Tết Nguyên đán Tân Sửu đã diễn ra an toàn, hàng hóa dồi dào, giá bán ổn định do các doanh nghiệp tăng mạnh lượng hàng dự trữ phục vụ Tết.
Không có tình trạng nơi ế thừa, nơi thiếu hụt hàng hóa
Theo Bộ Công Thương, hàng hóa phục vụ người dân mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán 2021, nhờ chủ động dự trữ hàng hóa ngay từ đầu vụ, nên không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, kể cả mặt hàng thịt lợn, dù tổng cầu tăng.
"Các siêu thị, trung tâm thương mại chuẩn bị một lượng hàng hóa dồi dào về số lượng, giá bán không tăng cao, kể cả các mặt hàng có sức mua cao như thịt lợn, rau xanh, nước giải khát, hoặc ngược lại xảy ra ế ẩm một số mặt hàng như đào, quất, cây cảnh...” – bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết.
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.679,7 tỉ đồng, tăng 652,4 tỉ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020 (19.027,3 tỉ đồng), trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỉ đồng..
“Lượng hàng hóa đưa ra thị trường luôn dồi dào, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ và sức mua tăng nhờ các doanh nghiệp thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu hàng nghìn mặt hàng” – ông Huỳnh Minh Tú thông tin.
Từ ngày mùng 4 Tết, hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại đã mở cửa trở lại phục vụ người dân. Sáng nay (mùng 6 Tết, ngày 17.2), hầu hết các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại đã hoạt động bình thường, lượng hàng hóa dồi dào, giá tăng khoảng 5-10% (tùy mặt hàng) so với trước.
Đại diện của Big C cũng cho biết, lượng hàng trong dịp Tết Nguyên đán được tiêu thụ mạnh nhất là thực phẩm tươi sống, như thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau xanh, trái cây… Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng hệ thống Big C vẫn đủ khả năng phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng dù sức mua có tăng đột biến và lâu dài.
Bộ Công Thương cũng cho biết, hoạt động thương mại trong dịp Tết Nguyên đán diễn ra an toàn, không xảy ra các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Ưu tiên phòng chống dịch bệnh COVID-19 lên hàng đầu
Theo bà Lê Việt Nga, cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mặc dù tăng cường số lượng và các mặt hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhưng các siêu thị đặt yêu cầu phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại đều bố trí nhân viên đo nhiệt độ, bố trí khu vực để dung dịch sát khuẩn để khách hàng khử khuẩn khi đến mua hàng, thực hiện khoảng cách an toàn tại khu vực thu ngân và không chấp nhận trường hợp khách hàng vào khu vực mua sắm mà không đeo khẩu trang.
"Công tác phòng, chống dịch COVID-19 còn gian nan và tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp cần đồng hành cùng Chính phủ, chú trọng công tác phòng chống dịch an toàn, hiệu quả" - Bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.
Xem thêm: odl.640188-oad-iod-aoh-gnah-naot-na-ar-neid-1202-nad-neyugn-tet/et-hnik/nv.gnodoal