Một quán ăn trong trung tâm thương mại Vincom đông nghẹt người ăn trưa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 17-2, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã mở cửa hoạt động. Thế nhưng do nhiều hàng quán vẫn còn đóng cửa (chưa đến ngày mở, hoặc lo ngại tình hình dịch bệnh) nên lượng nhân viên văn phòng tập trung về các trung tâm thương mại ăn trưa đông nghẹt.
Dịch vụ ăn uống đông khách
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại trung tâm thương mại Vincom (quận 1, TP.HCM) trưa 17-2, nhiều cửa hàng ăn uống đông nghẹt khách. Tình trạng không có bàn trống liên tục diễn ra. Các thực khách đến dùng bữa phải chờ khá lâu, trong khi nhân viên phục vụ "chạy không kịp thở".
Nhiều thực khách không chờ được đã chủ động vào các siêu thị mua đồ ăn nhanh "qua bữa" ngày đi làm đầu năm.
Cùng ngày, hầu hết chuỗi siêu thị, bán lẻ đã mở cửa hoạt động bình thường kèm giải pháp phòng chống dịch COVID-19. Các siêu thị Co.opmart, BigC, Vinmart… cho biết doanh số bán ra dịp tết tăng mạnh so với ngày thường, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm, tươi sống.
Bên cạnh các siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều quán ăn nổi tiếng tại TP.HCM vẫn liên tục đông khách cả ngày lẫn đêm như phở Lệ (quận 5), phở Yến (quận 11)...
Tương tự, các quán cà phê, từ quán cóc lề đường đến các chuỗi cà phê thương hiệu phổ dụng như My Life, HighLands, Passio, The Coffee House hay "sang chảnh" như Starbucks đều luôn đông khách đến nhâm nhi ly cà phê đầu năm.
Một quán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM đông khách trong ngày đầu người dân đi làm trở lại sau tết - Ảnh: NHẬT THỊNH
Nhà hàng, hoa lá sụt giảm doanh thu
Trong khi các dịch vụ ăn uống thường nhật đắt khách thì nhiều nhà hàng, tiệm hoa lại sụt giảm mạnh khách mua lẫn doanh thu.
Theo bà Hoàng Thanh Hương - đại diện Bach Restaurant (TP.HCM), lượng khách giảm mạnh những ngày đầu dịch bệnh, dù khách hiện đông hơn nhưng vẫn còn vắng.
Khó khăn trong kinh doanh do dịch COVID-19 khiến đơn vị hiện phần lớn tập trung vào kết nối các đơn vị kinh doanh online để giao hàng tận nơi nhằm bù đắp phần nào. Nhưng tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài do tâm lý lo lắng của người dân, kinh tế cũng khó khăn hơn.
Tương tự, ông Thịnh, đại diện chuỗi nhà hàng Lẩu gà 109 (TP.HCM), cho biết sức mua hiện chỉ bằng phân nửa so với bình thường, một phần do nhiều người dân nghỉ tết chưa trở lại thành phố, phần nữa e ngại dịch bệnh nên hạn chế ra ngoài hơn so với bình thường.
Ông Trần Văn Trường, giám đốc chuỗi siêu thị hải sản Hoàng Gia (TP.HCM), cũng cho biết nhu cầu đối với hải sản đang gặp khó khăn do lượng khách sỉ chủ yếu là các nhà hàng giảm đến hơn 80% so với bình thường vì ảnh hưởng dịch bệnh.
"Hiện số lượng nhà hàng mở cửa rất khiêm tốn do dịch COVID-19. Trong khi đó, giá một số loại thủy hải sản có xu hướng tăng do hụt nguồn cung khiến việc kinh doanh gặp khó", ông Trường thông tin.
Trước đó, vào Lễ tình nhân 14-2, nhiều cửa hàng hoa "ngó lơ", không buôn bán vì trùng với mùng 3 Tết, khó nhập hoa tươi về, chủ yếu là hoa để kho mát. Một số cửa hàng vẫn mở bán cho biết sức mua cũng giảm hẳn.
Không chỉ hoa mà các mặt hàng như gà luộc, heo quay… để cúng dịp năm mới cũng không đắt hàng như mọi năm khi nhiều chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu, hoặc đang đợi xem tình hình dịch diễn ra như thế nào mới quyết định mở cửa trở lại.
Đông khách đến cửa hàng sửa chữa, mua sắm điện thoại mới trong ngày 17-2 - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Cửa hàng bán lẻ di động: đông khách "như chưa hề có cuộc Cô-Vi"
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều cửa hàng bán lẻ điện thoại và phục vụ sửa chữa, bảo hành điện thoại đã thu hút đông khách ngay từ những ngày đầu năm.
Tại hệ thống Di Động Việt và Minh Tuấn Mobile vào dịp đầu năm mới, lượng khách hàng đến mua sắm khá đông. Nhu cầu phần lớn là mua sắm điện thoại mới và cần hỗ trợ xử lý kỹ thuật do sự cố trong quá trình sử dụng trong tết.
Đại diện Di Động Việt cho biết khách hàng đến mua máy mới do chưa kịp mua sắm trước tết cũng như nhờ tích lũy được một số tiền trong tết nên mua sắm những dòng đời cao để sử dụng cho cả năm tiếp theo, còn những dòng máy đời thấp sẽ được một số khách mua dùng tạm…
Dòng sản phẩm bán tốt chủ yếu là iPhone 12 Pro Max, iPhone 11 cùng Samsung S21 Ultra và một số dòng sản phẩm giá thấp như Vsmart Live 4.
Còn tại hệ thống FPT Shop, dù chỉ mới mở bán từ mùng 4 Tết (15-2) nhưng đến thời điểm này đã ghi nhận kỷ lục doanh thu khi tăng 150% so với 2 ngày cùng kỳ mở bán sau Tết Nguyên đán năm 2020. Đây cũng là lần đầu tiên số bán trung bình 2 ngày sau tết bằng trung bình bán 3 tuần cao điểm ngay trước tết tại hệ thống này.
Theo đại diện FPT Shop, đóng góp lớn vào doanh thu kỷ lục này là tăng trưởng từ máy tính xách tay. Lý do là nhiều công ty cho nhân viên làm việc từ xa tại nhà cũng như việc học sinh phải học online tại nhà đến hết tháng 2 đã khiến nhu cầu máy tính tăng rất cao.
TTO - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã quyết định đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê, trà đá… từ 0h ngày 16-2. Ông Dũng nói đây là biện pháp cấp bách phòng chống dịch và đề nghị người dân chia sẻ, thông cảm.
Xem thêm: mth.99474028171201202-05-maig-ion-tehgn-gnod-ion-man-uad-gnourt-iht/nv.ertiout