Lội xuống dưới tham chiếu ngay từ đầu phiên, VNIndex mất hơn 7 điểm khi chứng kiến lực bán mạnh chốt lời T+3, hôm nay hàng bắt đáy phiên ngày 8/2 đã về tài khoản.
Tuy vậy, nhờ lực mua trở lại, chỉ số được hồi phục dù sự phân hóa lớn vẫn diễn ra ở các nhóm cổ phiếu lớn. VN30 tăng kém trong sáng nay, phân hóa mạnh với 14 mã giảm giá, 2 mã đứng giá và 14 mã tăng. Nhiều mã lớn đều giảm đáng kể như VIC, VCB, VNM, ACV.
GVR tiếp tục có một phiên tăng trần trong hôm nay, cổ phiếu này đã trần hai phiên liên tiếp nhờ phản ứng từ thông tin lọt vào rổ MSCI Frontier Markets Index trong kỳ review đầu tiên của năm 2021, có hiệu lực từ 1/3 tới.
Nhóm ngân hàng phân hóa mạnh khi BID, TCB, MBB, HDB vẫn tăng giá trong khi nhiều mã như VCB, CTG, VPB, ACB sụt giảm. Dù vậy đây vẫn là ngành được giao dịch nhiều khi STB, MBB và TCB, SHB được giao dịch với khối lượng lớn.
Nhóm dầu khí tiếp tục được mua bán tích cực trong phiên hôm nay. Khối lượng giao dịch của PVD, PVD, BSR cao đứng top đầu toàn thị trường, trong đó PVS, PVD được giao dịch hơn 21 triệu đơn vị chỉ trong buổi sáng.
VN-Index kết phiên sáng với 267 mã tăng/157 mã giảm, chỉ số tăng 6,47 điểm lên ngưỡng 1.162 điểm. Giá trị khớp lệnh đạt 9.668 tỷ đồng.
Sức nóng dần hạ nhiệt, chỉ số đầu phiên chiều chỉ giao động quanh ngưỡng 1.162 điểm. Độ rộng thị trường co hẹp hơn khi số mã tăng giảm bớt so với cuối phiên sáng. Tuy nhiên đến giữa phiên, sức mua trở lại đẩy chỉ số tăng mạnh hơn vượt quá mức đỉnh trong phiên sáng.
Đóng góp lớn trong phiên đến từ hàng midcap và smallcap. Các cổ phiếu tăng trần phần lớn đều là hàng penny như HU1, TDH, NVT, PXA, SMA… dù khối lượng giao dịch khá nhỏ. Cuối ngày, VNMID tăng 1,62% trong khi VNSML tăng 0,94%.
Hàng dầu khí có hiện tượng chốt lời nhẹ khi nhiều mã chốt phiên giá thấp hơn hẳn những nhịp tăng mạnh trong phiên. Ở PVD, khi cả sáng nay đều tăng trần tím lịm thì đến chiều, mã này chốt chỉ còn tăng 3,31%. Hay như BSR, đầu phiên cũng đã tăng trên 7,4% song về cuối, đà bán ép cổ phiếu chỉ còn tăng 2,48%.
Sau một vài phiên tăng tốt, nhóm chứng khoán cũng có hiện tượng chốt lời. Sức bán mạnh đưa phần lớn các mã trong nhóm đều giảm điểm như SSI, HCM, SHS, VND…
Hệ thống trên HSX lại tiếp tục nghẽn sau 2h chiều, tuy nhiên đến phiên ATC, thị trường bất ngờ bứt tốc mạnh đánh các chỉ số chính tăng cao.
Nhờ ATC, VN-Index tăng thêm tận 7,25 điểm đưa chỉ số này tăng tổng 18,6 điểm trong cả phiên, tương đương tăng 1,61% lên 1.174,38 điểm.
Phiên ATC cũng đẩy loạt cổ phiếu trong VN30 quay lại xanh bát ngát. Hầu hết các mã trong rổ đều chốt ở giá cao nhất phiên như VRE, VCB, VHM, VJC, VNM, REE, TPB,… Cuối cùng, cả nhóm chỉ còn mỗi SSI và STB chốt phiên thấp hơn tham chiếu tuy vậy mức giảm cũng đều chưa đến 1%.
Nhờ đó, VN30 tăng gần 10 điểm trong phiên ATC, đưa chỉ số 1 mạch tăng từ 1.178 điểm lên 1.187,94 điểm chỉ trong vòng 15 phút. Với mức đóng cửa này, VN30 đã có giá chốt phiên ở mức đỉnh cao nhất lịch sử.
Tính cả phiên, giá trị khớp lệnh trên cả 2 sàn đạt 16.106 tỷ đồng, trong đó riêng HSX chiếm 13.991 tỷ đồng.
Về diễn biến giao dịch khối ngoại, sau khi quỹ ngoại PENM III kết thúc đợt bán hơn 59 triệu HPG vào cuối phiên 8/2 thì đà mua ròng đã quay trở lại với cổ phiếu này. Hơn 5 triệu đơn vị HPG được mua ròng với giá trị gần 220 tỷ. Khối này cũng tiếp tục gom mua mạnh FUEVFVND và FUESSVFL. Tổng cộng, các nhà đầu tư ngoại đã giải ngân hơn 1.960 tỷ trên HSX hôm nay và bán ra 1.348 tỷ đồng, đưa giá trị mua ròng đạt 611,6 tỷ.
Trong khi đó, trên HNX khối ngoại lại bán ra mạnh tập trung vào VNC, đưa giá trị bán ròng đạt 28,6 tỷ đồng.
Xem thêm: mth.45272945181201202-cta-tod-hnam-hnad-hnis-iahp-gnol-neb-cut-neil-nehgn-hnel/nv.ymonocenv