Bài học từ chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 thần tốc của Israel
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Hệ thống chăm sóc sức khỏe rộng khắp, dữ liệu lớn và ý chí chính trị đã giúp Israel sớm trở thành quốc gia miễn dịch đầu tiên trên thế giới.
Theo Our World in Data, với 80% dân số đã tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên và tỷ lệ lớn đã tiêm mũi thứ hai, Israel dự kiến sẽ hoàn tất tiêm chủng toàn bộ dân số trên 16 tuổi trong tháng 3 tới. Cả thế giới đang dõi và phân tích từng bước chiến dịch tiêm chủng thần tốc của đất nước Trung Đông nhỏ bé này.
Với khoảng 30% dân số đã tiêm mũi vaccine thứ hai ngừa Covid-19, Israel hiện dẫn đầu thế giới về chiến dịch tiêm chủng. Ảnh: Reuters |
Không một liều vaccine lãng phí
“Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất là hệ thống y tế ở Israel hoàn toàn xã hội hóa và được chính phủ tài trợ”, Giáo sư Eyal Leshem, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Trung tâm Y tế Sheba thuộc Tel Hashomer, nói với Nikkei Asia.
Mỗi một người dân trong số 9 triệu người ở Israel đều đăng ký với một trong bốn cụm y tế (HMO). Đây là những tổ chức phi lợi nhuận luôn cạnh tranh với nhau để cung cấp dịch vụ y tế.
“Mỗi một HMO đều có bệnh án điện tử và vì thế có thể dễ dàng nhận ra những đối tượng cần được ưu tiên để tiêm chủng. HMO sẽ liên lạc và đưa đón họ đến tận nơi tiêm chủng. Vì thế, công tác hậu cần cho tiêm chủng ở Israel diễn ra rất suôn sẻ, khác với những quốc gia khác như Mỹ hoặc Đức”, ông Leshem giải thích.
Các phương tiện truyền thông Mỹ đã nói rằng đã có số lượng tương đối lớn vaccine bị đổ bỏ sau khi không có đủ những người hội đủ điều kiện ưu tiên được tiêm ngừa. Bên cạnh đó, đã có khoảng 20 triệu liều vaccine đã biến mất khỏi hệ thống dữ liệu khi các đợt phân phối vaccine đầu tiên được tiến hành ở Mỹ vào tháng 12 năm ngoái. |
HMO liên lạc với cá nhân đủ điều kiện ưu tiên tiêm chủng bằng tin nhắn hay điện thoại. Mọi người còn có thể đặt lịch hẹn tiêm vaccine trên mạng. Trong khi vẫn dành ưu tiên cho một nhóm đối tượng, các quan chức Israel đã nỗ lực tránh tình trạng lãng phí vaccine như ở Mỹ.
“Tôi có thể nhận tin nhắn vào khoảng 4 giờ chiều từ quỹ bảo hiểm y tế. ‘Nếu bạn cần vaccine, hãy đến ngay trung tâm y tế cộng đồng hay bất kỳ cơ sở y tế nào ở một thành phố khác’. Sau khi nhận tin nhắn, tôi sẽ đến bất cứ phòng khám hay điểm tiêm chủng dã chiến nào”, Giáo sư Leshem nói.
Kể từ giữa tháng 12-2020, một quang cảnh khá phổ biến ở Israel là người dân xếp hàng ở các sân vận động được thiết kế lại như phòng khám và phòng tiêm chủng khổng lồ. Mọi người đeo khẩu trang, xếp hàng cách nhau hai mét trước cửa sân vận động và được dẫn vào một bàn tiêm chủng bên trong. Xe cứu thương không được dùng tai nạn cấp cứu nữa, mà đưa những người chưa nằm trong danh sách ưu tiên đến các điểm có thừa vaccine. Các lều dã chiến dành cho tiêm chủng mọc lên khắp nơi.
Tình nguyện làm “chuột bạch” cho Pfizer
Từng là hình mẫu thành công trong các chiến dịch kiểm soát Covid-19, nhưng Israel đã không thoát khỏi đợt phong tỏa lần thứ 3. Tính đến chiều 18-2, số ca nhiễm hiện đã vượt quá 730.000 ca và số tử vong gần 5.500 người – tỷ lệ khá cao so với quy mô dân số Israel. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng đã khiến số ca nhiễm và tử vong chựng lại và trên đà đi xuống. Trên cơ sở phân tích dữ liệu 1,2 triệu người – quy mô nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay, số ca nhiễm mới đã giảm 94% - đài Sky News dẫn các số liệu của cơ sở chăm sóc y tế Clalit lớn nhất ở Israel.
Nhưng mọi cố gắng đều sẽ không có ý nghĩa nếu Israel không có đủ vaccine ngừa Covid-19. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đặt cược sự nghiệp chính trị của ông trong cuộc chạy đua tìm kiếm nguồn vaccine ngừa Covid-19. Ông Netanyahu và đảng cầm quyền phải đối diện với cuộc bầu cử lần thứ tư của ông kể từ năm 2019 vào tháng 3 sắp tới.
Thủ tướng Netanyahu đã điện đàm 17 lần với CEO Albert Bourla của Pfizer và trả 100% số tiền để có được 8 triệu liều vaccine. Ngoài ra, Israel cũng ký hợp đồng mua 6 triệu liều từ Moderna, 4 triệu liều từ Arcturus Therapeutics và một số lượng không rõ từ AstraZeneca.
“Chúng tôi thật sự không biết gì về các điều khoản thanh toán. Thậm chí khi chính phủ Israel trả giá cao hơn, tôi vẫn cho rằng đây là một thương vụ đầu tư thông minh”, Giáo sư Leshem nhận xét.
Bộ Y tế Israel cũng tiết lộ rằng nước này gửi báo cáo chi tiết hàng tuần cho hãng dược Pfizer. Điều này cũng có nghĩa là Israel đồng ý làm “chuột bạch” cho Pfizer. Hợp đồng với Pfizer cũng ghi rõ rằng Israel cũng sẽ cung cấp các dữ liệu về các trường hợp nhiễm mới, đi cấp cứu, số lượng vaccine đã tiêm theo độ tuổi và khu vực.
Tại một trung tâm tri thức của quân đội Israel ở thành phố Ramla. Ngoài điều tra dịch tễ, các trung tâm tri thức còn theo dõi thông tin về chiến dịch tiêm chủng và phân tích tin tình báo về sự xuất hiện của các chủng mới. Ảnh: Reuters |
Vai trò của “Trung tâm tri thức” và tình báo quân đội
Khi Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Israel, chính phủ đã nỗ lực thực hiện các chiến dịch truy vết và cách ly. Tuy vậy, nguồn lực và nhân lực của Bộ Y tế đã không thể đáp ứng. Quân đội Israel (IDF) đã vào cuộc.
Quân đội Israel đã thực hiện 240.000 điều tra dịch tễ học, trong khi đơn vị tuyến đầu thực hiện đến 50% tất cả các xét nghiệm. Quân đội cũng gửi người hỗ trợ các bệnh viện và phòng xét nghiệm, và trực tiếp quản lý 29 điểm cách ly.
Một trong những nỗ lực của IDF là thành lập Trung tâm tri thức và thông tin quốc gia về virus corona do người đứng đầu Cục Tình báo quân đội đảm trách. Các thông tin từ Bộ Y tế, từ các cơ sở chăm sóc sức khỏe và các kết quả nghiên cứu trên toàn cầu được trung tâm tổng hợp hàng ngày và gửi báo cáo đến Quốc hội.
“Chúng tôi có người từ khắp các lĩnh vực – tình báo, quân đội, giới khoa học – cùng ngồi với nhau và lượng giá mọi lĩnh vực theo tình hình thực địa đang diễn ra ở Israel”, Tiến sỹ Asher Salmon, người đứng đầu Phòng Quan hệ quốc tế của Bộ Y tế Israel, cho biết.
Tiến sĩ Asher đã từ chối tiết lộ quy mô của trung tâm tri thức này, nhưng giải thích rằng trung tâm có nhiều nhiệm vụ, từ phân tích nguy cơ đến lập ra các mô hình toán. “Chúng tôi cần phải hiểu đại khái như sẽ có đợt bùng phát diện rộng trong những tuần tới, diễn biến bệnh dịch thế nào và các biện pháp ứng phó sẽ ra sao”, ông nói với Nikkei Asia.
Trải qua một năm hoạt động, Tiến sĩ Asher nhìn nhận rằng hoạt động của Trung tâm tri thức không dễ dàng chút nào. “Không phải bất cứ đánh giá hay phân tích nào cũng chính xác. Nhưng Trung tâm tri thức là một công cụ hữu ích cho mọi người, từ Thủ tướng Netanyahu cho đến nội các và rồi lực lượng của chúng tôi, đều sử dụng các thông tin và có sách lược rõ ràng”, Tiến sĩ Asher giải thích.
Hiện trung tâm đang giám sát tốc độ triển khai chiến dịch tiêm chủng, không chỉ ở Israel mà trên toàn thế giới. Cuối tháng 1, theo The Times of Israel, trung tâm đã cảnh báo: “Song song với chiến dịch tiêm chủng đại trà, khả năng dịch bùng phát do một biến chủng mới ở Israel có thể xảy ra bởi virus gặp áp lực tiến hóa”
Việt Nam có thể đạt miễn dịch cộng đồng từ giữa năm 2022 Theo Chinhphu.vn, dự kiến 204.000 liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của hãng dược AstraZeneca sẽ về đến Việt Nam ngày 28-2. Số vaccine này do hãng SK Bioscience Co Ltd. của Hàn Quốc sản xuất và do AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu. Dự kiến sẽ có khoảng 4,8-8,2 triệu liều vaccine theo chương trình COVAX sẽ chuyển về Việt Nam trong thời gian tới. |
Đơn vị 8200 – một cơ quan tình báo nổi tiếng với kỹ năng quản trị mạng – đã thành lập lực lượng đặc nhiệm chuyên theo dõi các biến chủng virus. “Các tiếp xúc của từng bệnh nhân được xác định là nhiễm với từng loại chủng sẽ được điều tra kỹ lưỡng. Các nhà điều tra chuyên biệt sẽ dùng một thuật toán để truy vết đến hai thế hệ”, người phát ngôn của IDF nói.
Bài học cho cả thế giới
Nhưng đi theo mô hình của Israel không phải là lựa chọn dễ dàng cho bất cứ quốc gia nào, ngay cả một đất nước có nền y học hiện đại.
Tốc độ thần tốc của Israel không thể lập lại trên thế giới, đặc biệt là trong thời gian ngắn hạn – Oxford Economics nhấn mạnh trong một báo cáo vào cuối tháng 1-2021. “Tốc độ triển khai nhanh tiêm chủng phản ứng việc tiếp cận dễ dàng và có được nguồn vaccine dồi dào từ Pfizer với điều kiện Israel phải trao đổi thông tin”, theo nhận định của Ben May, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô của Oxford Economics.
“Israel sẽ là một bài học cho thế giới về một lộ trình tiềm năng trong tương lai, cũng như cung cấp về cẩm nang hướng dẫn về tốc độ và mức độ trở lại sinh hoạt bình thường một khi đạt được tỷ lệ quan trọng dân số đã tiêm chủng”, nhà nghiên cứu khẳng định. Israel đang có kế hoạch giới thiệu “hộ chiếu xanh” dành cho những người đã hoàn tất tiêm chủng, cho phép họ tự do hơn nhưng vẫn tuân thủ các quy tắc an toàn.
Còn giáo sư Leshem cho rằng thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm từ quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông này.
“Khi giải một bài toán lớn hóc búa, chúng ta phải chia nó thành những bài toán nhỏ hơn có thể giải được. Các quốc gia lớn cần phân nhỏ đất nước của họ thành những đơn vị nhỏ hơn và dễ quản trị hơn. Có thể là những đơn vị gồm 10 triệu dân cư như quy mô dân số của Israel và quản lý theo cung cách mà chúng tôi đã làm”, ông Leshem kết luận.