Trong báo cáo tổng kết công tác triển khai các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết Tân Sửu 2021 và ứng phó dịch bệnh COVID-19, Sở Công thương TPHCM (Sở) đánh giá, những ngày sau tết, sức tiêu thụ các mặt hàng tươi sống phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhanh và chưng cúng (đặc biệt là rau xanh và thịt gia cầm, gà thả vườn, gà ta) vẫn tăng mạnh.
Sở Công thương TPHCM đánh giá các doanh nghiệp bình ổn thị trường đảm bảo hàng hóa tham gia chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm. Các DN bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt, giữ giá ổn định. |
Tại 3 chợ đầu mối, từ tối mùng Một, sáng mùng Hai, tiểu thương bắt đầu nhập hàng, hoạt động trở lại. Mặc dù sức mua có tăng khoảng 40% so với năm trước nhưng vẫn thấp hơn ngày thường, sau đó có tăng dần vào các ngày tiếp theo; lượng hàng chưa nhiều, hàng chủ yếu là thịt gia súc, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây...
Đến nay hầu hết các chợ truyền thống đều đã mở cửa kinh doanh trở lại, chủ yếu là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như: thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả, trái cây... Mặt hàng lương thực, thực phẩm sức mua tăng nhẹ 5 - 10% so với ngày hôm qua và giảm 10 - 20% so với thời điểm cận tết - do người dân mua sắm bổ sung, dự trữ thực phẩm trước khi đi làm lại và để phục vụ nhu cầu liên hoan, họp mặt sau tết.
Tại kênh phân phối hiện đại, hầu hết các hệ thống siêu thị như: Satra, Big C, Aeon Mall, E-Mart, Lotte... mở cửa hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thành phố. Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm chưa cao nên các hệ thống chỉ mở cửa cầm chừng 1/2 thời gian như: Co.opmart (8g -12g), MM Mega Market (7g - 20g), Aeon Citimart (9g - 12g).
Các hệ thống cửa hàng tiện lợi như Bs’Mart, CircleK, FamilyMart, Shop&Go… vẫn không nghỉ mà mở cửa phục vụ 24/24.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố, các cửa hàng, quán ăn vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, do vẫn còn thời gian nghỉ tết, các cửa hàng phải thuê mướn lao động ngoài giờ, trả lương cao nên giá cả có tăng.
Dự báo tình hình sắp tới, đại diện Sở nhận định: các doanh nghiệp trong chương trình Bình ổn thị trường đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, kể cả trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng; sẵn sàng các phương án tổ chức phân phối, bán hàng lưu động, không để thị trường thiếu hàng, biến động giá. Nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm… và các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như khẩu trang, nước rửa tay… luôn đảm bảo; dự báo tình hình thị trường thời gian tới sẽ tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Dịp tết năm nay không còn tình trạng dư thừa hoa kiểng |
Cũng theo đánh giá của đại diện Sở, tình hình thị trường Tết Tân Sửu tại TPHCM trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát tương đối ổn định, Sở đã liên tục theo dõi diễn biến thị trường, báo cáo xin ý kiến và thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Thường trực Ủy ban nhân dân TP. Chương trình bình ổn thị trường được triển khai hiệu quả, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường hoạt động thương mại điện tử, các hệ thống phân phối lớn như Co.opmart, Bách Hóa Xanh… đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp công nghệ, logistics… giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, mua sắm online, giao hàng tận nhà; qua đó góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang mua sắm online.
Một điểm nổi bật khác, các hệ thống phân phối như Co.opmart, Satra, Aeon… đã tăng công suất vào các ngày cận tết và hoạt động liên tục gần như không nghỉ tết góp phần làm giảm thói quen tích trữ trước tết của người tiêu dùng; giảm áp lực sức mua tăng đột biến một vài ngày trước tết.
"Đặc biệt, năm nay, kịp thời thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, sự đồng hành của người tiêu dùng, thị trường mặt hàng hoa đã dần tương đối ổn định, không còn hiện tượng dư thừa ngày giáp tết, người kinh doanh hoa đã phấn khởi hơn so với các năm trước. Thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, thị trường Thành phố có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tết, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý", đại diện Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.9867241a-tet-gnah-urt-hcit-neuq-ioht-iod-yaht-gnud-ueit-iougn/nv.moc.enilnounuhp.www