Sonny Vũ - Lê Diệp Kiều Trang được biết đến như "cặp đôi vàng trong làng khởi nghiệp" của Việt Nam. Họ đã cùng nhau sáng lập và điều hành nhiều công ty khởi nghiệp, trong đó nổi bật như AgaMatrix (startup có doanh thu gần 100 triệu USD) và Misfit (cùng với John Sculley – cựu CEO Apple, và được mua lại với giá 260 triệu USD).
Thời gian gần đây, cặp vợ chồng này tiếp tục một hành trình mới khi sáng lập quỹ đầu tư Alabaster và điều hành startup Arevo (Mỹ) - doanh nghiệp duy nhất trên thế giới sở hữu công nghệ sản xuất sản phẩm bằng phương pháp in 3D với nguyên liệu sợi cacbon. Arveo dự kiến cũng sẽ đầu tư nhà máy in 3D tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Là doanh nhân nổi tiếng tại Thung lũng Silicon nhưng trong một cuộc trò chuyện với VnExpress, Sonny Vũ tiết lộ anh không thích đọc sách kinh doanh.
"Tôi nghĩ những quyển sách kinh doanh phần lớn đều không đáng đọc. Thường chỉ cần nhìn vào tựa đề một cuốn sách thôi, ta đã biết hết về nó rồi".
Tuy nhiên, có một cuốn sách hiếm hoi được vị doanh nhân này yêu thích nhất là The Innovation Stack (Thành trì sáng tạo) của Jim McKelvey.
"Tôi thường đùa rằng mình phải đọc cuốn sách này vì tác giả của nó, Jim McKelvey, là bạn của mình. Nhưng nó thật sự rất thú vị, đó là một trong số ít những cuốn sách mà tôi thích".
Jim McKelvey chính là người sáng tạo ra "cục nhựa vuông" giúp đọc thẻ tín dụng vào những năm 2009 - 2011, và sau đó là ví điện tử rồi quỹ đầu tư Square Capital. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh thu công ty của Jim McKelvey đã vượt 2,6 tỷ USD, cổ phiếu chạm kỷ lục 90 USD, nâng tổng giá trị của tập đoàn lên hơn 10 lần chỉ trong vòng 4 năm.
Nội dung cuốn sách The Innovation Stack nói rằng để xây dựng một doanh nghiệp có giá trị hay bất cứ điều gì có giá trị, chúng ta cần không chỉ một mà là một loạt các yếu tố sáng tạo. Từ đó, chúng ta trở nên thật sự độc đáo và khó bắt chước.
Sonny Vũ
Sonny Vũ - vị CEO của Arevo nhận thấy nhiều người lo sợ việc ý tưởng hay mô hình kinh doanh của mình bị sao chép nhưng thực tế, nếu có nhiều ý tưởng sáng tạo để giải quyết nhiều vấn đề, người khác cũng sẽ phải giải quyết được những vấn đề đó thì mới cạnh tranh được với chúng ta.
"Điều này thật sự đúng với các công ty giá trị nhất trên thế giới, họ không chỉ cần có duy nhất mà là hàng loạt các yếu tố khác biệt".
Ngoài ra, để ra mắt một sản phẩm mới hay thương hiệu mới, có 2 điều quan trọng nhất là: độc đáo và đáng mong mỏi. Nhiều người thường nhầm lẫn giữa sự khác biệt và sự độc đáo. Tuy nhiên, sự khác biệt có thể hiểu là một sản phẩm nhưng có nhiều tính năng khác nhau, khác với những sản phẩm còn lại trên thị trường. Trong khi đó, điều quan trọng hơn là phải có sự độc đáo, để sản phẩm trở nên nổi bật, thay vì đơn thuần chỉ có khác biệt.
Hoàng Thuỳ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị