Mô tả tình trạng buôn bán trong tâm dịch Covid-19, chị Đỗ Thị Dung, chủ trang trại trứng tại Cẩm Giàng ngắn gọn: "Đầu năm, trứng tràn cả trại nhưng không bán được quả nào". Trại gà của chị Dung có 18.000 con, trong đó 13.000 con đang thời kỳ sinh sản, mỗi ngày cung cấp 10.000 trứng.
So sánh với năm ngoái, chị cho biết từ mùng 2 đã có xe đỗ trước cửa lấy hàng, vận chuyển ra các tỉnh khác. "Giờ một quả bán còn khó", chị than thở. Cẩm Giàng là tâm dịch Covid-19 của Hải Dương. Dự tính ngày mùng 4 mở hàng của chị Dung coi như bỏ.
"Mãi đến hôm qua, nhà mình mới xử lý được một ít trứng", chị nói và cho biết các trang trại trứng quyết định lấy ủng hộ cho tỉnh 30.000 quả. Riêng chị được ưu tiên lấy gần 20.000 trứng vì hàng xóm thương chị bị tai nạn, nằm nhà cả năm nay.
"Trứng ủng hộ" được lấy với giá 800 đồng một quả, nhiều hơn 100 đồng một quả so với giá bán thời gian này nhưng chỉ bằng gần một nửa so với chi phí sản xuất là 1.400 đồng.
"Chăn nuôi lỗ lãi thì cũng không phải vấn đề, chỉ mong sao hết dịch, để bán được hàng. Một năm ba lần dịch còn làm ăn được gì", chị nói. Người đàn bà trung niên còn so sánh, nếu công chức mất việc chỉ không làm và không lương, còn những người kinh doanh như chị, việc vẫn phải làm lại bị lỗ, thậm chí có khi mất 15 triệu đồng một ngày.
Không chỉ trứng, các nông hộ, doanh nghiệp kinh doanh gà trên địa bàn Hải Dương cũng gặp khó khăn. Ông Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội gà đồi Chí Linh cho biết, trên địa bàn thành phố còn gần 1 triệu con gà đang tồn đọng. Giá thịt gà cũng giảm gần 10.000 đồng một kg, nhưng tiêu thụ rất chậm.
"Dân Chí Linh nuôi gà để bán Tết nhưng dính dịch, đến giờ vẫn chưa tiêu thụ hết", ông nói và giải thích do việc đi lại khó khăn, các khu công nghiệp, chợ đò chưa hoạt động khiến con gà bị ế.
Trên thực tế, lượng gà nuôi năm nay đã giảm 20% so với năm trước. Thời gian chăm càng dài, càng lỗ. Ông tính toán, mỗi con gà xuất xưởng cần 4 tháng, tiêu tốn 140.000-150.000 đồng một con. Thời gian kéo dài khiến chi phí chăm sóc tăng lên trong khi giá trị của con gà vẫn giữ nguyên.
Việc vận chuyển, đi lại khó khăn cũng khiến các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi trở nên thận trọng hơn. Ông Trần Văn Thiện, hộ nuôi cá ở Nam Tân, Nam Sách cho biết, trước dịch mỗi ngày có hơn 50 xe vào khu Nam Tân để lấy hàng vận chuyển. Thời điểm này chỉ còn lác đác một vài xe. Mấy chục lồng nuôi cá diêu hồng, cá lăng của gia đình ông ở làng bên cạnh, cách nhà vài km. "Mình đi cho cá ăn còn khó chứ nói gì vận chuyển cá", ông Thiện nói.
Ông Thiện cho biết thêm, một xe hàng phải đi qua 3-4 điểm chốt kiểm dịch mới ra khỏi tỉnh được. Các xe cũng phải đáp ứng được nhiều giấy phép, kiểm định nghiêm ngặt mới được phép di chuyển. Chưa kể nhiều tỉnh giáp ranh có thông tin không nhận hàng thuỷ sản của Hải Dương.
"Cá lên xe rồi mà bị tắc lại chỉ có nước đổ hết thôi. Hàng hoá khác còn có cửa quay đầu, cá thì không", ông nói. Theo ông, các loại cá lồng như diêu hồng, cá lăng chỉ trông chờ vào việc tiêu thụ ngoài tỉnh vì đây là hàng đắt tiền, vốn là đặc sản.
Ông Tạ Văn Hưng, Giám đốc Hợp tác xã thuỷ sản Thăng Long (Kinh Môn, Hải Dương) chia sẻ "cá không ai buồn bắt vì xe không thông thương được, không biết bán cho ai". Theo ông, hiện nay bà con đang chấp nhận lỗ để nuôi cá. Lỗ bao nhiêu tuỳ thuộc vào số ngày hàng hoá còn tồn đọng vì chi phí chăn nuôi không thể bớt được, thậm chí nguyên liệu đang tăng cao vì việc vận chuyển hàng hoá không thuận lợi.
Gặp may mắn hơn đôi chút, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng nông sản xuất khẩu Kiên Giang ở Cẩm Giàng cho biết, hiện vẫn nhúc nhắc được dù việc đi lại còn hạn chế. "Doanh nghiệp tôi cung ứng cho hệ thống siêu thị miền Bắc, tạm thời vẫn ổn dù thời gian xét nghiệm và các thủ tục vận tải còn hơi lằng nhằng", ông cho hay.
Ông chia sẻ thêm, lượng rau củ quả trên địa bàn còn tồn đọng khá nhiều, giá rẻ còn 1/3 so với trước. Việc bảo quản cũng không dễ dàng, cần phải sớm thông thương vì cứ để trong kho sớm muộn bà con cũng không trụ được.
Dù việc kinh doanh gặp khó khăn, các nông hộ, doanh nghiệp vẫn chấp nhận vì cho rằng đây là vấn đề chung của xã hội. Nhiều người cũng đồng tình với việc thắt chặt của các địa phương lân cận bởi chỉ khi dịch được khống chế, việc buôn bán mới yên ổn trở lại.
"Tôi nghĩ như Hải Phòng làm triệt để vậy cũng có điểm tốt. Covid hết nhanh thì bà con mới nhanh sống bình thường lại được", ông Hùng nói.
Phương Ánh