vĐồng tin tức tài chính 365

Mỹ đối phó sao với chiến lược “Vành đai và Con đường”?

2021-02-18 05:29

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), được Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình công bố vào năm 2013, là cơ sở hạ tầng thương mại khổng lồ nhằm liên kết TQ với châu Âu, châu Phi và châu Á thông qua một loạt cảng, đường sắt, đường bộ. TQ muốn liên kết các nền kinh tế bằng một mạng lưới thương mại toàn cầu, trong đó nước này đóng vai trò trung tâm.

Theo Diễn đàn học thuật quốc tế Đông Á (EAF), BRI không chỉ giúp xây dựng thương hiệu cho TQ và giới lãnh đạo nước này mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều doanh nghiệp nhà nước. 

Mỹ đối phó sao với chiến lược “Vành đai và Con đường”? - ảnh 1
Quốc kỳ Trung Quốc tại một công trình đường sắt ở thị trấn biên giới Khorgos của Kazakhstan. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc học hỏi chiến lược của Mỹ?

Đáng chú ý, đây được cho là chiến lược an ninh quốc gia vận dụng các chính sách của Mỹ từ thời Chiến tranh lạnh nhưng phù hợp với tình hình hiện tại của TQ.

Trong thời Chiến tranh lạnh, Mỹ thiết lập một mạng lưới thúc đẩy quan hệ với các đồng minh, trong đó mình đóng vai trò là trung tâm và lấy hệ thống tiền tệ Bretton Woods (kéo dài từ năm 1944 đến 1971) làm cốt lõi. Hệ thống tiền tệ Bretton Woods được lập năm 1944 tại hội nghị quốc tế gồm 44 nước tham gia tại Bretton Woods, bang New Hampshire (Mỹ), đã vận hành với hai thể chế toàn cầu vẫn đang đóng vai trò quan trọng cho đến ngày nay: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Hệ thống này cũng đã gắn tất cả đồng tiền trên thế giới với đồng USD với tính thanh khoản toàn cầu và khả năng thiết lập các giá trị chung.

Tuy nhiên, Mỹ đã ngủ quên trên chiến thắng này. Quốc hội Mỹ liên tiếp trì hoãn việc tăng vốn cho các thể chế thuộc hệ thống Bretton Woods. Với quan điểm thiếu thiện cảm với TQ và các cường quốc mới nổi khác, Quốc hội Mỹ đã không thay đổi phương thức quản trị để tương thích với xu thế phát triển kinh tế toàn cầu hiện đại. Các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều cho rằng sự suy giảm công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất là do quá trình toàn cầu hóa và do TQ.

 

138

là số quốc gia tham gia vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” của TQ tính đến thời điểm này.

Điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng xã hội tại Mỹ, khiến sự ủng hộ của người dân đối với chiến lược vốn từng đem lại thành công cho nước Mỹ dần suy giảm, đồng thời khiến căng thẳng Mỹ - Trung trở nên trầm trọng hơn. Vai trò của các thể chế trong hệ thống Bretton Woods dần suy yếu, tạo ra không ít lỗ hổng.

TQ đã chớp thời cơ và lấp đầy khoảng trống của Mỹ bằng cách thành lập một thể chế tài chính là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Sáng kiến này của Bắc Kinh được xây dựng để tương thích với hệ thống Bretton Woods.

BRI được cho là khá tương đồng với hệ thống Bretton Woods, bao gồm các ngân hàng phát triển cung cấp nguồn vốn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và nỗ lực tạo ra các tiêu chuẩn chung trong hệ thống đường sắt, thủ tục hải quan, công nghệ thông tin và nhiều vấn đề khác. BRI cũng nhắm đến việc thúc đẩy toàn cầu hóa đồng nhân dân tệ, xây dựng một hệ thống hoán đổi tiền tệ để bổ sung hoặc thay thế các khoản vay khẩn cấp của IMF, cũng như thành lập các thể chế tự do hóa thương mại và đầu tư. Theo EAF, Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần quyết tâm tạo ra một thể chế chất lượng cao nhưng không lặp lại những chính sách cứng nhắc của WB.

Mỹ sẽ đối phó BRI ra sao?

Theo EAF, Mỹ có ba cách tiếp cận khả thi để đối phó BRI. Một, Mỹ có thể cạnh tranh với sáng kiến này. Đây là một cuộc chơi, trong đó Mỹ cần tìm kiếm sự tham gia của các quốc gia như Nhật nếu muốn giành phần thắng. Ví dụ, TQ gần đây đàm phán với Indonesia về một thỏa thuận xây dựng nhà máy điện với công nghệ có chất lượng hạng hai, chi phí cao và đòi hỏi sự đảm bảo của chính phủ. Tuy nhiên, Nhật sau đó đã giành được gói thầu với công nghệ hạng nhất, giá cả hợp lý, thể hiện độ tin cậy và tính khả thi. 

 

Tham vọng BRI của Trung Quốc đang lung lay?

Theo tạp chí The National Interest, hiện có các dấu hiệu cho thấy TQ đang rút lại các khoản hỗ trợ vay vốn cho nhiều dự án lớn của BRI, một bước lùi trong tham vọng mở rộng ảnh hưởng của nước này.

“Dự án thế kỷ của TQ có thể không kéo dài thêm một thập niên nữa” - nhà bình luận Gordon G. Chang trao đổi với The National Interest.

Tờ Financial Times dẫn số liệu từ ĐH Boston (Mỹ) cho biết hoạt động cho vay của hai trong số những “ngân hàng chính sách” của Bắc Kinh là Ngân hàng Phát triển TQ và Ngân hàng Xuất nhập khẩu TQ đã “sụp đổ”, giảm từ 75 tỉ USD năm 2016 xuống còn 4 tỉ USD vào năm 2019. Hai ngân hàng này chiếm phần lớn các khoản cho vay phát triển ở nước ngoài của Bắc Kinh.

TQ đang nhận ra rằng nguồn lực tài chính của mình dần bị thu hẹp. Các ngân hàng TQ phải đối mặt vấn đề nợ xấu vì quá lỏng lẻo trong các quy định về tín dụng. Hầu hết các khoản cho vay đều không đáp ứng chặt chẽ các tiêu chuẩn của AIIB. Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ và các chính sách công nghệ thiếu minh bạch của TQ ngày càng khiến các quốc gia có cái nhìn tiêu cực với BRI.

Hai, Mỹ có thể vừa cạnh tranh vừa hợp tác như cách nước này từng thực hiện khi đối mặt tình trạng cạnh tranh kinh tế với Nhật vào những năm 1980. Thời điểm đó, Nhật đã cạnh tranh không công bằng theo đúng những cách mà TQ hiện nay đang thực hiện: viện trợ có ràng buộc, trợ cấp và lãi suất thấp. Tuy nhiên, thông qua đàm phán về các tiêu chuẩn chung, kết quả là Mỹ và Nhật đều tìm được tiếng nói chung. Mỹ vẫn có thể áp dụng cách tiếp cận này với TQ, vì Bắc Kinh hiện đang đối mặt những vấn đề tương tự với Nhật về khả năng cạnh tranh, tính bền vững và uy tín.

Ba, Mỹ có thể đứng ngoài cuộc chơi BRI và chỉ trích sáng kiến này. Cho đến nay, đây vẫn là cách đối phó chính của Washington.

BRI chủ yếu mang lại lợi ích cho những quốc gia mà thành công của các thể chế trong hệ thống Bretton Woods ít chạm tới, như tại khu vực Trung Á, Trung Đông và châu Phi. Chiến lược kết nối mạng lưới cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn cầu này phức tạp hơn so với hệ thống Bretton Woods của Mỹ vốn dựa trên tầm nhìn mang tính song phương.

Tuy nhiên, EAF cũng cảnh báo rằng tuy BRI còn tồn tại nhiều thiếu sót và mâu thuẫn, song nếu TQ là quốc gia duy nhất đưa ra một chiến lược hiện đại và đáp ứng nhu cầu của các nước, họ sẽ tiếp tục lấp đầy những khoảng trống mà nước Mỹ để lại.•

Xem thêm: lmth.217769-gnoud-noc-av-iad-hnav-coul-neihc-iov-oas-ohp-iod-ym/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Mỹ đối phó sao với chiến lược “Vành đai và Con đường”?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools