vĐồng tin tức tài chính 365

Các thành phố lớn giám sát chặt chẽ người dân trở lại sau tết

2021-02-20 06:21
Các thành phố lớn giám sát chặt chẽ người dân trở lại sau tết - Ảnh 1.

Hành khách tại ga đến trong nước sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chiều 19-2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Vậy các tỉnh, thành phố lớn cần làm gì, tạo điều kiện ra sao để người về từ vùng dịch được xét nghiệm, khai báo y tế, cách ly... nhằm tránh nguồn lây bệnh ra cộng đồng?

Hà Nội: xét nghiệm ngẫu nhiên trong cộng đồng

Chiều qua 19-2, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố với các quận huyện, phường xã, ông Hoàng Đức Hạnh - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết mặc dù những ngày qua Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc ngoài cộng đồng nhưng nguy cơ về dịch bệnh vẫn cao.

Theo ông Hạnh, hiện nay các chuyên gia tiếp tục nhập cảnh vào để làm việc, mặc dù đã được cách ly theo quy định nhưng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh xâm nhập từ các chuyên gia này. Ngoài ra, sau kỳ nghỉ tết, nhiều người dân trở lại Hà Nội sinh sống, làm việc, học tập... có thể có nhiều người từ các tỉnh thành có dịch vào thành phố. Đồng thời, ở Hà Nội cũng có nhiều bệnh viện tuyến trung ương nên có thể sẽ có các trường hợp người bệnh từ các tỉnh đến Hà Nội khám chữa bệnh, vì thế cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc dịch bệnh và lây lan.

Trước những nguy cơ được nhận diện, ông Chử Xuân Dũng - phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố - yêu cầu các quận huyện quyết liệt trong rà soát người về từ tỉnh Hải Dương và các ổ dịch ở những tỉnh thành còn lại. Tại các quận huyện ở Hà Nội, sau chỉ đạo của thành phố, ngay sau kỳ nghỉ tết, tất cả các phường, xã, thị trấn đã rà soát, nắm bắt di biến động của người dân từ các tỉnh thành trở lại Hà Nội.

Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết tất cả những trường hợp đến từ tỉnh Hải Dương đều thuộc diện khai báo y tế bắt buộc. Vì vậy, thống kê đến 14h chiều qua 19-2 đã rà soát được 2.207 người về từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), đã xét nghiệm cho 2.096 người. Tương tự, các trung tâm y tế quận huyện báo cáo sơ bộ đã rà soát được gần 40.000 người về từ những nơi khác của tỉnh Hải Dương trong giai đoạn từ 0h ngày 2-2 đến ngày 16-2, đã lấy mẫu xét nghiệm cho 14.112 người và sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm trong những ngày tới.

Với nhận định sau kỳ nghỉ tết rất nhiều công nhân sẽ trở lại Hà Nội sinh sống, làm việc, ông Chử Xuân Dũng cũng chỉ đạo thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên ở những khu vực có nguy cơ cao như khu vực các nhà máy nơi có nhiều người từ các địa phương khác trở về, nơi có chuyên gia nước ngoài làm việc. Ngoài ra, theo ông Dũng, sẽ thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên với đội ngũ y tế phòng chống dịch, ưu tiên các nơi có nguy cơ phơi nhiễm cao, cán bộ trong các khu cách ly tại khu vực đang phòng chống dịch, quân đội, công an.

Ông Dũng cũng khẳng định Hà Nội có chủ trương xét nghiệm sàng lọc với những người trở về từ ổ dịch của các tỉnh thành, nhưng trong khai báo y tế phải rất trách nhiệm. Thành phố sẽ nghiêm khắc với những trường hợp cố ý khai báo gian dối về từ Hải Dương để được xét nghiệm.

Các thành phố lớn giám sát chặt chẽ người dân trở lại sau tết - Ảnh 2.

Sáng 19-2, UBND TP Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người trở về từ vùng có dịch. Trong đó, ưu tiên xét nghiệm những người ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) - Ảnh: N.KHÁNH

TP.HCM: hơn 150.000 người đã khai báo y tế

Từ ngày 16-2 (tức mùng 5 tết), TP.HCM đã triển khai tiếp nhận khai báo y tế với người từ các tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội, các ổ dịch đang được theo dõi, giám sát về thành phố tại sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế.

Hai ngày 17 và 18-2, thành phố bắt đầu mở rộng lấy mẫu ngẫu nhiên tại các bến xe, ga tàu và cập nhật hướng dẫn chi tiết về việc giám sát người từ vùng dịch đến TP.HCM. Thành phố đã triển khai tại bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), bến xe Miền Đông mới (quận 9 cũ) và bến xe Ngã Tư Ga (quận 12). Đây là các bến xe đầu mối cho tất cả các chuyến xe khách đến TP.HCM từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và cả một số tuyến từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) cũng phối hợp với các trung tâm y tế hoặc bệnh viện của các quận huyện có bến xe, thực hiện lấy mẫu dịch hầu họng ngẫu nhiên cho 100 hành khách, lái xe, phụ lái... đi trên các chuyến xe từ các tỉnh trở về thành phố. Thời gian thực hiện lấy mẫu mỗi ngày từ 4-6h sáng là khoảng thời gian ước tính có lưu lượng xe từ các tỉnh về bến đông nhất.

Trong những ngày qua TP.HCM đã tiếp nhận khai báo y tế 150.577 trường hợp và có 186 trường hợp chuyển cách ly tập trung, 12 người cách ly tại nhà, còn lại tự theo dõi sức khỏe. Về việc lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên tại sân bay (từ ngày 14-2), bến xe và ga tàu (từ ngày 17-2), đến nay thành phố đã lấy mẫu 4.861 trường hợp, trong đó 3.764 âm tính, 1.097 đang chờ kết quả.

Ngoài ra, các sở, ban ngành, khu công nghiệp, khu chế xuất... cũng bắt buộc người từ các tỉnh khác về thành phố làm việc, học tập phải khai báo y tế.

Các thành phố lớn giám sát chặt chẽ người dân trở lại sau tết - Ảnh 3.

Những biện pháp giám sát người trở lại các tỉnh thành sau tết - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đà Nẵng: xét nghiệm ngẫu nhiên người về từ nơi có COVID-19

Ngày 19-2, ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết đã giao Sở Y tế tổ chức thực hiện giám sát, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên đối với người có nhiều nguy cơ. Đà Nẵng sẽ mở rộng việc xét nghiệm từ 10 - 20% các trường hợp đến Đà Nẵng từ các địa phương có ca mắc tại cộng đồng. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng sẽ xét nghiệm ngẫu nhiên các trường hợp có yếu tố nguy cơ tại Đà Nẵng như người tiếp xúc nhiều, di chuyển nhiều... để đánh giá nguy cơ và có biện pháp ứng phó phù hợp.

Ông Chinh cũng yêu cầu tạm dừng tổ chức lễ hội, hoạt động, sự kiện tập trung đông người không cần thiết, hạn chế việc du xuân, gặp mặt, liên hoan... Đồng thời yêu cầu toàn dân thực hiện khai báo y tế, đặc biệt là công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, khách du lịch... trở lại thành phố sau đợt nghỉ tết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Y tế Đà Nẵng cho biết thêm người về từ các địa phương có ổ dịch mà Bộ Y tế thông báo nhưng khai báo đã rời khỏi địa điểm hơn 14 ngày và các địa phương chưa ghi nhận trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Đối với người hoàn thành cách ly ở các tỉnh, nếu di chuyển ngay đến Đà Nẵng thì thuộc nhóm đối tượng tự theo dõi sức khỏe ở nhà.

TR.TRUNG

Các thành phố lớn giám sát chặt chẽ người dân trở lại sau tết - Ảnh 5.

Lấy mẫu xét nghiệm người đi xe khách từ tỉnh Gia Lai đến bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) sáng 18-2 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Bí thư Hải Dương phê bình lãnh đạo huyện Kim Thành thiếu sâu sát dập dịch

Ngày 19-2, ông Phạm Xuân Thăng - bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - phê bình nghiêm khắc ông Nguyễn Kim Diện (bí thư Huyện ủy Kim Thành) và ông Phạm Quang Hưng (chủ tịch UBND huyện Kim Thành) do công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa nghiêm túc trong thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị 11 của Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Trước đó, khi đột xuất kiểm tra tại huyện Kim Thành, đoàn công tác do ông Thăng dẫn đầu phát hiện vẫn còn nhiều hộ kinh doanh bày bán các mặt hàng không thiết yếu, sai quy định như: nội thất, quần áo, hoa, giày dép... Đặc biệt, tại khu vực chợ Giống, xã Cổ Dũng, người dân vẫn ra vào chợ khá tự do và còn nhiều người đi ra đường dù không có lý do thực sự cần thiết.

Chiều cùng ngày, Bộ Y tế công bố có thêm 15 ca mắc COVID-19 (BN2348 - 2362) đều tại Hải Dương, trong đó có 13 ca là F1 trong khu cách ly, 1 ca trong khu vực phong tỏa và 1 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện.

T.THẮNG

Làm rõ ổ dịch và vùng dịch để tránh tình trạng "ngăn sông cấm chợ"

Đó là quan điểm của các chuyên gia tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều

19-2, với sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - trưởng Ban Chỉ đạo.

Ghi nhận các ý kiến phản ánh của địa phương, cơ quan quản lý và quan điểm của chuyên gia, Ban Chỉ đạo cho rằng về những bất cập trong lưu thông hàng hóa từ Hải Dương qua các tỉnh lân cận trong những ngày qua có bản chất là do các tỉnh hiểu chưa chính xác về khái niệm ổ dịch, vùng dịch. Các chuyên gia và các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần phải làm rõ định nghĩa "ổ dịch" và "vùng dịch" để tránh tình trạng "ngăn sông cấm chợ".

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh việc Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trên toàn tỉnh là giải pháp phòng ngừa nâng cao 1 mức để ngăn chặn, bởi Hải Dương là đầu mối giao thông và có liên quan đến nhiều địa phương. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các tỉnh lân cận thực hiện "ngăn sông cấm chợ". Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các tỉnh và báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế công bố lại trên cổng thông tin điện tử những vùng dịch người ra vào phải kiểm soát, đến nơi khác phải khai báo và giám sát y tế. Ví dụ đối với tỉnh Hải Dương là những vùng dịch ở TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng và xã, thôn cụ thể chứ không phải toàn tỉnh.

Chinhphu.vn

Bình Dương: yêu cầu công nhân khai báo lịch trình đi lại

Là "thủ phủ" công nghiệp với người nhập cư đến từ nhiều tỉnh thành nên ngay từ những ngày đầu năm tỉnh Bình Dương đã triển khai các biện pháp để thống kê, phân loại người lao động đến từ các khu vực khác nhau và có những biện pháp phòng chống dịch riêng cho từng nhóm người. Những người đến từ các tâm dịch như Hải Dương bắt buộc phải khai báo y tế tại các trạm y tế xã, phường nơi cư trú tại Bình Dương.

Đến nay, Bình Dương xác định được gần 140 người đến từ vùng có dịch và đều đã được đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm; hầu hết mẫu xét nghiệm đã âm tính, còn 29 mẫu đang chờ kết quả. Đối với những người đến Bình Dương từ các tỉnh còn lại, đặc biệt là đến làm việc tại các công ty, nhà máy, phải khai báo y tế tại phòng y tế của công ty hoặc trạm y tế xã, phường nơi tạm trú tại Bình Dương.

Ngay từ trước tết, các doanh nghiệp đã yêu cầu công nhân cho biết có về quê hay không. Sau khi trở lại nhà máy, công nhân được yêu cầu khai báo trung thực về lịch trình di chuyển. Các nhà máy đều thực hiện khử khuẩn, đo thân nhiệt, xịt nước sát khuẩn... cho công nhân trước khi vào nhà máy. Ước tính tới hôm qua 19-2 đã có trên 80% người lao động tại các nhà máy ở Bình Dương trở lại làm việc và sẽ trở lại toàn bộ vào đầu tuần tới.

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương sẽ lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại các công ty, siêu thị, chợ, bến xe và các trạm dừng đỗ. Hiện việc nhập cảnh đối với người nước ngoài được tạm dừng. Đối với các chuyên gia nước ngoài đã nhập cảnh, các doanh nghiệp được yêu cầu lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng Nai: người trở lại làm việc phải khai báo y tế

Ông Bạch Thái Bình - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai - cho hay các biện pháp kiểm soát người lao động, người dân từ các tỉnh thành khác trở lại địa phương làm việc bao gồm tuyên truyền và cho người dân khai báo y tế. Việc khai báo này thông qua rà soát của chính quyền địa phương và người dân tự giác đến cơ sở y tế khai báo.

Ngành y tế trực tiếp quản lý những người từ vùng dịch về; tập hợp danh sách các ổ dịch theo thông báo của Bộ Y tế chuyển xuống các trạm y tế nắm và hướng dẫn người dân thực hiện trong quá trình điều tra. Ngoài ra, Đồng Nai đã yêu cầu các doanh nghiệp hướng dẫn người lao động thực hiện khai báo y tế khi trở lại làm việc. Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu lập danh sách các trường hợp liên quan vùng dịch, các trường hợp cần lấy mẫu xét nghiệm gửi cơ quan quản lý, ngành y tế để thực hiện xét nghiệm theo quy định, chi phí do doanh nghiệp chi trả. Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản chỉ đạo các trường hợp rời địa phương về các tỉnh thành không có dịch nghỉ tết được yêu cầu phải khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe và khuyến khích xét nghiệm khi quay lại làm việc.

A.LỘC - B.SƠN

Một ca Hải Dương diễn biến nặng nhanh, ca ở Đà Nẵng nặng hơn bệnh nhân phi công AnhMột ca Hải Dương diễn biến nặng nhanh, ca ở Đà Nẵng nặng hơn bệnh nhân phi công Anh

TTO - Chiều 19-2, các bác sĩ đã hội chẩn với các điểm cầu điều trị COVID-19, trong số 3 ca bệnh nặng, có bệnh nhân 1536, 79 tuổi, điều trị tại Đà Nẵng, tình trạng hiện nay nặng hơn bệnh nhân 91, 1 bệnh nhân ở Hải Dương diễn biến rất nặng.

Xem thêm: mth.99393600002201202-tet-uas-ial-ort-nad-iougn-ehc-tahc-tas-maig-nol-ohp-hnaht-cac/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các thành phố lớn giám sát chặt chẽ người dân trở lại sau tết”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools