Cụ thể, vào chiều 17-2, tức chiều mùng 6 Tết, giá vàng SJC dù giảm 100.000 đồng/lượng về mức 56,9 triệu đồng/lượng nhưng lại cao hơn giá thế giới tới 7,5 triệu đồng/lượng.
Đến sáng nay 18-2, tức mùng 7 Tết, mức chênh lệch có thu hẹp nhưng vẫn còn rất cao. Cụ thể, lúc 11 giờ, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết phổ biến mua vào 56,3 triệu đồng/lượng, bán ra 56,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K ở mức 54,35 triệu đồng/lượng mua vào, 54,9 triệu đồng/lượng bán ra.
Cùng thời điểm này, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.782 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết sáng nay vào khoảng 49,6 triệu đồng/lượng, tức thấp hơn vàng SJC tới 7,1 triệu đồng/lượng và thấp hơn 5 triệu đồng/lượng so với vàng trang sức.
Vì sao có mức chênh lệch kỷ lục này?
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), lý giải trước ngày Thần Tài mùng 10 tháng Giêng âm lịch (ngày 21-2) giá vàng SJC khó giảm bởi thời gian qua doanh nghiệp nào cũng mua vào lượng vàng lớn để làm sản phẩm vàng phục vụ cho ngày Thần Tài như Vàng miếng Thần Tài, Ông Thần Tài, Trâu vàng, vàng nhẫn trơn… "Mua vào vàng nguyên liệu từ mấy tháng trước giá cao nên doanh nghiệp sẽ không hạ giá xuống cùng nhịp với thế giới ở thời điểm hiện tại.
Mỗi lượng vàng SJC đang cao hơn thế giới trên 7 triệu đồng
"Giá vàng trong nước cũng được neo cao khi doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro người dân đổ xô đi mua trong ngày Thần Tài. Quan trọng là lực mua trong ngày Thần Tài thường cao, trong khi nguồn cung vàng không tăng. Ai cũng nghĩ vàng còn tăng giá nên không vội bán ra lúc này" - ông Nguyễn Ngọc Trọng nói.
Thực tế, các doanh nghiệp đang không chỉ bán vàng SJC giá cao mà cũng mua vào giá cao, thể hiện qua biên độ chênh lệch giá mua - bán khoảng 500.000 đồng/lượng. Do nguồn cung khan hiếm nên các doanh nghiệp sẵn sàng mua vàng giá cao nhưng thị trường vẫn vắng người bán. Do đó, từ giờ đến ngày Thần Tài, giá vàng SJC được dự báo còn tiếp tục neo ở mức cao.
Một số doanh nghiệp thừa nhận mức chênh lệch quá cao của giá vàng trong nước với thế giới như hiện nay sẽ kích thích nhu cầu nhập vàng biên mậu, kéo theo giá USD cũng căng thẳng không kém.
Thực tế, giá USD trên thị trường tự do đã tăng đáng kể thời gian qua. Sáng 18-2, giá USD tự do tại TP HCM được một số tiệm vàng, điểm thu đổi ngoại tệ giao dịch quanh 23.750 đồng/USD mua vào, 23.900 đồng/USD bán ra, tăng khoảng 45 đồng/USD so với cuối ngày hôm qua.
"Dù vậy, hiện các doanh nghiệp đang giao dịch vàng nguyên liệu 99,99 ở mức khoảng 54 triệu đồng/lượng, vẫn cao hơn giá thế giới tầm 5 triệu đồng/lượng, phản ánh vàng biên mậu không về nhiều" - đại diện một doanh nghiệp phân tích.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty SJC Phú Thọ, cho rằng mấy tháng nay, giá vàng trong nước đã cao hơn giá thế giới từ 4-6 triệu đồng/lượng do nguồn cung khan hiếm. Bởi, từ nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã không cấp phép nhập khẩu vàng theo đường chính thức để sản xuất vàng miếng SJC và vàng trang sức mỹ nghệ.
Trong khi đó, việc siết chặt quản lý đường biên mậu và bắt một số vụ buôn lậu vàng lớn thời gian qua cũng góp phần khiến nguồn cung vàng nguyên liệu không còn dồi dào như trước.
Nhìn ở góc độ khác, một chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho rằng thị trường vàng trong nước và thế giới đã không có sự liên thông từ nhiều năm qua. Thị trường chỉ còn một thương hiệu vàng miếng SJC được công nhận, người dân không bán ra nên sẽ có cách biệt lớn với thế giới khi thiếu vắng nguồn cung.