Trao đổi với PLO chiều 19-2, bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt (Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương), cho biết việc tiêu thụ nông sản cho người dân tỉnh Hải Dương đang gặp rất nhiều khó khăn.
"Hiện số lượng nông sản còn tồn rất nhiều, trong khi đó các phương tiện vận tải không lưu thông được, vì muốn lưu thông thì lái xe phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2" - bà Kiểm thông tin.
Ông Vũ Việt Anh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cũng cho biết, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, Sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Bộ NN&PTNT và các tỉnh lân cận tháo gỡ cho việc lưu thông hàng hóa của bà con.
Đồng thời liên hệ với các doanh nghiệp, tổ chức thu mua nông sản cho nông dân, với điều kiện phải tuân thủ nghiêm túc việc phòng chống dịch.
Su hào của nông dân Hải Dương đang chờ đưa đi tiêu thụ. Ảnh: VIỆT ANH
Tuy nhiên, hiện tình hình tiêu thụ vẫn rất khó khăn do các tỉnh đang quản lý chặt việc lưu thông đối với người và xe của tỉnh Hải Dương, kể cả các xe trung chuyển hàng nông sản. Trong khi đó, hiện nay đang là cao điểm thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ cà rốt và rau cuối vụ đông của tỉnh.
Thời điểm hiện tại, Hải Dương còn khoảng 90.000 tấn rau màu vụ đông cần tiêu thụ, chủ yếu là hành, tỏi, cà rốt, rau ăn lá. Trong đó có khoảng 2.000 ha hành, sản phẩm này có thể để khô nên không đáng ngại. Diện tích cà rốt đang thu hoạch khoảng 500 ha với sản lượng 30.000 tấn, 90% sản lượng cà rốt đã có đầu mối thu mua phục vụ xuất khẩu. Do đó chỉ lo ngại về khâu vận chuyển gặp khó khăn.
Đối với diện tích rau khác như su hào, bắp cải diện tích đang thu hoạch còn khoảng 200 ha, sản lượng 7.000 tấn. Đây là lứa rau ăn lá thứ ba nông dân Hải Dương sản xuất trong vụ đông năm nay, lứa một và 2/3 sản lượng của lứa hai tiêu thụ thuận lợi, giá cao.
“Nếu không có dịch COVID-19 thì chắc chắn vụ đông năm nay Hải Dương thắng lợi toàn diện” – ông Việt Anh đánh giá.
Sở NN&PTNT Hải Dương tổ chức liên hệ với các doanh nghiệp thu mua nông sản cho nông dân. Ảnh: VIỆT ANH
Đối với sản xuất lúa, đến nay, các điều kiện phục vụ cho lấy nước, đổ ải cơ bản thuận lợi, chất lượng nước đảm bảo yêu cầu cho sản xuất lúa chiêm xuân. Tuy nhiên, một số địa phương đang bị phong tỏa do dịch COVID-19 như Cẩm Giàng và một số xã của Chí Linh, các máy cấy không thể ra vào qua các chốt kiểm dịch để cấy thuê cho nông dân.
Bên cạnh đó, sau gieo cấy 10-15 ngày, nông dân sẽ tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên nhu cầu về vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ cần nhiều. Thế nhưng hiện việc lưu thông vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh và giữa các địa phương đang gặp khó khăn.
Đối với cây ăn quả, chủ yếu cây chuối, đã tiêu thụ phục vụ Tết nguyên đán, sản lượng chuối còn không nhiều. Đối với cây ổi, giai đoạn cuối vụ, sản lượng không lớn, tiêu thụ dần. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chính của ổi là Hải Phòng và Quảng Ninh, nhưng hai địa phương này đang quản lý chặt người và xe từ Hải Dương nên việc tiêu thụ khó khăn, sản lượng và giá bán ổi giảm.
Đối với chăn nuôi và thủy sản, sản lượng thịt các loại trên địa bàn tỉnh dư thừa, chủ yếu là gia cầm (gà) nhưng số lượng hiện tại không nhiều như trước Tết. Sản phẩm thủy sản dư thừa khoảng 15.000 tấn, chủ yếu xuất bán thị trường Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Được biết, để nông sản của người dân được tiêu thụ nhanh nhất, kể từ ngày Mùng 1 Tết Tân Sửu đến nay, các đơn vị phải làm việc với 300% công suất.