo công ty không vượt qua được và phải đóng cửa. Tôi lo cho anh em, cán bộ nhân viên và những người theo tôi nhiều năm nhưng công việc không được như ý. Tuy nhiên, nếu thất bại do Covid-19 thì sẽ không áp lực như khi môi trường đang tốt mà công ty không thể phát triển và phải giải thể. Covid-19 là yếu tố bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp sụp đổ, nếu không thể vượt qua được thì cũng phải chấp nhận vì nó không hoàn toàn là lỗi của mình.
- Có tin đồn rằng anh từng muốn bán Vntrip vào năm 2019?
- Tôi cũng có những lựa chọn như vậy. Tuy nhiên, nói bán thì không hoàn toàn chính xác mà là một đối tác muốn mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư khác. Không ai muốn mua một công ty khi thuyền trưởng rời thuyền cả.
Có nhiều lý do khiến thương vụ này không thành công. Trong đó lý do chính là tại thời điểm ra quyết định, hội đồng quản trị của công ty kia không muốn phát triển sang Việt Nam. Bản thân tôi cũng nhận thấy nếu để một công ty khác tham gia vào Vntrip thì vấn đề vận hành sẽ rất phức tạp, chúng tôi chưa sẵn sàng cho điều đó.
- Có khi nào anh nghĩ đến việc "exit" khỏi startup này?
- Tôi nghĩ rằng không có gì không thể bán, quan trọng là được giá. Có những người gắn bó với công ty cả đời, đến lúc được giá cao vẫn bán bình thường. Tất nhiên, để nói về ước mơ của một CEO, không ai muốn bán công ty do mình sáng lập mà sẽ muốn nó phát triển, IPO. Cũng như mình đẻ con thì muốn nó sống cả đời với mình, nhưng nếu có người chăm sóc tốt hơn thì phải gả nó đi. Vì vậy, tôi không thể khẳng định tuyệt đối là muốn bán hay không muốn bán công ty, quan trọng là thời điểm và mức giá.
- Sau nền tảng đặt vé máy bay Atadi, Vntrip vừa mua lại ứng dụng đặt phòng nhà nghỉ theo giờ QuickStay. Đằng sau việc thâu tóm các startup khác, chiến lược của anh là gì?
- Có 2 hướng để phát triển một doanh nghiệp: thứ nhất là theo chiều rộng và thứ hai là theo chiều sâu. Trước Covid-19, tôi dự định đi theo hướng thứ nhất, hay nói cách khác là mình sẽ khoan theo nhiều mũi, biết đâu mũi nào đó sẽ trúng được nguồn nước. QuickStay nằm trong kế hoạch này. Chúng tôi muốn xây dựng một hệ sinh thái liên quan đến tất cả những vấn đề lưu trú và lĩnh vực mà Quickstay đang hoạt động rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, khi Covid-19 diễn ra, chúng tôi quyết định thay đổi chiến lược là chọn một mũi khoan nhưng khoan sâu. Mũi khoan này chính là khách hàng doanh nghiệp. QuickStay hiện vẫn đang phát triển tốt nhưng để đẩy mạnh hơn chúng tôi sẽ cần tìm một phương án khác.
- Mục tiêu của Vntrip là có lợi nhuận trong năm 2021 và IPO trong tương lai gần. Theo anh, điều này có khả thi?
- Chúng tôi dự kiến có lãi trong năm 2021 và có thể IPO vào khoảng năm 2025. Mục tiêu là như vậy nhưng khó đánh giá được là khả thi hay không vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, chẳng hạn như Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh này chỉ có thể nói là sẽ cố hết sức còn bao nhiêu % thì khó dự đoán.
- Tính đến thời điểm này, Vntrip đã huy động thành công gần 20 triệu USD – một con số không nhỏ nếu so với nhiều startup tại Việt Nam. Bản thân anh cũng sinh ra trong một gia đình có điều kiện. Nếu ai đó nói Vntrip là "startup nhà giàu", anh nghĩ sao?
- Nếu so sánh Vntrip với Tiki, be, Up hay nhiều startup khác tại Việt Nam, các công ty này nhận được nhiều vốn đầu tư hơn rất nhiều công ty của chúng tôi. Thế nào là "startup nhà giàu" còn tùy thuộc vào từng lĩnh vực. So với những đối thủ cùng ngành như Booking, Agoda, Traveloka, Vntrip vẫn còn quá nghèo, không thấm vào đâu cả.
Kể từ khi khởi nghiệp, Vntrip lúc nào cũng trong tình trạng chắt chiu. Nghề của CEO startup một phần là điều hành công ty, một phần là đi tuyển dụng nhân sự và huy động vốn. Anh em làm startup chúng tôi thường nói chuyện với nhau là lúc nào cũng thiếu tiền, lúc nào cũng phải đi gọi vốn. Khái niệm giàu hay nghèo còn tùy vào mục tiêu bạn đang theo đuổi, môi trường bạn đang phát triển và đối thủ cạnh tranh của bạn là ai.
- Là con trai của ông Lê Đắc Sơn - nguyên TGĐ VPBank và hiện là Chủ tịch Đại học Đại Nam, anh có phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ trong quá trình khởi nghiệp?
- Trong cả quá trình khởi nghiệp của tôi, bố mẹ đã rất hỗ trợ, từ cái nhỏ nhất như cho mượn địa điểm để làm việc đến những mối quan hệ và cả những bữa ăn tối chia sẻ lời khuyên. Đây là một trong những may mắn của tôi khi khởi nghiệp. Vì vậy, dù phải đối mặt với những khó khăn trong công việc thì tôi vẫn luôn yên tâm, vì tôi biết đằng sau tôi vẫn luôn có hậu phương vững chắc.
- Những mối quan hệ từ gia đình có giúp anh dễ dàng hơn trong việc huy động vốn?
- Tôi nghĩ khi đánh giá một con người sẽ phải nhìn tổng thể. Bên cạnh việc anh là ai, nhân cách như thế nào, làm được gì, gia đình cũng sẽ phản ánh phần nào về người đó. Khi bạn có một gia đình với nền tảng tốt, mọi người nhìn vào sẽ dễ dàng tin tưởng hơn.
- Mark Zuckerbeg – CEO Facebook từng nói rằng, "Nếu tôi phải hỗ trợ gia đình thay vì có thời gian ngồi lập trình, nếu tôi không biết là mình sẽ ổn nếu chẳng may Facebook không thành công, tôi sẽ không đứng đây ngày hôm nay". Rõ ràng khi gia đình có điều kiện tốt, những người như anh hay Mark Zuckerberg sẽ chịu ít áp lực hơn trong việc quyết định bỏ học hay từ bỏ một công việc lương cao để khởi nghiệp?
- Mẹ của Bill Gates là thành viên HĐQT của IBM và nhiều công ty khác còn bố của ông là một luật sư nổi tiếng. Chính mẹ của Gates từng giúp Microsoft – một công ty còn non trẻ lúc bấy giờ - có được hợp đồng với IBM vào năm 1980. Trong khi đó, Mark Zuckerberg cũng sinh ra trong một gia đình giàu có, còn Donald Trump có bố là tỷ phú.
Nếu nhìn vào những founder nổi tiếng của các doanh nghiệp trên thế giới, rất nhiều trong số họ xuất thân từ những gia đình có điều kiện.
Theo tôi, không nhất thiết bạn phải sinh ra trong một gia đình giàu có để thành công, tuy khi xuất phát từ một môi trường như vậy, "mindset" (tư duy) ngay từ đầu đã khác. Nếu thực sự đứa trẻ có tham vọng làm một điều gì đó, họ đã có những người nhiều kinh nghiệm ở bên cạnh và đó là một lợi thế tuyệt vời. Giống như trong một cuộc chạy đua bạn phải đi dép, trong khi nhà có điều kiện người ta đi giày, được ăn uống đầy đủ thì họ sẽ có một số lợi thế nhất định.
Tôi nghĩ mình cũng không ngoại lệ. Với tôi, được bố mẹ cho ăn học, biết Tiếng Anh, đi du học Mỹ đã là may mắn quá lớn. Về nước lại được tiếp xúc với những người thành đạt, được họ truyền cho mình cảm hứng là may mắn tiếp theo. Khi đi làm được tham gia những thương vụ đình đám, có kinh nghiệm làm những dự án áp lực. Khi làm startup cảm giác nếu thất bại vẫn có lựa chọn thứ 2 - không nhất thiết phải làm việc cho bố mẹ mà vẫn có thể đi làm thuê được. Những may mắn đó giúp tôi bình tĩnh hơn để đưa ra quyết định chính xác khi phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn.
- Có ý kiến cho rằng những người tuổi Sửu thường rất chăm chỉ, cẩn trọng nhưng đôi khi hơi khó gần và khá cảm xúc. Là một người tuổi Sửu, anh thấy điều đó có giống với con người mình?
- Tôi thích nghiên cứu về tử vi và những vấn đề liên quan đến phong thủy, tuy nhiên để nói chung về người tuổi Sửu thì cũng hơi khó. Nói những người tuổi Sửu chăm chỉ thì cũng đúng vì trâu mà không cày thì sẽ không có ăn (cười).
Còn về cảm xúc, tôi cho rằng con người ai cũng có nhưng sẽ hơn nhau ở việc ai học được cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Ở vị trí lãnh đạo, điều đó đặc biệt quan trọng. Mình phải luôn nhìn nhận lại bản thân, xem mình đang làm gì tốt và có những gì chưa tốt để cố gắng hoàn thiện.
Diệu Tuyết
NDH