Chỉ cần một dòng thông tin ngắn gọn thông báo trên facebook của một nhóm mở: “Cần người dự hội thảo 30 phút, lương 50.000 đồng”, hàng chục bạn trẻ nhanh tay đăng ký. Tôi tò mò tham gia để trải nghiệm.
Việc nhẹ, lương cao
Ngày cuối tuần, chợt thấy bài đăng của một thành viên nhóm Dự hội thảo thông báo cần gấp 50 nam nữ tuổi từ 18 đến 35 tham dự chương trình về bánh mì ở Q.1 (TPHCM). Ngay lập tức, tôi gọi điện thoại đăng ký, đầu dây bên kia nói gấp: “Em qua nhanh nha, đủ số lượng là anh chốt!”.
Hộc tốc chạy tới nơi, tôi thấy đã đông các bạn trẻ đang ghi phiếu đăng ký. Ngồi chờ đến lượt, tôi tranh thủ bắt chuyện với Hương (20 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Q.1, TPHCM), được biết, nơi này chủ yếu khảo sát người dùng về một sản phẩm sắp ra mắt. “Mình trải nghiệm sản phẩm rồi cho ý kiến là chính, thời gian tầm 20-30 phút là xong. Tiền công thường từ 50.000 đến 100.000 đồng tùy loại và được quy thành phiếu quà tặng, phiếu mua hàng”, Hương nói.
Thanh Thảo (20 tuổi, trọ ở Q.10, TPHCM) tìm đến và làm việc này được 2 tháng nay sau một lần tình cờ lướt facebook. “Lúc đầu em cũng sợ lừa đảo, nhưng tham gia mấy lần nên dần quen việc. Bây giờ em kết nối với nhiều nhóm tuyển người dự hội thảo và có việc làm thường xuyên, chủ yếu là vào các ngày cuối tuần nên không ảnh hưởng đến việc học”, Thảo nói.
Lần này chúng tôi được đề nghị ăn thử bánh mì tươi, sau đó trả lời vào bảng câu hỏi về độ xốp, mềm, ngọt… Khoảng 20 phút xong việc, người tham gia được trả tiền bằng thẻ điện thoại trị giá 50.000 đồng. Vừa xong sô này, một người rủ tôi chạy sô uống thử bia dành cho nữ tổ chức tại Q.Bình Thạnh (TPHCM). Số lượng chỉ 20 người đến sớm nhất nên chúng tôi phải nhanh chân… chạy. Sau 2 sô, tôi kiếm được 150.000 đồng và đều là hiện vật.
"Mình đã tham gia rất nhiều hội thảo giới thiệu các sản phẩm. Nhiều khi để kê khai đăng ký phù hợp với đối tượng mà công ty tuyển dụng đang cần, mình phải đổi cả họ tên, năm sinh, nghề nghiệp, địa chỉ nhà... Lúc nào hên thì vào suôn sẻ còn nếu người ta phát hiện thì bị đuổi về".
Hiểu Đồng (sinh viên Đại học Thể dục thể thao TPHCM)
Theo tìm hiểu, đây là hình thức nghiên cứu thị trường do một số công ty chuyên về lĩnh vực này tổ chức. Thông thường, họ sẽ nhận đặt hàng từ doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu nghiên cứu về một sản phẩm/dịch vụ hoặc thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Nhiệm vụ của các công ty nghiên cứu thị trường là tìm kiếm những người phù hợp với yêu cầu của khách hàng để phỏng vấn, thu thập thông tin; thậm chí là làm “mồi” để tạo không khí sôi nổi, rôm rả nhằm câu khách.
Nhiệm vụ của người tham dự chủ yếu là đăng ký tên tham gia, đến hội thảo đúng giờ, ngồi đợi đến lượt vào trả lời một số câu hỏi và nêu ý kiến đánh giá của bản thân về sản phẩm hay dịch vụ sắp ra mắt. Mỗi hội thảo tiêu dùng có khi cần cả trăm người tham gia, kéo dài 2-3 ngày. Tùy thuộc vào thời gian và đối tượng tham gia mà công ty tổ chức sự kiện có mức trả thù lao khác nhau, dao động từ 50.000 đến 200.000 đồng/người/hội thảo. Nếu thời gian tham gia dài và người cần tìm khó hơn, mức thù lao sẽ cao hơn.
Lắm chiêu trò
Tại hội thảo bánh mì mà tôi tham dự, tư vấn viên hỏi đang ở chung với ai, tôi trả lời “ở một mình”, người này liền “nói nhỏ”: Yêu cầu người tham gia là phải có gia đình, nên em khai là ở với chồng, đang làm nghề xây dựng, còn mình làm công nhân. Tổng thu nhập 25 triệu đồng/tháng... Tôi đành khai không chuẩn về lý lịch cho phù hợp với tiêu chí người khảo sát. Đa số người tham gia đều được yêu cầu “khai gian” để đủ tiêu chuẩn vào hội thảo.
“Do có nhiều người dự 3-4 sự kiện trong một tuần nên để hạn chế, các công ty nghiên cứu thị trường đưa ra một số yêu cầu, như các ứng viên không được tham gia hội thảo của cùng một công ty trong vòng một năm. Nếu không có chiêu trò, ít mẹo vặt để lách yêu cầu, tụi mình không thể tham gia các buổi hội thảo tổ chức gần nhau, hoặc trùng sản phẩm”, Hùng (30 tuổi, ngụ Q.5) nói với lính mới là tôi. Đơn cử như thủ sẵn 2-3 số điện thoại, nếu chương trình không yêu cầu kiểm tra chứng minh thư thì mình có thể khai tên khác… “Có gian lận đôi chút về người tham gia nhưng nói chung vẫn không ảnh hưởng đến sản phẩm”, Hùng trấn an.
Một số hội thảo dành cho đối tượng có thu nhập cao, như các hội thảo về xe hơi, mỹ phẩm cao cấp, du lịch nước ngoài,... thì các ứng viên được tặng từ 500.000 đến 1 triệu đồng (đều là phiếu mua hàng siêu thị hoặc quà, không phải tiền mặt). Hầu hết ứng viên sau khi tham dự hội thảo đều kết bạn (add friend) với các tuyển dụng viên trên mạng xã hội để tiện theo dõi thông tin mời đăng ký hội thảo tiếp theo.
Có người “chạy sô” dự hội thảo rất chuyên nghiệp, 3-4 nơi/ngày là bình thường. “Mỗi hội thảo như vậy, mình chỉ phải tham gia 20 phút và được trả thù lao chừng 50.000 đồng nhưng thời gian ngồi đợi có khi đến 1-2 tiếng. Thường xuyên có các hội thảo như vậy diễn ra, cứ 1 - 2 ngày lại có, do vậy mình phải sắp xếp thời gian để chạy sô”, Thùy Chi (27 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) cho hay.
(còn nữa)
Uyên Phương
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.4701608081201202-euht-oaht-ioh-ud-al-cod-ehgn-iov-neyud-neb-iougn-gnuhn/nv.zibefac