Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Mấy tàu lá chuối bị gió quật te tua, xơ xác như lá dừa nhưng cây vẫn đứng vững.
May mà mấy hôm trước, nghe đài báo tin bão dữ, mẹ đã kịp nhờ hàng xóm làm chạc tre chống cho cây khỏi oằn, còn mình tẩn mẩn lấy dây nilông cột đỡ buồng chuối đang trổ, mấy trái bưởi đang tượng hạt.
Mấy buồng chuối non còn nguyên cuống hoa đang gắng gỏi gượng dậy, gắng trụ chắc sẽ vừa kịp chưng bàn thờ ông bà mấy ngày Tết, mẹ đứng ngó nghiêng rồi lẩm bẩm một mình, ánh mắt đầy hi vọng.
Đứng nhìn bụi chuối hồi lâu, mẹ quay qua lấy cái cuốc chim be lại đất, chỗ mấy hôm trước còn là vồng khoai lang. Trời bỗng đổ mưa to. Mưa giội bùn đây mà.
Mắt mẹ ánh lên tia vui mừng, có mưa giội bùn là ông trời hết làm lụt nữa rồi. Mẹ đi nhanh vào trong hiên nhà tránh mưa, đứng ngó ra vạt đất sát hàng rào ít bữa tạnh ráo sẽ xới lên trồng cải, rồi nhẩm tính sẽ trồng thêm vạt ngò, xà lách, cải tần ô, để sắp nhỏ Tết về có cái ăn.
Không biết mớ hạt giống để dành có bị ngâm nước bạc, bữa theo ghe của xã đi tránh lụt, gấp gáp chạy sợ nước lên nhanh nên quên mất? Mẹ lẩm nhẩm rồi quày quả vào nhà, đứng ngó lên gác xép.
Rón rén từng bậc thang một, mẹ leo lên, đưa tay lần tìm mấy chai hạt giống rau, mớ nếp, mớ đậu xanh, đậu đen xanh lòng đã phơi khô trong những ngày nắng ráo.
May quá, cái giỏ mây cũ qua mấy chục mùa lụt dùng để đựng nếp, đựng đậu, hạt treo trên xà nhà vẫn còn khô ráo, chưa bị ngâm nước, dù năm nay lụt lớn ngang với cơn lụt tháng 11-1999, lúc mẹ còn trẻ, còn khỏe, còn gánh được bầy heo con mới vừa thôi bú theo bà con lên trú lụt ở đình làng.
Ngồi soạn mớ đậu rồi trải ra trên nia, chờ có nắng đem ra phơi lại, mẹ vừa nhớ lại những cơn lụt, cơn bão đi qua đời mình.
Căn nhà cũ lợp ngói và mảnh vườn ông ngoại để lại đã chịu không biết bao nhiêu trận bão, trận lụt, mẹ cũng không nhớ hết, đếm hết bởi ở ngay vùng rốn lũ lại sát sông. Tháng 9, tháng 10, cứ mưa to chừng ba ngày rồi thêm gió chướng là lụt.
Con sông chảy ngang qua làng, mùa hè trong veo, êm ả, đến mùa mưa nước đỏ ngầu từ trên nguồn cuồn cuộn đổ về xuôi, đem theo cả những thân cây to hai ba người ôm không xuể chạy băng băng theo dòng nước xiết.
Những con nước hung dữ ấy có lúc cuốn theo bao nhiêu ngôi nhà nằm ven sông, có những mảnh vườn sau mùa lụt chỉ còn trơ khấc bụi tre già nửa còn trên bờ, nửa lở lói tan tác trong dòng nước.
Rồi lũ lớn cũng qua, mưa cũng tạnh. Còn chi nhặt nhạnh nấy. Không ai sống mà chỉ chờ người khác cứu giúp mình. Bà con trong làng cưu mang, đỡ chân đỡ tay lẫn nhau dựng lại mái nhà xiêu vẹo, san sẻ cho nhau mớ hạt giống ít ỏi còn sót lại.
Rồi sau mưa gió, nắng cũng về, Tết sẽ đến. Mùa Tết là mùa vui, ai cũng rộn ràng lo đón năm mới đến, cầu mong những điều tốt đẹp. Cũng lạ, cả xóm cả làng ít ai nhắc lại những mất mát vì bão lụt. Có nhắc cũng chỉ để dặn mình, dặn con cháu biết phòng xa, biết tích cóp những ngày nắng, dành dụm cho những ngày mưa gió.
Mẹ ngồi nhẩm tính trong đầu. Còn không đầy hai tháng nữa là Tết. Bàn thờ ông bà thì không lo bởi đã có mấy buồng chuối đang trổ vẫn còn giữ được.
Cây bưởi góc hàng rào phía sau còn chừng mươi quả đang lớn, chắc kịp hái chưng Tết và đem về quê cúng tổ tiên ở nhà thờ tộc.
Ang nếp hạt đem xay rồi sàng sảy sạch, ngâm mớ đậu xanh làm nhân, gói chừng chục đòn bánh tét với chục bánh ú là đủ. Mấy đòn bánh tét cúng ông bà, còn thì treo lên. Sắp nhỏ về ăn Tết, khi đi lại cho chúng đem theo lên thành phố để dành ăn cũng tới rằm tháng giêng.
Chừng hăm ba Tết, đưa ông Táo về trời xong, mẹ sẽ ra chợ làng mua cặp đường bát, về hầm đậu đen, nấu nồi xôi rồi làm khay xôi ngọt. Vừa có cái đãi khách tới thăm nhà, vừa có cái cho mấy đứa con nít ăn chơi.
Nếp với đậu để gói bánh rứa là đủ rồi, chỉ lo phần lá chuối. Bụi chuối sứ bị bão đánh, lá rách tả tơi. Nếu ra lá mới không kịp chắc phải về quê xin hoặc chờ mấy phiên chợ gần Tết, có lá chuối, lá dong từ trên nguồn đem về.
Mẹ mở mấy cái ghim túi áo, lấy cái túi vải màu nâu cũ đã bạc thành màu cháo lòng mà mẹ dùng đựng mớ tiền dành dụm. Mấy tờ bạc năm trăm, hai trăm và một trăm mấy đứa con, đứa cháu mừng tuổi từ hồi Tết trước mẹ cuộn tròn trong túi rồi gói trong hai lần nilông, mở ra vẫn còn mới cứng. Mẹ vuốt phẳng phiu, đếm lại, để riêng.
Mớ tiền lẻ năm chục, hai chục, một chục, năm nghìn, có lẫn mấy tờ hai nghìn, một nghìn cũ mèm xếp ngay ngắn để riêng. Tiền lẻ là tiền mẹ bán mớ rau, buồng chuối, ổ trứng gà trong vườn, dành để đi chợ, mua miếng thịt, con cá hằng ngày ở chợ làng. Mấy chị em gánh tôm, cá bán dạo ghé qua nhà mẹ cũng mua một chút, giặm thêm cho bữa ăn.
Sắp nhỏ hay gọi về dặn dò mẹ phải ăn uống cho đủ chất, đừng quấy quá rau, mắm qua bữa. Mẹ đếm đi đếm lại mớ tiền để dành, vuốt cẩn thận từng tờ một cách nâng niu, rồi mỉm cười một mình.
Tổng cộng gần hai triệu rồi, bữa nay tới Tết mà đám rau, bầy gà gầy lại có bán được thì cũng có thêm mấy trăm. Rứa là đủ cho cái Tết. Để coi, ngày nào mấy nhà trong xóm mua heo về chia thịt, mẹ sẽ sang chia một đùi (một phần tư con heo - NV).
Cái phần tư con heo đó có cả thịt nạc, thịt ba chỉ, xương sẽ được mẹ phân ra, nấu cũng được nhiều món.
Một nồi thịt xíu đậm đà, nồi xương hầm sẵn để dành được cả ba ngày. Mấy mẹ con đi chúc Tết, đi thăm mộ nội ngoại về, chỉ cần lấy rổ cắt mớ rau thơm, cải con, hành lá, xà lách ngoài vườn, xắt miếng thịt xíu, pha chén mắm cái có ớt tỏi giã nhỏ, thêm mấy cái bánh tráng gạo nhúng nước nữa là đủ bữa trưa.
Đến chiều, múc ít xương hầm ra nồi nhỏ, gọt củ khoai môn, củ cà rốt bỏ vào nấu chừng mươi phút là có nồi canh. Múc canh ra bát, xắt miếng thịt bày lên dĩa, xào thêm mớ củ hành, đậu côve hái ngoài vườn với chút thịt nạc, bới bát cơm nóng, tét thêm dĩa bánh nữa là đủ một mâm cơm đầy đặn.
Thắp hương khấn vái mời ông bà xong, tàn nửa cây hương là mấy mẹ con, bà cháu lại quây quần bên mâm cơm Tết. Chừng đó là ấm cúng rồi. Nét mặt mẹ giãn ra. Ừ thì bão lụt trời hành nhưng cũng phải lo cho cái Tết có bánh, có thịt, trước là dâng cúng tổ tiên, sau là con cháu vui vầy, sum họp. Ông bà mình đã có câu "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết" rồi mà.
Cất gói tiền để dành sắm Tết vào túi. Ghim cẩn thận hai lần kim băng, mẹ đứng lên dọn dẹp hũ gạo, chai đậu, vừa mở ra kiểm lại. Chờ có nắng đem phơi lại kẻo mốc. Mưa vừa dứt hạt, mớ bùn non đọng lại trên bụi chuối, bờ rào đã được trận mưa giội bùn gội sạch. Mọi vật như trở nên tươi mới.
Chắc ngày mai trời sẽ nắng. Nắng để mẹ xới lại mảnh vườn, gieo mớ hạt giống rau cho kịp Tết, lên cả luống vạn thọ, thược dược hai bên lối đi nữa chứ. Bão qua lụt rút, bếp vẫn sẽ ấm, nhà vẫn sẽ tươi. Mẹ đợi các con về.
Lực lượng chức năng, sơ tán các hộ dân ở cồn An Phú giữa sông Trà Khúc, xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi lúc 20h15 ngày 27-10 vào bờ tránh bão số 9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Jang Kều, sáng lập viên dự án nhà chống lũ, trong chuyến công tác tại Quảng Trị, tháng 11-2020 - Ảnh: NGUYỄN Á
Bà Tư Luyến (phải, 84 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM) có hơn 10 năm kinh nghiệm gói bánh tét, đang chỉ cách buộc bánh tét sao cho thật đẹp. Bà là hàng xóm gần đây, thấy mọi người cùng kêu gọi lo cho người vùng bão lũ nên bà cũng muốn giúp sức - Ảnh: HOÀNG AN
Bà con xóm Thuận Đông, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An nấu bánh chưng gửi đến bà con vùng lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình hồi tháng 10-2020 - Ảnh: DOÃN HÒA
Cứu hộ, cứu nạn tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam - Ảnh: QUỐC ANH
Rì rầm tiếng đất
Chòm xóm dặn gừng cay muối mặn
Mẹ ru con bầu bí thương nhau
Nhiễu điều với giá gương thinh lặng
Tình người xuyên muôn đận cơ cầu.
Bao nhiêu rồi thiên tai địch họa
Vẫn lạ kỳ đất mẹ ngàn năm
Suối nguồn chảy ca dao tục ngữ
Nuôi yêu thương lớn dậy âm thầm
Ơn truyền thuyết ông cha để lại
Rằng trăm con một bọc cùng nhau
Rồi chia biệt lên rừng xuống biển
Ngàn năm thăm thẳm nghĩa đồng bào
Ơn từ những gốc nguồn huyền thoại
Chuyện bánh chưng cùng với bánh giầy
Trong mưa lũ về như cổ tích
Nồi bánh reo lửa ấm trao tay
Người miền nắng về nơi giông gió
Người gió giông về chốn bão mưa
Thấm thía nghĩa lá lành đùm rách
Trọn ân tình gieo tự ngày xưa
Lũ đã cuốn ruộng vườn nhà cửa
Rừng cũng đành rạp đổ oằn lưng
Trên hoang nát tay người chăm xới
Cây gãy rồi mầm nhú rưng rưng
Sau mưa bão, nắng vàng ươm mật
"Đồng bào ơi" chan chứa ấm nồng
Nước dẫu xói sạt lòng núi biếc
Người tựa nhau như đá như đồng.
LÊ ĐỨC DỤC
TTO - Một cụ bà bị mù lòa, sống neo đơn "bỗng dưng" được một người phụ nữ cùng thôn không máu mủ ruột rà đưa về nhà phụng dưỡng, chăm sóc như mẹ ruột của mình.
Xem thêm: mth.10590406041101202-em-auc-naot-iab/nv.ertiout