Đo nhiệt độ trước khi vào chợ tại Chí Linh, Hải Dương - Ảnh: ĐỨC TÙY
Trong số 18 ca mắc COVID-19 mới cả nước ngày 18-2 (tất cả đều là bệnh nhân Hải Dương), có 3 ca bệnh phát hiện được tại khu dân cư đã phong tỏa hoặc qua sàng lọc người có ho, sốt tại cộng đồng, 15 ca thuộc nhóm đang cách ly tập trung.
Thách thức lớn
Hai vấn đề được coi là thách thức với hoạt động chống dịch ở Hải Dương 4 ngày trước, khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đến thị sát là giãn cách trong khu cách ly để đảm bảo không lây lan thêm và tăng xét nghiệm, sàng lọc tại cộng đồng để phát hiện sớm ca bệnh.
"Hôm nay tôi đến 3 khu cách ly, cả 3 đều do Quân khu 3 hoặc lực lượng quân đội của tỉnh Hải Dương phụ trách, đảm bảo giãn cách trong khu cách ly. 2 khu cách ly công nhân Công ty POYUN - công ty đầu tiên ghi nhận bệnh nhân và thời gian trước chưa đảm bảo giãn cách, nay đã được chuyển và chia làm 6 khu" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói với Tuổi Trẻ.
Khó khăn thứ 2 là ca bệnh trong cộng đồng. Vài ngày trước một gia đình 4 người ở Hải Tân, thành phố Hải Dương được phát hiện mắc bệnh, ngày 18-2 có 3/18 ca mới của Hải Dương là ca cộng đồng, phát hiện qua sàng lọc ngẫu nhiên người có ho, sốt hoặc sàng lọc tại trung tâm y tế.
"Đây là một thách thức lớn nhưng không phải không có cách. Hải Dương đến nay đã xét nghiệm cho trên 170.000 người, những ngày tới sẽ tiếp tục mở rộng xét nghiệm cộng đồng để phát hiện ca bệnh sớm" - ông Sơn cho biết.
Ngày 18-2 là ngày thứ 3 Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, Thứ trưởng Sơn cho rằng đến hết đợt giãn cách tình hình có thể sáng sủa hơn. Ông Sơn cũng đề nghị kéo dài thêm giãn cách tại thành phố Chí Linh, nơi đầu tiên phát sinh dịch.
Kỳ vọng vắcxin Việt
Liên tiếp trong 2 ngày 18 và 19-2, Bộ Y tế có 2 cuộc họp liên quan đến 3 vắcxin ngừa COVID-19 đang được các đơn vị trong nước phát triển. Trong đó, vắcxin Nanocovax của Công ty Nanogen đã trải qua giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện. Dự kiến ngày 26-2 tới sẽ tiến hành tiêm mũi đầu tiên của giai đoạn 2 thử nghiệm trên người.
"Qua tiêm thử nghiệm 3 mức liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg, kết quả ban đầu chúng tôi nhận thấy mức liều 75 mcg là hiệu quả cao nhất, giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện sẽ sử dụng 2 mức liều là 50 mcg và 75 mcg, ngưng mức liều 25 mcg" - ông Nguyễn Ngô Quang, phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, cho biết.
Về tính an toàn và hiệu quả của vắcxin, ông Quang cho hay vắcxin đảm bảo độ an toàn, tính sinh miễn dịch ở mức liều 75 mcg (tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày) đạt trên 90%, không thua kém so với vắcxin ngoại đang được lưu hành trên thế giới.
Mặt khác, đây là vắcxin được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp protein. Ông Quang đánh giá đây là công nghệ an toàn, qua đánh giá ban đầu cho thấy có điểm khác biệt là vắcxin có hiệu quả với chủng virus biến chủng, cụ thể là chủng Nam Phi, chủng Anh...
Ngoài Nanocovax có triển vọng khả thi ra sản phẩm sớm, Bộ Y tế cũng đã họp để tìm nguồn tài chính cho thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện với 2 vắcxin do Viện Vắcxin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) và Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) phát triển. Vắcxin của IVAC hiện đang trong quá trình triển khai thử nghiệm trên người, vắcxin của Vabiotech dự kiến thử nghiệm trên người từ tháng 3 tới.
"Chi phí cho thử nghiệm lâm sàng trên người của 2 vắcxin này khoảng 60 tỉ đồng" - thông tin từ Bộ Y tế cho biết.
Theo ông Quang, đợt thử nghiệm Nanocovax vào ngày 26-2 tới sẽ do 2 đơn vị là Viện Pasteur TP.HCM và Học viện Quân y cùng triển khai, trong đó Viện Pasteur TP.HCM sẽ tiêm thử nghiệm trên cộng đồng tại Long An, Học viện Quân y sẽ triển khai tại Hà Nội.
"Nếu thử nghiệm giai đoạn 2 có kết quả tốt vào tháng 4, chúng tôi cho rằng có thể sử dụng vắcxin này trên diện rộng hơn, như nhân viên sân bay, khách sạn, hướng dẫn viên... Công suất vắcxin Nanocovax khoảng 70 triệu liều/năm, của IVAC hiện là 6 triệu liều/năm nhưng có thể nâng lên thành 30 triệu liều/năm. Với 2 nhà sản xuất này, Việt Nam có thể tự lực được vắcxin ngừa COVID-19" - thông tin từ Bộ Y tế chia sẻ.
Hải Dương đề nghị hỗ trợ kinh phí chống dịch
Do kinh phí phục vụ phòng chống dịch COVID-19 lớn trong khi ngân sách địa phương hạn chế nên Hải Dương vừa đề nghị trung ương hỗ trợ.
Ngày 18-2, UBND tỉnh Hải Dương cho biết vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương như Hải Dương (nơi có tâm dịch) kinh phí mua kit, test, vật tư, hóa chất, chi phí xét nghiệm và chi phí khác.
Ngay khi xuất hiện dịch COVID-19, mặc dù tỉnh đã chủ động sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp tại chỗ để phục vụ công tác phòng chống dịch nhưng hiện nay kinh phí phục vụ chống dịch quá lớn, vượt quá khả năng ngân sách địa phương.
Theo thống kê, kinh phí mua kit, test, vật tư, hóa chất, chi phí xét nghiệm và chi phí khác chiếm khoảng 60% trong tổng kinh phí phòng chống dịch. Mặc dù Bộ Y tế đã hỗ trợ về hiện vật cho Hải Dương nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
TIẾN THẮNG
TTO - Liên quan tới một trường hợp nhiễm COVID-19 mới, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hải Dương thông báo và đề nghị những người đã đến các địa điểm sau cần liên hệ và khai báo y tế khẩn cấp.
Xem thêm: mth.77943141281201202-yad-o-ed-nav-2-av-91-divoc-tud-auhc-gnoud-iah-od-yl-am-iaig/nv.ertiout