Dịch Covid-19 tái bùng phát trong mấy tuần gần đây khiến không khí Tết trầm lắng. Ở TP HCM, khi dịch cơ bản đã được kiểm soát, người dân bắt nhịp tiêu dùng trở lại.
Tăng mua trở lại
Những ngày cận Tết, đa số người tiêu dùng chủ động hạn chế tụ tập, ăn uống, chúc Tết (vì dịch) nên cắt giảm mua sắm, không dự trữ thực phẩm để tiếp khách như mọi năm. Do vậy, ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người đã tăng mua trở lại để bổ sung thực phẩm mới cho gia đình, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau xanh. Hệ thống siêu thị của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã ghi nhận lượng khách lẫn doanh thu trong ngày 16-2 (mùng 5 Tết) tăng 20%-25% so với ngày trước đó và dần trở lại gần như bình thường trong 2 ngày nay. Tại các chợ đầu mối, mặc dù vẫn còn một số tiểu thương nghỉ Tết nhưng lượng hàng về chợ đã tăng khá, giá bán hầu hết mặt hàng ổn định.
Một số loại trái cây chưng cúng được tiêu thụ mạnh sau Tết Tân Sửu. Ảnh: THANH NHÂN
Tổng kết thị trường Tết Tân Sửu, Sở Công Thương TP HCM đánh giá sức mua toàn thị trường thấp hơn Tết năm trước. Theo Sở Công Thương TP, thông tin 29 ca mắc Covid-19 được TP công bố chiều 8-2 (27 tháng chạp) đã khiến người dân hạn chế đến những nơi tập trung đông người khiến siêu thị, cửa hàng vắng khách so với hôm trước. Đến ngày 10 và 11-2 (29, 30 tháng chạp), sức mua có phục hồi, tăng trở lại nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn năm trước. Cũng do sức mua giảm nên giá hàng Tết vừa qua khá ổn định, chỉ một số mặt hàng đặc trưng như thịt heo, gà, bò, thủy - hải sản... ở chợ truyền thống tăng giá nhẹ và đã dần trở về mức bình thường 2-3 ngày gần đây.
Thống kê nhanh của các doanh nghiệp bán buôn lẫn bán lẻ cho thấy do người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng, giảm dần thói quen tập trung mua sắm, tích trữ trước Tết nên sức mua những ngày sau Tết có tăng so với cùng kỳ. Trong đó, tăng mạnh nhất là các mặt hàng tươi sống phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhanh và chưng cúng đầu năm, nhất là rau xanh và thịt gia cầm.
Không để biến động giá
Cũng chính vì sức mua thị trường Tết có phần giảm sút so với Tết 2020 nên ngay sau Tết, các hệ thống bán lẻ hiện đại lập tức tung khuyến mãi giảm giá mạnh để đẩy hàng ra thị trường. Hệ thống Go!/Big C áp dụng giảm giá đến 49% cho gần 1.000 mã sản phẩm trong chương trình "Khai Xuân may mắn" kéo dài đến hết ngày 24-2. Trong chương trình "sale đậm" đầu năm này, khuyến mãi tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, các sản phẩm sữa, đồ uống, các loại gia vị, nước chấm; hóa mỹ phẩm; nhóm hàng gia dụng; thời trang; đồ dùng gia đình; hàng tiêu dùng thiết yếu...
Tương tự, hệ thống hơn 100 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra thuộc Saigon Co.op cũng tập trung giảm giá cho các sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm và hóa mỹ phẩm. Cụ thể, giảm giá từ 15%-30% cho các loại rau củ nông sản, bưởi Năm Roi, dưa hấu, cam sành, thanh long, quýt đường, lồng mứt, dừa xiêm…; giảm 10%-15% các loại thịt nạc dăm, cốt-lết, ba rọi heo, má đùi gà, mình cá thu… Một số loại thực phẩm đóng hộp sẵn như tương ớt, xúc xích, sữa tươi, sữa chua hay nước giải khát được siêu thị áp dụng chương trình "Mua nhiều ưu đãi lớn", với giá sau giảm cho các sản phẩm thứ 2, 4, 6… chỉ còn từ 4.000 đồng. Đợt này, Co.opmart và Co.opXtra phối hợp cùng nhiều nhãn hàng Lix, Sunlight, Net, Omo, Aba, Comfort… giảm giá mức cao cho nhiều sản phẩm giặt tẩy, vệ sinh. Ngoài ra, siêu thị còn giảm giá đến 30% cho các mặt hàng chăm sóc cá nhân.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ và giữ ổn định giá bán từ ngày 12-1 đến 12-3 (tức đến hết tháng giêng), kể cả trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng, đồng thời sẵn sàng các phương án tổ chức phân phối, bán hàng lưu động, không để thị trường thiếu hàng, biến động giá. "Đặc biệt, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm… và các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang, nước rửa tay… luôn bảo đảm" - ông Minh Tú nói và dự đoán tình hình thị trường trong thời gian tới sẽ tương đối ổn định.
Hàng hóa dồi dào
Ngày 18-2, theo thông tin từ Bộ Công Thương, do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận, trong và sau Tết Tân Sửu 2021. Thị trường nhìn chung không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch Covid-19. Sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Tân Sửu chỉ tăng từ 3%-5% so với tháng thường và tăng 7%-10% so với cùng kỳ năm 2020.
Sau những ngày nghỉ Tết Tân Sửu, thị trường tiêu dùng hàng hóa thiết yếu cũng đã bắt đầu hoạt động theo nhịp sống thường nhật. Tại các chợ dân sinh, hàng hóa đã được cung ứng khá dồi dào, đa dạng, lượng mua tăng không đáng kể, giá hàng hóa không biến động nhiều.
M.Chiến
Xem thêm: mth.18083701281201202-man-uad-ut-pihn-nohn-mas-aum/et-hnik/nv.moc.dln