Lấy mẫu xét nghiệm nhanh các nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất tại Trung tâm y tế quận Tân Bình (TP.HCM) - Ảnh: NHẬT THỊNH
Trước đó, khi số báo Tuổi Trẻ tất niên (7-2) đến tay bạn đọc, mới chỉ có ca bệnh 1979 là nhân viên bốc xếp tại sân bay và một người em của bệnh nhân này được xác nhận dương tính với COVID-19.
Sau đó, toàn bộ số bệnh nhân được phát hiện từ chuỗi lây nhiễm này lên đến 33 người. Đến nay bước đầu khẳng định TP đã cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm sau 6 ngày liên tiếp không phát hiện ca bệnh mới.
Chìa khóa xét nghiệm rộng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là chìa khóa của thành công trong việc kiểm soát chuỗi lây bệnh từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Xét nghiệm được thực hiện cho các nhóm đối tượng nguy cơ như F1, mở rộng cho nhóm F2, lấy mẫu rộng các hộ gia đình xung quanh các địa điểm liên quan đến bệnh nhân khi có thời điểm TP phong tỏa đến 35 địa điểm.
Sau khi thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng, đánh giá nguy cơ và dựa trên các bằng chứng điều tra, các địa điểm phong tỏa được gỡ bỏ một phần hoặc toàn phần, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Hiện TP còn 12 nơi phải phong tỏa phòng dịch.
Theo HCDC, một nguyên tắc tối quan trọng để kiểm soát được ổ dịch hoặc chuỗi lây nhiễm là phải tìm ra được nguồn lây.
Đối với chuỗi lây nhiễm lần này, bước đầu TP đã đánh giá có khả năng bắt nguồn từ nhóm nhân viên thuộc đội quản lý và đội bốc xếp hàng hóa, hành lý của Công ty phục vụ mặt đất (VIAGS) tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Do đó, TP đã triển khai khẩn xét nghiệm rà soát lần 2 cho toàn bộ nhân viên VIAGS, lấy mẫu toàn bộ hộ gia đình họ với hơn 5.400 mẫu xét nghiệm.
Phải thay đổi chiến lược xét nghiệm
Tại Hà Nội, ca bệnh 2229 (nam giới, 54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, đã tử vong hôm 13-2) cũng thuộc diện chưa rõ nguồn lây. Giới chức y tế nghiêng nhiều về khả năng bệnh nhân lây bệnh tại Hà Nội, do ngay trước khi bệnh nhân rời khu cách ly ngày 31-1 tại TP.HCM, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tâm dịch Hải Dương cũng đang xuất hiện những ca bệnh không rõ nguồn lây. Người đầu tiên được phát hiện mắc COVID-19 trong gia đình 4 người ở phường Hải Tân, TP Hải Dương là bà N.T.T., 52 tuổi.
Bà T. có đi tập yoga ở phòng tập nhưng đã nghỉ từ khi Hải Dương ghi nhận ca bệnh (27-1), thời điểm gần đây chỉ đi chợ. Từ ngày 4 và 5-2 bà bắt đầu mệt, ho nhiều, sốt về chiều, gia đình tự mua thuốc về uống.
Đến 8-2 bà đề nghị được xét nghiệm COVID-19, ngày 11-2 được lấy mẫu và có kết quả nghi mắc, đến 15-2 xét nghiệm khẳng định dương tính COVID-19. Đến 16-2 xét nghiệm cả gia đình đều mắc bệnh.
Hiện đã bắt đầu có những thay đổi về chiến lược xét nghiệm, theo hướng xét nghiệm sàng lọc rộng rãi thay vì chỉ xét nghiệm ở vùng có ca bệnh và người liên quan ca bệnh. Tại Hà Nội, việc xét nghiệm tại sân bay Nội Bài với hơn 12.000 mẫu khi ở đây chưa ghi nhận ca bệnh là đợt xét nghiệm diện rộng đầu tiên.
Hiện tại Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, TP.HCM đều đang triển khai những đợt xét nghiệm rộng rãi tương tự nhằm phát hiện nguy cơ trước khi có ca bệnh, không đợi có ca bệnh mới xét nghiệm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ kiểm tra thực địa tại khách sạn Somerset West Point ở phường Quảng An, quận Tây Hồ - Ảnh: Q.THẾ
Xét nghiệm ngẫu nhiên trong cộng đồng
Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết tại Hà Nội hiện vẫn ghi nhận thêm các ca bệnh ở ngoài cộng đồng và các ca bệnh là những trường hợp F1 đã được cách ly tập trung nên nguy cơ về dịch bệnh bùng phát vẫn ở mức cao, đặc biệt sau tết khi người dân từ các tỉnh thành khác trở lại Hà Nội sinh sống, làm việc.
Đặc biệt, với ca bệnh là người Nhật Bản, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết có thể bệnh nhân này phát bệnh ngày 2-2 và như vậy đến ngày 13-2 là 11 ngày, tiếp xúc rất nhiều nơi, rủi ro với cộng đồng rất cao.
Từ nhận định trên, ông Dũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP có phương án, hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên ở các khu vực có nguy cơ cao. "Cần xét nghiệm sàng lọc để kiểm soát, trước hết là những chuyên gia nước ngoài, những khu vực xung quanh khu cách ly, lưu trú sẽ lấy mẫu xét nghiệm xác suất" - ông Dũng cho biết.
Ngoài ra, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu CDC Hà Nội cần có kế hoạch triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên, nhất là khu công nghiệp có người đi từ 12 tỉnh thành đang có dịch. Tại TP.HCM, việc tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên đối với người đến TP bằng các phương tiện giao thông công cộng cũng sẽ được thực hiện khi người lao động trở lại TP.
Cuối tháng 2: 2 lô vắcxin về đến Việt Nam
Hôm qua 16-2 có thêm 42 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 40 ca ở Hải Dương, 1 ca Hà Nội và 1 ca ở Quảng Ninh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ cùng ngày, đại diện đơn vị nhập khẩu vắcxin ngừa COVID-19 đã được cấp phép nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam (vắcxin do AstraZeneca sản xuất) cho biết cuối tháng này sẽ có 2 lô vắcxin trong số các lô Việt Nam được mua và được nhận về tới Việt Nam.
2 lô vắcxin này đến từ 2 nguồn: nguồn vắcxin do COVAX viện trợ (từ 4,8 đến gần 8,3 triệu liều, lô đầu tiên Việt Nam được nhận sẽ là 25-30% trong số này); nguồn thứ 2 là vắcxin trong số 30 triệu liều Việt Nam đặt mua và đã được nhà sản xuất chấp thuận cung cấp.
Cục Y tế dự phòng, đơn vị được giao xây dựng kế hoạch sử dụng vắcxin COVID-19, đã hoàn tất dự thảo kế hoạch này để trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Vắcxin sẽ được sử dụng lần lượt cho các nhóm đối tượng nguy cơ, tuổi từ 18-65, nhà cung cấp cho biết giá thành sẽ ở mức chấp nhận được để nhiều người có thể tiếp cận được vắcxin.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng vừa có đánh giá vắcxin AstraZeneca đáp ứng các tiêu chí "phải có" về độ an toàn đối với người sử dụng, các lợi ích và mức độ hiệu quả cũng cao hơn những rủi ro có thể xảy ra và chấp thuận dùng khẩn cấp vắcxin này (trước đó chỉ có vắcxin của Pfizer/BioNTech được WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp).
Trong một thông cáo ngày 15-2, AstraZeneca cho biết sẽ phân phối khoảng 330 triệu liều vắcxin tới 145 nước trước cuối tháng 3 thông qua COVAX. Tại châu Á, trong số các nước sắp sửa được nhận vắcxin từ COVAX có Việt Nam, Philippines, Indonesia và một số nước khác như Triều Tiên, Hàn Quốc.
L.ANH - B.DUY
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho hay các địa phương xuất hiện COVID-19 đang mở rộng xét nghiệm tại các khu vực/đối tượng có nhiều nguy cơ, lấy mẫu ngoài cộng đồng (người lái xe, cán bộ y tế, người tiếp xúc nhiều, cộng đồng có ca bệnh…) đánh giá xem có bệnh nhân hay không.
"Địa phương đánh giá nguy cơ tại tỉnh thành mình, xem nhóm đối tượng nào là nguy cơ cao nhất, tập trung vào đó có thể phát hiện bệnh nhân sớm hơn" - ông Tấn nói.
Tại Quảng Ninh, ngay từ những đợt dịch trước đã sàng lọc COVID-19 sớm cho tất cả người có ho, sốt. Đây cũng là cách đánh giá trên diện rộng mà các địa phương khác nên áp dụng.
TTO - Cùng với việc từ ngày 10-2 không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm ở Tân Sơn Nhất và tình hình dịch bệnh tại thành phố.
Xem thêm: mth.6383538071201202-gnor-neid-cot-naht-91-divoc-meihgn-tex-coh-iab/nv.ertiout