Ông Lê Minh Hoan phát biểu kết luận buổi làm việc - Ảnh: CHÍ QUỐC
Sáng 18-2, ông Lê Minh Hoan - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) dẫn đầu đoàn công tác của bộ làm việc với giám đốc Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL để triển khai một số nhiệm vụ đầu năm mới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Hoan chia sẻ và gợi mở nhiều vấn đề về phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có đề xuất thành lập nhóm chung.
Ông Hoan nói: "Liên kết vùng trước tiên là liên kết không gian kinh tế của vùng. Hạ tầng chỉ là điều kiện cần chứ không là điều kiện đủ. Trong đó không gian kinh tế nông nghiệp của 13 tỉnh, thành này vừa tương đồng vừa khác biệt thì phải làm sao.
Tác nhân liên kết vùng trong không gian kinh tế nông nghiệp chính là các đồng chí giám đốc sở ngồi ở đây. Cần lập nhóm tham mưu của giám đốc sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành ĐBSCL, có gì hay thì chia sẻ lên và chia sẻ hằng ngày, đâu cần thiết lúc nào cũng phải gặp nhau".
Ông Hoan cũng bày tỏ mong muốn thành lập một trung tâm giới thiệu nông sản toàn vùng ĐBSCL tại Hà Nội. Theo ông Hoan, hiện nay chỉ có tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong vùng xây dựng trung tâm giới thiệu nông sản, đặc sản của mình tại Hà Nội và "rất thành công".
"Tôi suy nghĩ cả đồng bằng sông Cửu Long hiện diện tại Hà Nội, sản phẩm OCOP (trong chương trình mỗi xã một sản phẩm) có mặt ngoài kia để luân chuyển dòng sản phẩm của nhau. Tôi có bàn với đồng chí bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, đồng chí bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân và một vài bí thư tỉnh ủy là cần có một địa điểm ngoài đó dành cho 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Mỗi tỉnh, thành có nhiệm vụ trong một tháng làm sự kiện văn hóa địa phương mình để tạo hình ảnh, điểm nhấn. Tháng này Cần Thơ nói về chủ đề gạo trắng nước trong, tháng sau Bạc Liêu sẽ có chương trình nói về "khúc ca tình yêu" chẳng hạn, kèm theo hình ảnh, sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Lúc đó sẽ mở ra được thị trường nội địa 100 triệu dân.
Thủ tướng hay nhắc chúng ta đừng quên thị trường 100 triệu dân của nước mình. Các đồng chí về báo cáo lãnh đạo tỉnh, khi dịch yên ắng sẽ gặp nhau bàn sâu về vấn đề này", ông Hoan nói.
Đỉnh mặn rơi vào cuối tháng 2, đầu tháng 3
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Viện khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cung cấp thông tin về tình hình thời tiết, thủy văn trong thời gian tới, phục vụ việc điều hành của các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Theo đó, đỉnh mặn cao nhất của năm 2021 sẽ rơi vào khoảng thời gian từ 25-2 đến 4-3. Dự đoán hạn, mặn năm nay tương đương năm 2016, thấp hơn năm 2020.
Nhiều cống ở ĐBSCL đã được vận hành đóng lại để ngăn mặn - Ảnh: CHÍ QUỐC
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cho biết đã đưa ra một số vùng có rủi ro trong sản xuất lúa như Long An có 1.500ha, Trà Vinh 15.000ha, Bạc Liêu 25.000ha. Trong khi vùng rủi ro về trái cây rơi vào các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Nếu không chủ động dự trữ nguồn nước, sẽ tác động tới năng suất, gây chết vùng cây ăn trái.
Kèm theo đó là các khuyến cáo cần làm ngay bây giờ như tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt bằng cách xây dựng các hồ chứa phân tán (như cách Bến Tre đã làm năm 2020); nâng cấp hệ thống thủy lợi, chủ động nguồn nước cho từng vùng ngọt, lợ (đối với vùng giữa ĐBSCL); tăng cường khả năng cấp nước ngọt, trữ nước tại chỗ đối với những vùng ven biển…
TTO - Độ mặn giảm nhưng lại xâm nhập sâu, có nơi tới 88km vào đất liền, ngành chức năng ở Đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo tranh thủ trữ nước ngọt ngay để đối phó tình trạng khô hạn và mặn xâm nhập thời gian tới.