"Sự sống gắn liền với sinh mệnh, tiêu diệt sự sống là chấm dứt sinh mệnh. Cuộc sống chỉ là một quá trình. Ở trang trại của Vinamit không có khái niệm diệt sâu hại này, nấm bệnh kia mà chỉ là tìm giải pháp cộng sinh, để các loài tự cân bằng môi trường sống của nhau. Nông nghiệp vì sự sống với mục đích như vậy" - ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, giải thích lý do chọn slogan công ty là "Nông nghiệp vì sự sống".
Học cách lắng nghe cơ thể
Kể câu chuyện một người quen vừa qua đời vì bệnh ung thư, ông Viên diễn giải đại đa số người bệnh phó thác quyền quyết định cho bác sĩ mà quên rằng bác sĩ không thể nào hiểu được cơ thể mình bằng chính bản thân mình. "Phải lắng nghe cơ thể, lắng nghe sự sống bên trong mình, cung cấp cho cơ thể những thức ăn có sự sống để chúng chuyển hóa thành dưỡng chất nuôi tế bào trong cơ thể. Tế bào khỏe thì không bệnh tật nào tấn công ta được" - ông Viên nói.
Một buổi “ra đồng” của ông Nguyễn Lâm Viên cùng các kỹ sư trẻ của Vinamit. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bản thân ông chủ Vinamit cũng từng là một người bệnh. Trong nhiều năm liền, ông gần như lệ thuộc vào thuốc. Sáng 5 viên, tối 5 viên, bao gồm thuốc huyết áp, dạ dày…, đi đâu xa cũng phải kè kè theo bịch thuốc vì không ngày nào được phép bỏ cữ. "Một giai đoạn dài, hễ tái khám là bác sĩ yêu cầu tôi kiểm tra thận vì lo nạp thuốc quá nhiều làm hư thận. Rồi lo lờn thuốc, rất căng thẳng" - ông Viên nói về lý do đi tìm lời giải cho câu hỏi "làm sao nuôi dưỡng sự sống trong cơ thể?"
Nhưng thế nào là thực phẩm có sự sống? Thực phẩm này nuôi cơ thể thế nào? May mắn, ông gặp được một bác sĩ người Đức chuyên chữa bệnh bằng sinh y và ngộ ra những điều bác sĩ áp dụng thì Vinamit đã làm từ nhiều năm với cây trồng, vật nuôi của mình, chỉ là chưa áp dụng lên con người. Được chỉ dẫn, ông Viên lao vào nghiên cứu, tự trải nghiệm bằng chính bản thân để tìm ra giải đáp thỏa đáng, tin cậy: đó là những thực phẩm chứa hệ vi sinh vật có ích. Nói cách khác, đó là những sản phẩm có chứa hàm lượng sinh học. Trong nhiều năm liền, bên cạnh việc điều hành, quán xuyến mọi hoạt động của công ty, ông Viên âm thầm tìm hiểu về nguồn thức ăn nuôi sống hệ vi sinh vật và tế bào, thử nghiệm trên chính bản thân ông: bắt đầu ăn các loại hạt, trái cây, rau kết hợp với luyện tập thể dục, bổ sung men vi sinh… Chuyển biến đầu tiên là bỏ thuốc đau dạ dày, dần dần bỏ luôn thuốc huyết áp, kiểm soát được đường huyết, tiểu đường… Điều kỳ diệu là 4 năm trở lại đây, ông không còn phải đụng đến viên thuốc nào trong danh sách những đầu thuốc tưởng như phải sử dụng suốt đời.
Từ trải nghiệm của bản thân, ông chủ Vinamit tự tin theo đuổi con đường làm nông nghiệp hữu cơ, đồng thời đưa men vi sinh vào nhiều sản phẩm chế biến của công ty.
Thuận tự nhiên
Triết lý về sự sống được Vinamit áp dụng triệt để, thống nhất tại tất cả trang trại của công ty. Ông Viên dạy các kỹ sư - cán bộ chủ chốt của mình về sự sống cân bằng giữa muôn loài. Nông nghiệp vì sự sống không phải là tiêu diệt mà là cộng sinh, các loài sẽ tự khắc chế lẫn nhau để đi đến cân bằng. Loài sâu bệnh này bùng lên thì sẽ có loài côn trùng thiên địch xuất hiện để khắc chế, loài vật này sẽ là thức ăn cho loài vật khác. Vì vậy, Vinamit không dùng hóa chất để can thiệp, diệt trừ sâu bệnh mà sẽ chọn cách thay đổi giống cây trồng, dẫn dụ thiên địch… nhằm khắc chế loài gây hại trên cánh đồng. "Triết lý này thấm nhuần vào tất cả các khâu từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Đơn cử, trong canh tác, nếu trồng rau lang mà bị côn trùng, sâu bệnh phá nhiều quá thì đổi sang trồng rau muống, sâu bệnh đang ăn rau lang mất nguồn thực phẩm sẽ không có cơ hội sinh sôi. Trong chế biến, tuyệt đối không sử dụng phụ gia, không tiệt trùng, không chiếu xạ…" - ông Viên dẫn chứng.
Mỗi khi có dịp đến các trang trại hoặc đào tạo cho các lãnh đạo trẻ của công ty, ông Viên luôn nhắc đi nhắc lại rằng rau củ, trái cây ngon thì côn trùng, nấm bệnh mới ăn. Công ty có thể chịu thiệt một chút, mất mát một chút nhưng phải thuận tự nhiên và tuyệt đối không được hủy diệt bất kỳ sự sống nào. Đây là quy tắc làm việc của Vinamit. Nhờ tuân thủ nghiêm quy tắc này mà trang trại của Vinamit ở Bình Dương, Đắk Nông, Đắk Lắk, Đà Lạt, Củ Chi, Kiên Giang luôn duy trì được hệ động thực vật phong phú: chim sáo, chim cu, cò từ các nơi tìm về làm tổ, kiếm ăn; trang trại ở Đà Lạt còn có cả thỏ hoang, heo rừng "vào cửa tự do".
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, nông nghiệp vì sự sống là vô tận, càng nghiên cứu càng thấy con đường phía trước dài tít tắp. Thỉnh thoảng ông cho phép mình tạm dừng để lắng lại và chuẩn bị kỹ càng cho cuộc hành trình tiếp theo. "Vậy, có giới hạn nào đối với canh tác thuận tự nhiên không?" - tôi hỏi. Ông Viên thẳng thắn trả lời là "có" bởi thuận tự nhiên trong canh tác nông nghiệp đòi hỏi phải có sự theo dõi, kiểm soát của con người, nếu không nguy cơ sẽ không còn gì để thu hoạch vì các loài "xơi" hết. Chưa kể không ít trường hợp lạm dụng xu hướng "thuận tự nhiên", áp dụng một cách máy móc và thất bại. Chẳng hạn, Đà Lạt có nhiều sương muối, nếu dỡ bỏ hết nhà màng để canh tác thì cây gặp sương muối sẽ không phát triển được.
Nông nghiệp không có đầu vào
Nông nghiệp không có đầu vào nói một cách dễ hiểu là nông nghiệp tuần hoàn theo vòng tròn khép kín, đầu vào của sản phẩm này là đầu ra của sản phẩm khác và ngược lại. "Vinamit hướng đến nông nghiệp không có đầu vào nhưng phải mất 3-5 năm nữa mới có thể vận hành được. Trước tiên, phải nuôi đủ số lượng động vật (cá, heo, bò, gà…) để ăn thực vật trên cánh đồng và dùng chính chất thải của những động vật này làm phân bón nuôi cây trồng" - ông Viên nói và tiết lộ đã dọn đường cho mình lui về làm nông nghiệp không có đầu vào.
Càng nhiều tuổi, càng đi sâu vào lĩnh vực sinh học, ông càng thôi thúc bản thân sống hòa mình vào thiên nhiên, được đi rừng, ra đồng với các kỹ sư trẻ thay vì ngồi nhà hàng, đi đánh golf tìm vui.
Mong muốn lớn nhất của ông hiện nay là làm ra được những sản phẩm chất lượng, hàm chứa sự sống và nuôi dưỡng sự sống đủ để phục vụ khách hàng của mình. Đầu tiên là tập trung vào thức ăn, thức uống, nếu thấy cần thiết có thể làm thêm cái để người ta hít thở (tinh dầu tự nhiên - PV). Trong chiến lược lần này, Vinamit dự kiến làm ngược lại những gì đã làm nên thành công vang dội của mặt hàng trái cây sấy của mấy chục năm trước: Sẽ chinh phục người tiêu dùng Việt trước khi giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng các nước. Lý do rất đơn giản là nếu bán cho nước ngoài đòi hỏi phải sản xuất số lượng lớn trong khi năng lực của các trang trại chưa thể tăng lên tương ứng. Hiện Vinamit đang xây dựng ngân hàng giống. "Trồng để hiểu được tập tính sinh học của mỗi loài, làm đầy hơn kho kiến thức của mình và ứng dụng vào sản xuất hiệu quả hơn, phục vụ cho kế hoạch dài hơi sau này" - ông chủ Vinamit chia sẻ.
Xem thêm: mth.43284014120201202-gnos-us-iv-peihgn-gnon/et-hnik/nv.moc.dln