vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyển đổi số tùy theo sức của mình

2021-02-17 15:45

Chuyển đổi số tùy theo sức của mình

TS. Võ Đình Trí

(TBKTSG Xuân) - Xu hướng chuyển đổi số của các nền kinh tế có thể nói là tất yếu, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Việt Nam là một trong những quốc gia đang có quyết tâm cao và nỗ lực để thực hiện nhanh chuyển đổi số, từ Chính phủ đến doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp lớn, nhu cầu nội tại lẫn áp lực bên ngoài buộc họ không có sự lựa chọn nào khác. Nhưng thử đặt trong tâm thế của những người chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sự cân nhắc thiệt hơn, tự thấy “lực bất tòng tâm”.

Trong một hội thảo hồi giữa tháng 12-2020, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (Vinasa) cho biết từ một khảo sát của mình, hiện có khoảng 15% doanh nghiệp cả nước đang chuyển đổi số. Con số này chỉ phác họa sơ khởi ở mức độ có/không chứ chưa thể cho thấy mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc sử dụng phần mềm quản lý kế toán và kết nối với cơ quan thuế được coi là chuyển đổi số nhưng cũng là ở mức độ rất cơ bản.

Lộ trình chuyển đổi số khác nhau tùy doanh nghiệp

Chuyển đổi số có tác động nhanh và dễ thấy nhất trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại. Ngoại trừ các nước có nền công nghiệp sản xuất phát triển và chuyên sâu như Đức, Nhật Bản, ở hầu hết các nước thì doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tập trung chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại. Số liệu cuối năm 2019 của Việt Nam cho thấy có 67% doanh nghiệp là trong lĩnh vực dịch vụ, nếu chỉ tính cho DNNVV thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Còn như ở Maylaysia, có đến 90% DNNVV trong lĩnh vực dịch vụ.

Người chủ doanh nghiệp cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng nhất định về chuyển đổi số..., sự chậm trễ sẽ lấy đi những cơ hội của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh và có thể bị loại khỏi thị trường.

Cũng như các doanh nghiệp lớn, các DNNVV ứng dụng chuyển đổi số trong việc quản lý đơn hàng, tồn kho, kế toán và thuế, nhân sự, tiếp thị số (digital marketing), thương mại điện tử, thanh toán điện tử.

Do đặc thù thị trường của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, có doanh nghiệp tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp hay tổ chức (B2B), có doanh nghiệp nguồn khách hàng chính là cá nhân (B2C), rồi thị trường trong nước, thị trường quốc tế. Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần có lộ trình chuyển đổi số của riêng mình.

Sau một thời gian sinh sống và làm việc tại Pháp, người viết phát hiện ra rằng có đến 99,9% doanh nghiệp ở Pháp là vừa, nhỏ, và siêu nhỏ, trong đó phần lớn là siêu nhỏ. Ngạc nhiên hơn, rất nhiều doanh nghiệp trong số này có khách hàng chỉ là các tổ chức, hay các doanh nghiệp khác.

Lý do các doanh nghiệp lớn hay các tổ chức chuyển một phần công việc ra bên ngoài là vì chi phí và tính linh động. Có những công việc, dù mang tính chất ổn định nhưng nếu phải duy trì một số nhân viên cố định thì sẽ không tối ưu về chi phí, như bảo vệ, tạp vụ, bảo trì. Phổ biến hơn là các công việc mang tính chất dự án. Các dự án có thể kéo dài vài tháng hay vài năm, việc lựa chọn từ nhiều nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường thường hiệu quả hơn là sử dụng nhân viên của chính doanh nghiệp. Lý do là vì chuyên gia đến từ bên ngoài thường được va chạm nhiều hơn, trải qua nhiều dự án khác nhau, cập nhật công nghệ và thị trường tốt hơn.

Về phía DNNVV, thực hiện hợp đồng với khách hàng doanh nghiệp sẽ tạo một sự ổn định về doanh thu, nhất là khi có những hợp đồng theo dự án vài năm. Trong việc cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ hơn thường có lợi thế hơn về đơn giá vì chi phí thấp hơn.

Nhưng làm ăn B2B đòi hỏi nhiều sự rõ ràng, minh bạch, chuyên nghiệp. Và chuyển đổi số là một trong những cách để DNNVV tăng hiệu quả cũng như duy trì, mở rộng khách hàng. Khách hàng là doanh nghiệp thì đòi hỏi hợp đồng, chứng từ, các khoản thanh toán rõ ràng. Làm việc với khách hàng lớn cần đồng bộ hóa về quản lý dự án, từ việc họp hành, trao đổi tài liệu, theo dõi tiến độ.

Đối với cách thức B2C, thì chuyển đổi số hướng đến cá nhân khách hàng nhiều hơn. Cụ thể đó là ứng dụng các công cụ số trong tiếp thị, như hệ thống mạng xã hội, e-mail, tiếp thị thông qua nội dung trên Internet. Bên cạnh đó là hệ thống bán hàng qua trang web, thanh toán trực tuyến, thanh toán tại quầy không dùng tiền mặt. Các chuyển đổi số này là đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của một bộ phận khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Thử hình dung khách hàng tìm mua một sản phẩm trên Internet, có hai doanh nghiệp cung cấp sản phẩm tương tự, nhưng một bên cho đa dạng phương thức thanh toán hơn, gồm tất tần tật như thẻ ngân hàng, các loại ví điện tử, trung gian thanh toán, thậm chí tiền mã hóa thì khả năng khách hàng chọn doanh nghiệp có phương thức thanh toán đa dạng hơn là cao hơn.

Hai mối lo ngại lớn

Khi chuyển đổi số, có hai lo ngại lớn đối với DNNVV là vốn đầu tư và bảo mật thông tin (gồm cả những thông tin nhạy cảm doanh nghiệp không muốn tiết lộ).

Lo lắng thứ nhất về vốn đầu tư và chi phí ứng dụng công nghệ số là có lý khi trước đây, chi phí ban đầu lớn cho việc đầu tư thiết bị phần cứng, các phần mềm bản quyền đi kèm. Nhưng ngày nay, các phần mềm dịch vụ theo dạng SaaS (Software as a Service) hay việc dùng dịch vụ đám mây (cloud services) đã giúp các chủ DNNVV bớt đau đầu. Lấy ví dụ như các phần mềm kế toán, quản lý khách hàng, quản lý đơn hàng tồn kho có thể sử dụng qua dịch vụ thuê bao hàng năm, hệ thống máy chủ có thể thay thế bằng dịch vụ đám mây. Không những thế, các nhà cung cấp luôn có các gói dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ với mức phí phù hợp, linh động thay đổi theo số người sử dụng đăng ký. Bên cạnh đó, các chi phí này cũng được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các chính phủ đều có các chương trình hỗ trợ DNNVV thực chuyển đổi số, từ tư vấn, hỗ trợ chi phí cho đến đồng hành cùng doanh nghiệp. Malaysia hiện nay như là một ví dụ điển hình trong việc hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số, với các chương trình hỗ trợ tài chính, tư vấn, và đồng hành, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái kinh tế số. Còn ở Việt Nam, một ví dụ có thể nhắc đến là “Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” của USAID LinkSMEs.

Lo lắng thứ hai về bảo mật thông tin thì phụ thuộc nhiều hơn vào chính bản thân doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có hồ sơ thuế minh bạch, rõ ràng, hoạt động hiệu quả sẽ là một lợi thế trong các hồ sơ chào thầu B2B. Còn đối với khách hàng cá nhân thông qua thương mại điện tử, họ cũng thường tìm hiểu uy tín của doanh nghiệp qua Internet, các diễn đàn trước khi đặt lệnh mua. Do đó uy tín doanh nghiệp là một quá trình xây dựng lâu dài và không nên dùng thủ thuật để giấu nhẹm. An toàn thông tin lúc này, do đó phụ thuộc vào lựa chọn nhà cung cấp giải pháp, kiến thức và thực hành an toàn thông tin của nhân viên.

Người tiêu dùng ở Việt Nam thuộc nhóm trẻ, năng động và các doanh nghiệp cũng vậy. Việc chuyển đổi số đối với các DNNVV là điều mà các chủ doanh nghiệp cần thực hiện sớm. Tuy vậy cần có lựa chọn phù hợp với thực tế của doanh nghiệp mình, liệu cơm gắp mắm. Người chủ doanh nghiệp cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng nhất định về chuyển đổi số, cần tham vấn các chương trình hỗ trợ chính thức của Chính phủ hay cách tiếp cận của các DNNVV ở các nước khác. Dẫu biết rằng DNNVV có lợi thế là linh hoạt, triển khai nhanh nếu so DNVVV là con thỏ và các tập đoàn lớn là con voi trong chuyển đổi số. Tuy vậy, sự chậm trễ sẽ lấy đi những cơ hội của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh và có thể bị loại khỏi thị trường. 

Xem thêm: lmth.-hnim-auc-cus-oeht-yut-os-iod-neyuhc/669213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyển đổi số tùy theo sức của mình”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools