Hàng hóa xuất khẩu “tắc đường”
Trước tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp tại Hải Dương khiến nhiều địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có cả biện pháp dừng tiếp nhận tất cả hàng hóa từ địa phương này.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hải Dương đang có khoảng 10.000 tấn cà rốt và 3.000 tấn rau đang bảo quản trong kho mát, 1.000 tấn rau chế biến và thịt lợn đang được bảo quản trong kho lạnh, cấp đông.
Cùng với đó là 30.700 tấn cà rốt và 5.500 tấn rau (ước trên diện tích 552 ha cà rốt và 100 ha bắp cải, súp lơ...) đến kỳ thu hoạch được doanh nghiệp đặt mua của dân và đang thu hoạch. Đây đều là những mặt hàng đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ khi thương lái không đến thu mua do việc đi lại phải trải qua quá nhiều thủ tục.
Đáng chú ý, theo kế hoạch, 80% lượng nông sản nói trên sẽ được xuất khẩu qua cảng Hải Phòng từ nay đến cuối tháng 2/2021. Các doanh nghiệp cũng đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài để đặt lịch tàu biển.
Tuy nhiên, từ ngày 16/2, UBND TP Hải Phòng ra thông báo tạm dừng tiếp nhận tất cả hàng hóa từ Hải Dương và có quy định lái xe Hải Phòng nếu đi từ Hải Dương về sẽ phải cách ly tập trung (trong thời gian 16/2 - 3/3) gây ảnh hưởng lớn tới việc xuất khẩu nông sản vụ đông của Hải Dương qua cảng Hải Phòng.
Không “ngăn sông cấm chợ”
Lý giải cho quyết định trên, lãnh đạo thành phố Hải Phòng cho biết, việc dừng tiếp nhận công dân và hàng hóa từ Hải Dương về Hải Phòng là để đảm bảo an toàn cho người dân chứ không phải là “ngăn sông cấm chợ” như một số ý kiến phản ánh.
Trước tình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Hải Phòng là địa phương có 5 huyện giáp ranh với Hải Dương, với nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng và đường mòn, lối mở tiếp nối với Hải Dương - một trong những tỉnh có số ca mắc bệnh COVID-19 trong cộng đồng nhiều nhất cả nước.
Từ diễn biến dịch COVID-19 trong sân bay Tân Sơn Nhất, một số nhân viên bốc dỡ hàng hóa cho kết quả xét nghiệm dương tính với dịch bệnh COVID-19 mà nguồn lây nhiễm đang nghi là do hàng hóa. Ngay cả các loại hàng đông lạnh, Bộ Y tế cũng đã cảnh báo có thể là nguồn lây nhiễm.
Đối với các kiến nghị về việc tạo điều kiện cho phép các xe vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào thành phố Hải Phòng, theo ông Phạm Hưng Hùng, Chánh Văn phòng UBND TP Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng đã có chỉ đạo cho phép các xe vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào TP Hải Phòng.
Các cơ quan chức năng xem xét từng trường hợp cụ thể, gắn với yêu cầu bảo đảm các điều kiện như: có hợp đồng, đơn hàng cụ thể (nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng…) và có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định. Lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR và có giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất.
Các lái xe chở hàng hóa từ Hải Phòng vào Hải Dương phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc UBND xã, phường, thị trấn và khi trở về phải ở khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và phải lấy mẫu xét nghiệm, nếu cố tình vi phạm hoặc bỏ về nhà sẽ bắt buộc vào nơi cách ly tập trung và phải trả chi phí cách ly và xử lý nghiêm theo quy định.
Với mong muốn nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản vụ đông của Hải Dương qua cảng Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút hỗ trợ các địa phương tìm giải pháp giúp bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu hai địa phương trao đổi, phối hợp thống nhất chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho các xe container chở nông sản Hải Dương ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu thuận lợi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh nông sản.
Trong đó, một số biện pháp có thể triển khai nhằm đảm bảo cả yêu cầu phòng chống dịch bệnh và lưu thông hàng hóa phục vụ xuất khẩu như: Quy định lộ trình, thời gian, tần suất vận chuyển nông sản xuất khẩu từ Hải Dương đến cảng Hải Phòng.
Để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch cho đội ngũ bốc dỡ, lái xe... các địa phương cũng có thể thiết lập đội lái xe, bốc dỡ chuyên trách, điểm bốc dỡ hàng hóa cụ thể theo quy định. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ đội ngũ lái xe vận chuyển nông sản, áp dụng biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện phun khử trùng phương tiện, bao bì hàng hóa...
Ông Nguyễn Quốc Toản cũng cho biết, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cũng đã có thảo luận với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các nhà phân phối lớn như Công ty cổ phần Central Retail Corportation (Việt Nam), Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Liên minh HTX Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)...
Theo đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản đề nghị nhà bán lẻ, nhà phân phối và doanh nghiệp phối hợp cùng chung tay hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để đưa nông sản đang vào vụ thu hoạch của tỉnh Hải Dương và một số địa phương trọng điểm (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang) vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị và điểm bán hàng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh nông sản, đồng thời duy trì chuỗi cung ứng cho các sản phẩm nông sản trong nước.
L. Sơn
Báo Tin Tức
Xem thêm: nhc.97811337191201202-og-oaht-ohc-uam-uar-av-tor-ac-nat-00005-nag-u-nu-gnoud-iah/nv.zibefac