Khai xuân trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp đều đang triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng chống dịch, để vừa đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên, vừa đảm bảo tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để công tác phòng chống dịch hiệu quả, sự hợp tác và phối hợp tốt giữa doanh nghiệp và người lao động luôn đóng vai trò then chốt.
Với sự đồng thuận của người lao động, giai đoạn phòng dịch lại là giai đoạn tập trung sản xuất hơn bao giờ hết. Tại nhiều doanh nghiệp, trước mỗi ngày chỉ làm thêm có 1 tiếng thì giờ là 2 tiếng để luôn có lượng hàng dự phòng cần thiết. Quan trọng là sự linh hoạt trong bố trí sản xuất, nhất là khi có trường hợp F1-F3 phải cách ly.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết: "Chúng tôi phải đào tạo đa kỹ năng tay nghề trong thời gian ngắn để người lao động có thể làm nhiều thao tác thay vì trước kia chỉ 1 thao tác. Cán bộ tổ cũng phải rất linh hoạt trong việc sắp xếp nhân sự".
Thay đổi linh hoạt để có sự dự phòng về lao động, dự phòng về thành phẩm và chắc chắn, dự phòng về tài chính, là những bài toán đã được doanh nghiệp tính đến.
Ảnh minh họa: Báo Đầu tư
Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội, chia sẻ: "Trong ngắn hạn các doanh nghiệp đều có phòng trừ rủi ro, tức là lập quỹ phòng trừ 5%. Còn trung và dài hạn họ làm việc với ngân hàng nên khi dịch COVID-19 quay lại, họ ở thế tương đối chủ động".
Bên cạnh đó, các hình thức làm việc trực tuyến cũng được tận dụng triệt để. Với kinh nghiệm 1 năm phòng chống COVID -19, các doanh nghiệp và tập thể người lao động vẫn đang làm mọi cách để có thể để giữ vững mục tiêu "kép" vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất trong năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!