Nhu cầu điện giảm khiến tăng trưởng phụ tải chỉ đạt mức thấp - Ảnh: EVN
Chỉ đạo được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tại văn bản do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký, gửi Bộ Công thương, các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời ở nước ta.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chịu trách nhiệm, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời mái nhà, xử lý ngay các vấn đề phát sinh chưa lường hết, không để xảy ra các hậu quả xấu.
Thực hiện kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà bảo đảm theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, nhất là các hành vi trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời áp mái thời gian qua.
Bộ Công thương cũng được yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý tốt nhất đối với nguồn năng lượng tái tạo, không để xảy ra việc có sơ hở trong các cơ chế, chính sách, hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành, hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế của nhà đầu tư và lãng phí nguồn năng lượng tái tạo.
Đồng thời rà soát tổng thể các nguồn điện hiện đang triển khai, cập nhật cân đối cung - cầu để quản lý quy hoạch, hoàn thiện các thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ đề án quy hoạch điện VIII đúng tiến độ quy định.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm theo đúng quy định pháp luật về phát triển điện mặt trời mặt đất và trên mái nhà; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này, thực hiện thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm.
Những yêu cầu trên được Thủ tướng đưa ra trên cơ sở việc phát triển nguồn điện mặt trời mặc dù có đóng góp tích cực cho đảm bảo cung ứng điện, song nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện.
Đặc biệt vào tháng 12-2020, tình trạng này gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta nên nhu cầu sử dụng điện giảm.
Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt khoảng 245,9 tỉ kWh, tăng khoảng 2,7% so với năm 2019 và giảm 15,6 tỉ kWh so với kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công thương phê duyệt vào cuối năm 2019.
Do những yếu tố trên, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác, có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư.
Thực tế đã có nhiều phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương án EVN dự kiến cắt giảm phát nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2021.
Theo số liệu từ EVN, đến cuối năm 2020 tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW, trong đó công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.
TTO - Tiêu thụ điện toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa trong các ngày Tết Tân Sửu xuống thấp chỉ còn 12.500 - 13.500MW trong khi nguồn điện toàn hệ thống (gồm điện mặt trời) đã lên tới mức 90.000MW.