Vào tháng 8/2020, Phó giáo sư Zhou Wang thuộc đại học Nankai-Trung Quốc đã đưa đứa con trai 5 tuổi của ông về miền quê Tây Nam Trung Quốc, cách thành phố Thiên Tân 2.000km.
Tại vùng quê nhà, người con trai 5 tuổi của ông đã ngớ người khi được hỏi: "Cháu đến từ đâu?"
Câu hỏi tưởng chừng đơn giản này trên thực tế gây khó cho cả chính ông Wang bởi bản thân vị phó giáo sư này đến từ vùng Tây Nam nhưng vợ của ông lại đến từ miền Đông Trung Quốc, còn bản thân đứa con trai thì được sinh ra và lớn lên ở thành phố Thiên Tân.
Mỗi khu vực trên cách nhau hàng nghìn km với sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực... Điều đáng ngại là người con 5 tuổi này chỉ về quê trong những dịp lễ dài ngày và thay phiên quê ngoại lẫn nội hàng năm, qua đó không tạo nên nhiều gắn kết với quê hương.
Mất gốc
Trong hàng trăm năm qua, văn hóa gốc gác, vùng miền đã in sâu vào xã hội Trung Quốc. Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ... đã tạo nên những nhóm khác nhau ngay cả khi người Trung Quốc cùng làm việc trong một thành phố.
Câu hỏi "Ni Shi Nali Ren?" (Bạn đến từ đâu) trước đây thường ám chỉ thứ ngôn ngữ địa phương mà người đó nói, văn hóa vùng miền hay ẩm thực, thậm chí tính cách của mỗi người Trung Quốc thông qua kết nối với quê hương của họ.
Thế nhưng ngày nay, sau 2 thế hệ với phong trào bỏ quê lên thành phố lập nghiệp hay làm trong các công xưởng, câu hỏi trên đang ngày càng khó trả lời hơn. Sự đô thị hóa nhanh cũng như thay đổi trong cấu trúc gia đình đã khiến giới trẻ ngày nay mất kết nối với quê hương.
Trong hơn 40 năm qua, việc những lao động nhập cư từ miền quê lên thành phố, lập nghiệp, kết hôn, sinh con đã tạo nên một thế hệ mới theo đúng nghĩa "một mái nhà, 2 kẻ nhập cư với 3 hộ khẩu".
Khi chung sống dưới một mái nhà, không chỉ cha mẹ đến từ 2 vùng quê khác nhau phải thích ứng với cuộc sống mới mà bản thân cả gia đình cũng phải hòa nhập với xã hội nơi họ ở. Sự thích ứng ở đây bao gồm từ văn hóa, tiếng nói, ẩm thực cho đến tư duy hay thậm chí là thói quen.
Điều này càng chính xác cho những đứa trẻ được sinh ra ở đô thị và mất gốc. Chúng được nuôi dưỡng và giáo dục theo văn hóa thành thị và dù có về quê những ngày nghỉ cũng khó có thể tạo sự kết nối của thế hệ trẻ với quê hương.
Theo tờ Sixth Tone, mỗi vùng miền tại Trung Quốc đều có thói quen mua sắm, ăn uống và kỷ niệm Tết Nguyên Đán khác nhau. Thậm chí những ngày lễ trong năm cũng có sự khác biệt, qua đó phản ánh lịch sử, vị trí địa lý và văn hóa của từng vùng.
Thế nhưng tại các gia đình mới ngày nay, trên bàn ăn sẽ có món ăn của cả miền quê 2 bên nội ngoại lẫn món ăn của địa phương họ sinh sống, qua đó tạo nên những ý thức và ký ức hoàn toàn mới cho lũ trẻ về Tết Nguyên Đán. Điều này nghe chẳng có gì to tát nhưng chính những ký ức này lại là sự kết nối mạnh mẽ nhất của một người về quê hương của họ.
Lỗi của cha mẹ
Nghe thật trớ trêu nhưng chính bậc phụ huynh ngày nay đang là người khiến cho giới trẻ Trung Quốc mất gốc nhanh chóng. Nhu cầu về một nền giáo dục hiện đại hơn, tiêu chuẩn sống tốt hơn và cơ hội thăng tiến hơn trong sự nghiệp đã buộc các bậc cha mẹ tách rời con cái với quê hương.
Thế hệ trẻ ngày nay được sinh ra ở thành phố lớn để có hộ khẩu, nhận được sự chăm sóc y tế và giáo dục tốt hơn. Cha mẹ chúng cấm con của họ nói tiếng địa phương và chỉ được nói tiếng quốc ngữ phổ thông (Mandarin). Thậm chí việc sử dụng ngôn ngữ địa phương bị nhiều người coi là quê mùa, còn dùng tiếng nước ngoài thì lại được cho là thời thượng.
Thế rồi những gì được cho là hiện đại, phù hợp với thói quen thành thị được các bậc phụ huynh nhồi nhét cho con thay vì các phong tục được cho là cổ hủ, lạc hậu của quê hương.
Những bữa ăn gia đình ngày nay thường đơn giản, đáp ứng nhu cầu của mọi người trong gia đình trong khi các món địa phương bị giảm thiểu. Thậm chí nhiều phụ huynh còn cấm con cái thử món ăn địa phương do lo ngại vấn đề vệ sinh.
Vào các ngày lễ truyền thống như Tết Nguyên Đán, các gia đình Trung Quốc hiện nay có xu hướng đi du lịch, ăn uống, chi tiêu mua sắm hơn là theo các phong tục địa phương hay về quê gốc của mình.
Sự khó khăn khi tìm đường về quê và quay trở lại, những câu hỏi tế nhị cùng hàng loạt tập tục khiến giới trẻ áp lực cũng làm các thế hệ người Trung Quốc ngày nay ngày càng không muốn về quê.
Rõ ràng, thế hệ trẻ ngày nay tại Trung Quốc được nuôi lớn ở thành thị, ăn nói và có tư duy của người "thành phố" mà không còn gắn kết mấy với quê hương của họ. Cho dù mang tiếng là gốc ở đâu đó nhưng văn hóa, thói quen cũng như tư tưởng của các thế hệ trẻ giờ đây đã hoàn toàn khác.
Thay vì mang bản sắc vùng miền, giới trẻ Trung Quốc ngày nay nói tiếng phổ thông (Mandarin), ăn đồ ăn nhanh, sống theo phong cách công nghiệp thành phố và yêu điện thoại hơn cả người thân. Một lối sống được định hình bởi các chuẩn mực chung đã được xây dựng bất kể gốc gác.
Theo phó giáo sư Wang, về mặt tích cực thì giới trẻ ngày nay sẽ tránh bị ràng buộc bởi tập tục quê hương để hướng tới sự tự do, thoải mái theo đuổi đam mê sáng tạo.
Thế nhưng liệu việc mất gốc này có thực sự tốt hay không vẫn là một câu hỏi, nhất là khi mỗi dịp Tết đến, giới trẻ Trung Quốc lại muốn ở thành phố ăn chơi hơn là về quê với gia đình.
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị