Riêng phiên 19/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng chưa đầy 1 điểm, đóng cửa ở 31.494 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số gồm 30 cổ phiếu này vọt lên hơn 150 điểm. Chỉ số S&P 500 kết phiên giảm 0,19% còn chỉ số Nasdaq Composite tăng chưa đầy 0,1%.
Theo CNBC, các chỉ số giao dịch với sắc xanh trong hầu hết phiên buổi sáng, tuy nhiên việc lợi suất đi lên và tâm lý chốt lời ở một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đã khiến tâm lý nhà đầu tư tiêu cực vào buổi chiều.
Tính chung cả tuần qua, chỉ số S&P 500 giảm 0,71%, Nasdaq sụt 1,57% khi các đại gia công nghệ đều giảm sâu. Dow Jones khả quan hơn khi tăng 0,11%.
Các cổ phiếu thuận chu kỳ diễn biến tích cực hơn thị trường chung khi nhóm vật liệu, năng lượng và công nghiệp tăng tương ứng 1,8%, 1,7% và 1,6% trong tuần qua. Nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu và tiện ích giảm mạnh nhất.
Phiên 19/2, chỉ số cổ phiếu vốn hóa nhỏ Russell 2000 tăng 2% trong khi các cổ phiếu công nghệ lớn như Facebook, Amazon, Netflix, và Microsoft đều đóng cửa trong sắc đỏ. Apple giảm 4% trong tuần qua.
Các cổ phiếu thuận chu kỳ kinh tế diễn biến tích cực sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ngày 18/2 trả lời phỏng vấn CNBC cho biết gói kích thích kinh tế mới vẫn rất cần thiết mặc dù một vài số liệu cho thấy quá trình hồi phục đã bắt đầu.
Theo Bộ trưởng Yellen, nếu đề xuất cứu trợ 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden được thông qua, nước Mỹ có thể đạt được toàn dụng việc làm trong vòng một năm.
"Chúng tôi cho rằng việc có một gói kích thích lớn để xoa dịu nỗi đau của người dân là rất quan trọng. Hiện nay 15 triệu người Mỹ đang chậm thanh toán tiền thuê nhà, 24 triệu người lớn và 12 triệu trẻ em đang thiếu ăn, các doanh nghiệp nhỏ đang sập tiệm dần", bà Yellen nói.
"Tôi nghĩ cái giá của việc hỗ trợ quá ít sẽ lớn hơn nhiều chi phí của việc hành động mạnh tay. Chúng tôi tin rằng trong dài hạn, lợi ích sẽ vượt xa chi phí".
Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn diễn biến tiêu cực giữa lo ngại về lãi suất và lạm phát tăng.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm trong tuần này đã tăng lên mức đỉnh gần một năm, hôm 19/2 lại tiếp tục thêm 5 điểm cơ bản lên 1,34%.
CNBC dẫn lời ông JJ Kinahan – Giám đốc chiến lược thị trường tại TD Ameritrade nhận xét: "Tôi nghĩ tuần này đã khiến nhà đầu tư có đôi chút lo sợ về lạm phát, có thể là không phải trong ngắn hạn nhưng tình huống có khả năng chuyển biến rất nhanh".
Bộ trưởng Janet Yellen cho rằng lạm phát không phải mối lo lớn nhất lúc này. "Lạm phát đã thấp trong hơn một thập kỷ qua, nó là một rủi ro nhưng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các cơ quan khác có công cụ để xử lý. Một rủi ro còn lớn hơn cả lạm phát là việc cuộc sống của người dân bị hủy hoại, đại dịch gây ra những tác động lâu dài lên sinh kế nhân dân".
Xem thêm: mth.19881117002201202-tahp-mal-ev-iagn-ol-auig-meid-maig-ym-naohk-gnuhc/nv.zibmanteiv