Tỉ phú Buffett bất ngờ đặt cược lớn vào công ty dầu lớn thứ hai Mỹ
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Ngày càng có nhiều nhà đầu tư e ngại nắm giữ cổ phiếu của các công ty dầu khí khi cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu tăng tốc, báo hiệu kỷ nguyên dầu mỏ sắp thoái trào. Nhưng tỉ phú Warren Buffett, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway, nằm ngoài số đó khi ông đặt cược lớn vào Chervon, công ty sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai nước Mỹ.
Bất chấp các dự báo về tương lai ảm đạm của ngành dầu khí trong dài hạn, Tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett vẫn chi 4,1 tỉ đô la Mỹ để mua 48,5 triệu cổ phiếu của Chevron, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của Mỹ. Ảnh: Technology Times |
Đầu tư lớn vào công ty từng thua lỗ 5,5 tỉ đô la do Covid
Là nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới và thành công với trường phái đầu tư giá trị, mọi quyết định mua bán cổ phiếu của tỉ phú Warren Buffett đều được thị trường chú ý và mổ xẻ. Hôm 16-2, Berkshire Hathaway gây bất ngờ khi tiết lộ đã chi tổng cộng 4,1 tỉ đô la Mỹ để mua 48,5 triệu cổ phiếu của Chevron, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của Mỹ trong nửa cuối năm 2020.
Đó là dấu hiệu cho thấy Buffett, người được mệnh danh là ‘Nhà hiền triết xứ Omaha’, vẫn nhìn thấy giá trị trong dài hạn của một lĩnh vực đang chịu nhiều sức ép.
Năm ngoái, cổ phiếu Chevron có lúc giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2006 khi đại dịch Covid-19 tàn phá nhu cầu dầu. Cho đến nay, cổ phiếu Chevron vẫn chưa phục hồi đầy đủ về mức trước đại dịch. Chevron báo cáo lỗ ròng 5,5 tỉ đô la trong năm 2020 và giá cổ phiếu của công ty này đang giao dịch ở mức 95,92 đô la, thấp hơn khoảng 14% so với cách đây một năm.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư e ngại đặt cược vào các ‘ông lớn’ dầu khí toàn cầu như Chevron khi các nước và các doanh nghiệp tìm cách hạn chế khí thải carbon bằng cách chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng xanh hơn.
Các công ty dầu khí lớn ở châu Âu đang chạy đua chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực năng lượng xanh trước khi quá muộn. Tuần trước, Tập đoàn dầu khí Shell (Anh-Hà Lan) thông báo sản lượng dầu của Shell đã đạt đỉnh và giờ đây sẽ giảm dần qua mỗi năm do tập đoàn này hạn chế đầu tư vào mảng nhiên liệu hóa thạch. Các công ty quản lý tài sản khổng lồ ở Phố Wall cũng đang nâng các tiêu chuẩn ứng phó biến đổi khí hậu.
Hôm 17-2, BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, yêu cầu tất cả các công ty gây ô nhiễm bao gồm các công ty dầu khí đang được BlackRock đầu tư phải tiết lộ mức khí thải carbon của họ đồng thời phải đặt ra các mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính này. BlackRock cảnh báo sẽ sa thải giám đốc của bất kỳ công ty nào không đưa ra kế hoạch đáng tin cậy để chuyển đổi mô hình kinh doanh hướng đến nền kinh tế carbon thấp.
Chevron không chuyển động nhanh như các đối thủ trong nỗ lực đa dạng hóa kinh doanh để giảm bớt sự phụ thuộc vào mảng dầu mỏ. Công ty này vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư vào dầu mỏ thông qua nhiều các hoạt động thâu tóm bao gồm thương vụ mua Công ty dầu khí Noble Energy với giá 5 tỉ đô la vào năm ngoái.
Chevron cũng không đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời. Gần đây, Giám đốc điều hành Chevron, Michael Wirth, nói rằng xu hướng này có thể không thể đổi vì Chevron muốn duy trì sự tập trung vào các lĩnh vực mà công ty này có lợi thế. Vì vậy, đặt cược vào Chevron cũng là đặt cược rằng nhu cầu dầu sẽ phục hồi đầy đủ ở thời kỳ hậu Covid-19 và sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong nhiều thập kỷ tới bất chấp sức ép ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế về vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Giá dầu sẽ lên mức 100 đô la/thùng?
Hiện tại, có nhiều yếu tố đang diễn ra theo chiều hướng có lợi cho Chevron. Trong tuần qua, giá dầu Tây Texas (WTI) ở thị trường New York lần đầu tiên quay trở lại mức trên 60 đô la/thùng kể từ tháng 1-2020. Một số nhà phân tích cũng đang dự báo rằng đà hồi phục của giá dầu lần này có thể mở ra một siêu chu kỳ tăng giá mới trong bối cảnh sản lượng dầu đang bị cắt giảm mạnh và triển vọng nhu cầu dầu bùng nổ ở thời kỳ hậu Covid-19.
Các nhà phân tích ở hai ngân hàng JPMorgan Chase và Goldman Sachs đều dự báo trong kịch bản lạc quan nhất, giá dầu sẽ hướng đến mốc 100 đô la/thùng khi đại dịch Covid-19 lắng xuống. Họ cho rằng các gói kích thích tài khóa trên toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu khí đúng lúc đầu tư mới vào các dự án dầu khí giảm mạnh. Sự chênh lệch cung cầu này là các điều kiện cơ bản để kích hoạt một siêu chu kỳ tăng giá trên thị trường dầu.
Christyan Malek, Giám đốc bộ phận dầu khí ở Ngân hàng JPMorgan Chase, nói: “Chúng ta sẽ thiếu dầu trước khi chúng ta không cần nó trong những năm tới. Chúng ta có thể chứng kiến dầu tăng giá mạnh hướng đến mốc 100 đô la/thùng hoặc cao hơn”.
Nhà phân tích kỳ cựu Jeffrey Currie ở Ngân hàng Goldman Sachs, người đã dự báo đúng siêu chu kỳ tăng giá của dầu trong giai đoạn 2003-2014, tin rằng giá dầu có thể lên mức 80 đô la/thùng hoặc thậm chí cao hơn trong năm nay.
Hồi tháng 5 năm ngoái, giữa lúc đại dịch Covid-19 đang lan rộng ở Mỹ, Warren Buffett vẫn tự tin dự báo kinh tế Mỹ sẽ bật dậy mạnh mẽ như giống như cách mà nước này vượt qua các cuộc khủng hoảng trước đây.
Darren Pollock, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư ở Công ty Cheviot Value Management, cho rằng quyết định đầu tư vào Chevron của tỉ phú Buffett là rất hợp lý vì công ty này đang bị định giá thấp, dưới giá trị thực nhưng vẫn giữ mức chi cổ tức cao.
Có thể quyết định đặt cược vào Chevron của tỉ phú Buffett, sẽ mang lại thành quả. Nhưng dù nhận được ‘lá phiếu tín nhiệm’ của Buffett, giới phân tích cho rằng chặng đường phía trước của thị trường dầu sẽ không dễ dàng vì sự trỗi dậy của xe điện, khả năng Iran và các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng trở lại cũng như rủi ro đại dịch Covid-19 kéo dài vì sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2
Theo CNN, Financial Times
Xem thêm: lmth.ym-iah-uht-nol-uad-yt-gnoc-oav-nol-couc-tad-ogn-tab-tteffub-uhp-it/738313/nv.semitnogiaseht.www