Các chính phủ, công ty và hộ gia đình đã huy động được 24.000 tỷ USD vào năm ngoái để bù đắp thiệt hại của đại dịch, nâng tổng số nợ toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại là 281.000 tỷ USD vào cuối năm 2020, hay hơn 355% GDP toàn cầu, theo tính toán của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington, Mỹ.
Giám đốc nghiên cứu bền vững Emre Tiftik và nhà kinh tế Khadija Mahmood của viện này cho rằng, thế giới có ít lựa chọn ngoài việc sẽ tiếp tục vay vào năm 2021. Ngay cả khi vaccine được tung ra, chính sách lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương vẫn sẽ duy trì trên mức trước đại dịch.
Các chính phủ có thâm hụt ngân sách lớn dự kiến tăng nợ thêm 10.000 tỷ USD trong năm nay do áp lực chính trị và xã hội, đẩy gánh nặng nợ của nhóm này lên tới 92.000 tỷ USD vào cuối năm 2021, IIF ước tính. "Thách thức quan trọng nhất là tìm ra một chiến lược được thiết kế thật tốt để thoát khỏi các biện pháp tài khóa đặc biệt này", ông Emre Tiftik đánh giá.
Cả thị trường trưởng thành và mới nổi đều sẽ phải tìm kiếm sự cân bằng hoàn hảo. Kinh tế phục hồi có thể khiến một số chính phủ bắt đầu phát triển các chiến lược để kích thích trở lại, nhưng làm quá sớm có thể tăng nguy cơ vỡ nợ và phá sản. Còn chờ đợi quá lâu có thể dẫn đến nợ nần chồng chất khó xử lý.
Theo IIF, tỷ lệ nợ trên GDP của ngành phi tài chính ở Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp tăng mạnh nhất trong các nền kinh tế trưởng thành, do các chính phủ nhanh chóng tăng cường vay nợ.
Tại các thị trường mới nổi, Trung Quốc chứng kiến tỷ lệ nợ tăng mạnh nhất trong năm ngoái, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Riêng Nam Phi và Ấn Độ có tỷ lệ nợ chính phủ tăng mạnh nhất trong năm 2020. Tích lũy nợ công ty lớn nhất là Peru và Nga.
Phiên An (theo Bloomberg)