Rút xoẹt con dao trên giá, người đàn ông hạ những nhát chặt gọn ghẽ và chính xác xuống những khúc xương trâu. Tiếng dao thớt vang lên một cách thú vị, nghe có thanh điệu như một bản nhạc hóm hỉnh.
Xong, anh quay sang cắt hành, thái rau thơm, nêm gia vị và nhịp nhàng bật lửa bếp ga…. Loáng cái, cả căn phòng trọ trong con hẻm ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) ngào ngạt mùi thơm của thức ăn.
Do dịch COVID-19, anh Nguyễn Tuấn Anh đành ăn cái tết thiếu gia đình. Ảnh: A.TUẤN
Người đứng bếp như một nghệ sĩ ấy có tướng tá bên ngoài thoạt nhìn bặm trợn. Nó trái ngược hẳn với tính cách niềm nở cũng như cái tên khá mượt mà: Nguyễn Tuấn Anh.
“Cả năm mới có một trưa ngày mùng 6 tết. Đây là thời điểm gia đình tôi ngoài Quảng Ninh hóa vàng tiễn gia tiên. Ở trọ cách cả ngàn cây số, tôi cũng làm một mâm cơm tươm tất để cả gia đình nâng ly qua… điện thoại” – Tuấn Anh kể.
Anh cho hay mình sinh ra ở TP Nam Định, tuổi thơ đã sớm dừng học vì nhà nghèo. 12 tuổi thì đã lăn lộn đủ các nghề từ nhặt đồng nát, bán kem mút đến làm bánh gai. Tới tuổi trưởng thành thì theo cha tới thị xã Mạo Khê, Quảng Ninh làm việc và “vớ được” vợ.
Chỉ trong mấy năm, ba đứa con gái thi nhau ra đời, việc chăm con rồi đi làm cứ xen kẽ, đảo vị trí nhau chóng mặt. Kinh tế của gia đình nhỏ mà đông này luôn trong tình trạng cheo leo trên bờ vực nợ nần.
Quyết không để các con lặp lại vết xe dở dang học tập của mình, anh gồng lên để làm việc gấp đôi gấp ba người thường, mà toàn những công việc chân tay nặng nhọc như đội than dưới mỏ hay lên biên giới làm cửu vạn. Từng gục ngất dưới trận mưa rát rạt, nếu không có bạn bè phát hiện, có lẽ Tuấn Anh đã không còn nhìn thấy nụ cười các con.
Ở biên giới, dù kiếm được tiền nhưng những cám dỗ dẫn tới lầm lạc, sa ngã đối với lực lượng lao động chân tay như anh là nguy cơ khá hiện hữu. Nghĩ mình “hỏng” thì mấy mẹ con mất chỗ nương tựa, một đêm mùa đông 3 năm trước, Tuấn Anh quyết định khăn gói vào Đồng Nai.
Mọi thứ ở đây hoàn toàn lạ lẫm, dẫu là người từng trải nhưng những ngày đầu với anh là một thử thách bi kịch.
Chỉ việc nhớ con và chịu đựng sự trách móc, dằn dỗi của vợ do dứt khoát xa nhà đã là một cực hình. Rồi khí hậu khác biệt khiến Tuấn Anh “lạ nước”, ốm liên miên mà ngày nào cũng phải cố lết ra khỏi phòng trọ để tìm việc.
Cả tháng ròng rã trong tình trạng như thế, rồi thì cũng có cơ hội kiếm tiền. Ban đầu người đàn ông theo xe tải đi bốc hàng hóa, sau làm ở lò mổ, giờ thì vào làm công nhân ở công ty.
“Hiện tại mỗi tháng tôi gửi về nhà vài triệu, cộng với lương phụ hồ của vợ ngoài ấy nên cũng tạm ổn. An lòng nhất là vợ hết giận hờn và con cái trưởng thành, tình cảm với bố nhiều hơn….
Tết năm ngoái tôi gắng ở lại để đỡ chi phí và kiếm thêm tiền, năm nay tính về thì lại vướng dịch, thế là lại ăn tết tha hương” – người đàn ông đăm chiêu khuấy đũa vào nồi nước lèo, thở dài.
Bữa cơm tết của những người cùng cảnh ngộ xa quê. Ảnh: A.TUẤN
Mâm cơm được dọn ra, hàng xóm chung dãy trọ của anh là hai người quê Hải Dương cũng sang ăn cùng. Họ nói vui “nhờ dịch mà tết này ông bạn không quá cô đơn”.
Bữa cơm mùng 6 tết khá thịnh soạn, có món tôm hấp, trâu nhúng mẻ, trâu xào rau cần, cá sốt… Khi mọi người yên vị, chuẩn bị nâng ly thì Tuấn Anh ra hiệu chờ để bấm điện thoại.
Qua zalo, tiếng vợ con anh ồn lên hơn một cái chợ. Những câu “ông hả”, “a bố”, “bố ơi, sao quá trưa mới gọi, con chờ mãi”… thi nhau cất lên. Lời reo vui của “bốn cách cách”, tính cả vợ anh, từ miền Bắc khiến căn phòng trọ tại phương Nam thêm rộn rã.
Họ nói chuyện nhí nhảnh, thân mật như không phải đang trong hoàn cảnh xa xôi. Cái đầu trọc lóc cùng khuôn mặt dữ tợn của người đàn ông lúc này có vẻ không hợp thời lắm, cứ lúc lắc như một đứa trẻ.
Gia đình mẹ Bắc, cha Nam gọi điện chuyện nhí nhảnh, thân mật như không phải đang trong hoàn cảnh xa xôi. Ảnh: A.TUẤN
Tới khi họ chào tạm biệt, tôi để ý người đàn ông tâm trạng lưu luyến. Anh vuốt vuốt màn hình điện thoại đã tắt, mắt bỗng ậc nước mà nói như đang trò chuyện: “Năm sau nhất định bố về…”
Bữa cơm sau đó ngon hơn ở khía cạnh khác, ấy là cả phòng nhấm nháp món ăn cùng với cảm xúc quê nhà.