Giữa "cơn sốt" Bitcoin chưa có dấu hiệu dừng, ông Anthony Pompliano, người đồng sáng lập công ty quản lý tài sản Morgan Creek Digital Assets, dự báo tiền ảo này có thể chạm mốc giá 500.000 USD vào cuối thập kỷ này và có thể đạt tới 1 triệu USD vào một thời điểm sau đó.
"Tôi cho rằng đồng Bitcoin cuối cùng sẽ trở thành một tiền tệ dự trữ toàn cầu. Tiền ảo này cũng sẽ có vốn hóa thị trường lớn hơn rất nhiều so với vàng", ông Pompliano nhận định trong một chương trình của CNBC.
Thời gian gần đây, giá Bitcoin liên tiếp lập kỷ lục mới và lần đầu tiên vượt 52.000 USD vào ngày 17/2, tăng gấp 5 lần trong 12 tháng qua.
Theo CNBC, thị trường tiền ảo, đặc biệt là đồng Bitcoin, chứng kiến sự tham gia đông đảo của cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức. Các công ty lớn ngày càng tham gia đầu tư hoặc ứng dụng Bitcoin nhiều hơn. Năm ngoái, công ty Square của tỷ phú Jack Dorse - người sáng lập mạng xã hội Twitter - bắt đầu mua Bitcoin. Hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk mới đây cũng tiết lộ đã đầu tư 1,5 tỷ USD mua Bitcoin.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ - như hạ lãi suất, mua tài sản qua các chương trình nới lỏng định lượng - để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
"Hàng nghìn tỷ USD đang được in thêm và bơm vào nền kinh tế. Tất cả mọi đối tượng từ cá nhân cho tới tổ chức tài chính, doanh nghiệp trên thế giới đều đang tìm kiếm cách tốt nhất để bảo vệ sức mua của mình, và lựa chọn của họ là Bitcoin", Pompliano nhận xét khi thảo luận về nguyên nhân Bitcoin tăng giá.
Dự báo giá Bitcoin có thể lên tới 1 triệu USD của ông Pompliano được đưa ra dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm nguồn cung hạn chế (21 triệu Bitcoin) cũng như bản chất phi tập trung của công nghệ đằng sau tiền ảo này.
Bitcoin không được kiểm soát bởi bất kỳ nhà chức trách nào. Thay vào đó, mạng lưới Bitcoin được hình thành từ các "thợ đào" - những người vận hành một loạt máy tính chuyên dụng để thực hiện quá trình khai thác Bitcoin.
Bởi có rất nhiều "thợ đào" khác nhau, không thực thể nào có thể kiểm soát hệ thống. Và bởi vì các máy tính họ sử dụng thường là những cỗ máy công suất lớn, nhiều người cho đây là một trong những mạng lưới máy tính mạnh nhất thế giới.
"Ngày càng nhiều gia nhập thị trường, tính thanh khoản càng tăng lên. Và khi thanh khoản tăng lên, sẽ có nhiều tiện ích được sinh ra. Khi đó, giá cả sẽ ổn định hơn", Pompliano nói. "Bitcoin rồi sẽ trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu của thế hệ internet".
Đầu năm nay, ngân hàng đầu tư JPMorgan dự báo đồng Bitcoin có thể đạt mức giá "lý thuyết" trong dài hạn là 146.000 USD, khi tiền ảo này bắt đầu cạnh tranh với vàng. Ngân hàng này cho rằng cũng giống như vàng, Bitcoin đang bắt đầu được xem như một tài sản "tránh bão" trong thời kỳ khủng hoảng.
"Là một dạng vàng điện tử, Bitcoin đang cạnh tranh với vàng truyền thống", Nikolaos Panigirtzoglou, chiến lược gia về thị trường toàn cầu của JPMorgan, nhận định.
Ông Nikolaos Panigirtzoglou cho rằng tổng giá trị vàng do khu vực tư nhân nắm giữ với mục đích đầu tư hiện là khoảng 2.700 tỷ USD. Để đạt được mức vốn hóa này, đồng Bitcoin cần tăng lên mức giá khoảng 146.000 USD.
Tuy nhiên, chiến lược gia của JPMorgan cảnh báo sẽ có nhiều rủi ro khi Bitcoin tiếp tục tăng giá. Ông cho biết giá Bitcoin "hiện biến động mạnh gấp 5 lần so với vàng".
"Dù ngày càng nhiều nhà đầu tư tổ chức quan tâm tới Bitcoin, sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân cũng rất lớn", Panigirtzoglou nói. "Rủi ro lớn nhất là làn sóng đổ xô vào Bitcoin mà chúng ta chứng kiến thời gian qua bắt đầu chững lại. Đặc biệt là khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và mọi người trở lại công sở, họ sẽ có ít thời gian để giao dịch tại nhà".