Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn giao với cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các dự án này được các địa phương kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá về hạ tầng và "cú hích" để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cho cả khu vực phía Nam.
Bình Phước đề xuất táo bạo
Với hiện trạng giao thông đang có, từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên muốn về sân bay Long Thành đều phải đi vòng theo các tuyến đường bộ hiện hữu, phải "đi nhờ" qua địa bàn của tỉnh Bình Dương và một phần của TP.HCM, vừa phát sinh chi phí cao vừa giảm sức cạnh tranh.
Vì thế, UBND tỉnh Bình Phước đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT xem xét các dự án có tính kết nối vùng, trong đó nổi bật là kiến nghị xây dựng cầu Mã Đà (nối Bình Phước - Đồng Nai) và kiến nghị xây dựng tuyến cao tốc nối Chơn Thành (Bình Phước) - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - TP.HCM.
Trong đó, với kiến nghị xây dựng cầu Mã Đà - nối giữa đường ĐT753 (Bình Phước) và đường ĐT761 (tỉnh Đồng Nai) - có thể xem là một đề xuất táo bạo. Vị trí đề xuất trước đây từng có một cây cầu nhưng đã bị đánh sập trong thời kỳ chiến tranh (hiện vẫn còn mố cầu).
Sở dĩ việc xây cầu nhiều năm nay không được thực hiện là do Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (giáp Vườn quốc gia Cát Tiên và hồ Trị An) được hình thành. Đây là khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận, vì vậy phía cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai chưa đồng thuận làm cầu Mã Đà vì lo ngại ảnh hưởng tới khu bảo tồn.
Một cán bộ tỉnh Bình Phước cho rằng rất cần sự chia sẻ của tỉnh Đồng Nai vì phải có cầu Mã Đà thì mới thoát cảnh "đường chờ cầu" khi đường ĐT753 đã được trải nhựa từ trung tâm thành phố Đồng Xoài tới bờ sông Mã Đà.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Phước, nếu có cầu Mã Đà, khoảng cách từ trung tâm của Bình Phước về sân bay Long Thành sẽ rút ngắn khoảng 60km, từ đó tạo thuận lợi về giao thông không chỉ cho tỉnh mà các tỉnh Tây Nguyên cũng thêm thuận lợi.
Hiện Chính phủ đã nhận được kiến nghị của Bình Phước, nhưng việc triển khai các bước cụ thể tiếp theo còn chờ sự phối hợp, thống nhất của các địa phương và các bộ, ngành liên quan.
Đồ họa: TUẤN ANH
Bà Rịa - Vũng Tàu muốn mở rộng đường kết nối sân bay
Hiện nay, từ Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) về Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có con đường độc đạo là quốc lộ 51. Trong tương lai dự kiến sẽ có thêm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi mới đây Thủ tướng đã đồng ý giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cao tốc này có chiều dài 53,7km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài hơn 34km.
Cả quốc lộ 51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đều không kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành nhưng cả hai đều nối với "siêu" sân bay này bằng tỉnh lộ 769 của tỉnh Đồng Nai, tuy nhiên hiện tỉnh lộ này khá chật hẹp và đã quá tải.
Do đó, mới đây Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã trình UBND tỉnh này phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới nhiều con đường để kết nối "tứ phía" với sân bay Long Thành, trong đó có dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 769.
Theo đề xuất này, đường 769 có hai đoạn từ nút giao ngã tư Dầu Giây đến đường vành đai 4 dài 15,5km có quy mô 6 làn xe; đoạn từ đường vành đai 4 đến quốc lộ 51 dài 15,3km (có 8,4km mở mới) có quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia về giao thông, kết nối giữa sân bay quốc tế Long Thành và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là kết nối có tính chất quyết định cho sự phát triển không chỉ của riêng 2 tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai) mà cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bởi ở Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải, một cửa ngõ ra biển quan trọng của phía Nam. Một lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng khẳng định trong tương lai không xa, 2 tâm phát triển của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ là sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, thay thế cho tâm sân bay Tân Sơn Nhất - cảng Cát Lái hiện hữu.
Miền Tây, TP.HCM cũng kết nối sân bay bằng cao tốc
Theo ông Lê Mạnh Hùng - giám đốc Ban quản lý các dự án cao tốc phía Nam thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là trục xương sống của tuyến cao tốc Bắc - Nam kết nối với sân bay Long Thành.
Tuy nhiên, trước thực trạng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên bị ùn tắc nên cơ quan chức năng đang có phương án mở rộng tuyến này. Cụ thể ông Trần Văn Thi - tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - cho biết vừa trình Bộ GTVT phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 8 làn xe, tăng gấp đôi số làn xe hiện nay. Đoạn mở rộng này dài 24km có điểm đầu tại sau cầu Bà Dạt, phường An Phú, TP Thủ Đức và điểm cuối là điểm giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai).
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt nhẹ từ ga Thủ Thiêm (đầu mối đường sắt tốc độ cao TP.HCM đến Nha Trang) đến cảng hàng không quốc tế Long Thành với chiều dài khoảng 37km. Khi đến ga Thủ Thiêm sẽ kết nối với tuyến metro số 2 đưa hành khách về ga Bến Thành (quận 1) và từ đây hành khách sẽ có 4 tuyến metro đi các quận huyện hoặc ra các cửa ngõ TP.
Trong khi đó, người dân miền Tây trong tương lai có thể tiếp cận sân bay Long Thành qua các tuyến cao tốc: Cần Thơ - Mỹ Thuận - Trung Lương - TP.HCM và thẳng đến sân bay bằng cao tốc Bến Lức - Long Thành. "Hiện nay bà con từ các tỉnh miền Tây lên cao tốc Trung Lương - TP.HCM phải qua nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.HCM có nhiều giao lộ kẹt xe rồi mới đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây" - ông Lê Mạnh Hùng cho biết.
Cần đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án
Hiện nay, dự án xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đã thi công đạt khoảng 78% khối lượng. Công trình đang dừng thi công vì các cơ quan thẩm quyền đang xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính ở dự án này. Trong khi đó, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn còn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Ông Lê Mạnh Hùng cho biết trong trường hợp cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chưa hoàn thành vào năm 2025 cùng lúc với sân bay Long Thành đưa vào sử dụng, xe đi từ cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ rẽ trái vào quốc lộ 51 sau đó lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để đến sân bay Long Thành. Như vậy sẽ thêm áp lực giao thông lên tuyến đường này. Bên cạnh đó, việc sớm mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là ưu tiên, cấp bách, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho cả vùng miền Đông Nam Bộ và cả nước.
Tây Ninh làm cầu đường kết nối với Bình Dương, sân bay
Thi công làm đường và cầu nối giữa hai tỉnh Tây Ninh - Bình Dương để kết nối về sân bay Long Thành - Ảnh BÁ SƠN
UBND tỉnh Bình Dương phối hợp cùng UBND tỉnh Tây Ninh đã khởi công xây dựng dự án cầu và đường kết nối, tạo sự lưu thông thông suốt không chỉ giữa hai tỉnh mà còn giúp Tây Ninh gần hơn với sân bay Long Thành trong tương lai. Cây cầu băng ngang sông Sài Gòn nối giữa đường ĐT744 (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) và đường Đất Sét - Bến Củi (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh).
Phía Bình Dương sẽ làm đường dẫn vào cầu với quy mô 6 làn xe, có mức đầu tư khoảng 370 tỉ đồng (bao gồm cả đường dẫn và cầu). Trong khi đó, một tuyến đường dài gần 13km để kết nối với cây cầu mới từ phía Tây Ninh cũng đã được tỉnh khởi động, với tổng mức đầu tư 518 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.
Hạ tầng quyết định thu hút đầu tư
Ngoài kiến nghị xây cầu và mở rộng đường kết nối với sân bay Long Thành, UBND tỉnh Bình Phước cũng kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Theo nghiên cứu, tuyến cao tốc này sẽ có chiều dài khoảng 69km, quy mô từ 6-8 làn xe. Hiện các phương án hướng tuyến của cao tốc vẫn đang được Bộ GTVT và đơn vị tư vấn nghiên cứu.
Mặc dù tuyến đường đi qua một số địa phương, nhưng để đẩy nhanh tiến độ, thu hút nhà đầu tư tham gia làm đường, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất được làm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để triển khai dự án này theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao) có sự hỗ trợ một phần vốn của trung ương.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ không chỉ giúp phát triển các khu công nghiệp quan trọng của Bình Phước (trong đó tiêu biểu là KCN Becamex Bình Phước hơn 4.600ha và KCN Minh Hưng 655ha) mà còn kết nối, tạo sự lưu thông thuận lợi giữa Bình Dương, TP.HCM và các cửa khẩu.
Bà Trần Tuệ Hiền - chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - cho biết trước đây cơ cấu kinh tế của Bình Phước chủ yếu là nông nghiệp thì nay tỉnh đã có quy hoạch chuyển mạnh sang phát triển công nghiệp. Cùng với việc đề xuất làm đường, UBND tỉnh Bình Phước cũng nghiên cứu và đề xuất được mở rộng các KCN gắn với các tuyến đường sẽ được hình thành. Trong đó, đáng chú ý sẽ quy hoạch mới 5.500ha KCN gồm KCN Đồng Phú - Becamex khoảng 2.000ha, KCN và dân cư Đồng Phú 3.500ha... Ngoài ra, còn kiến nghị mở rộng khoảng 2.500ha KCN hiện hữu.
Những chuyển biến về hạ tầng đang tạo ra một "làn gió mới" cho thu hút đầu tư tại Bình Phước. Chỉ tính trong năm 2020, tỉnh Bình Phước đã thu hút được 287 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lũy kế toàn tỉnh hiện có gần 300 dự án FDI với tổng số vốn lên tới hơn 2,7 tỉ USD.
"Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, nhiều dự án lớn được trao chứng nhận đầu tư đã thành hiện thực, không còn cảnh "dự án nằm trên giấy". Các dự án hạ tầng đang được Bình Phước tích cực xúc tiến nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế thời gian tới" - bà Trần Tuệ Hiền chia sẻ.
BÁ SƠN
TTO - Tỉnh Quảng Trị hạ quyết tâm sẽ khởi công xây dựng sân bay ngay trong năm 2021 sau khi Bộ Giao thông vận tải có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không này.
Xem thêm: mth.99164357091201202-yab-nas-nod-gnoud-mal-gnod-uhc/nv.ertiout