Với ông Nick Nash đây là một thời đại đáng sống. Sau khi dành cả cuộc đời để hỗ trợ giới khởi nghiệp Đông Nam Á, cuối cùng thị trường cũng đã khởi sắc và sắp bước vào giai đoạn tươi sáng.
Nick Nash – Co-founder kiêm Quản lý đối tác của Asia Partners, quỹ đầu tư tư nhân chuyên hỗ trợ cho thế hệ tiếp theo những công ty công nghệ có tốc lực phát triển cao tại Đông Nam Á.
Trước khi thành lập Asia Partners, Nick Nash từng là Chủ tịch và Thành viên HĐQT của SEA, ông chính là người đã dẫn đắt ‘siêu kỳ lân’ này thành công IPO trên sàn New York và năm 2017. Trước SEA, ông từng làm việc cho quỹ General Atlantic LLC trong 1 thập kỷ. Nick Nash chính là co-founder văn phòng General Atlantic LLC tại Đông Nam Á.
General Atlantic LLC chính là một trong những quỹ tư nhân chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ có lịch sử lâu đời và quy mô lớn nhất thế giới.
Vừa là người quan sát, vừa là ‘người trong cuộc’, ông Nick Nash đã có 8 nhận định và dự đoán về thị trường khởi nghiệp Đông Nam Á trong thập kỷ tiếp theo rất đáng chú ý.
1. Đông Nam Á đang bước vào thời đại vàng với sự ảnh hưởng phát triển vượt bậc, được gắn liền cùng sự hình thành các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong quá khứ.
Lấy kinh nghiệp từ case study của nền công nghệ Trung Quốc với nhiều công ty đã thành công IPO từ năm 1995 đến 2020, Đông Nam Á cũng sẽ trải qua 3 tiến trình phát triển giống Trung Quốc trước đây.
Giai đoạn đầu tiên là truyền thông kỹ thuật số với các ngành nghề lên ngôi như mobile telecom, trung tâm dữ liệu, chất bán dẫn, truyền hình; thế hệ internet 1.0 với quảng cáo online, video games, online travel, TMĐT và các ngành nghề liên quan; thế hệ internet 2.0 với sự tiến hóa của ngành TMĐT, fintech, video, mạng xã hội; thế hệ internet 3.0 gồm di động và những hình thức lai giữa online – offline cùng sự lên ngôi của đọc sách online, sức khỏe công nghệ, hệ sinh thái xoay quanh smartphone từ online đến offline.
Đông Nam Á hiện đã có vài công ty trên 2 tỷ USD là SEA, Grab, Go-Jek, Lazada và Tokopedia; trong tương lai nhiều công ty có vốn hóa từ 2 tỷ USD đến 100 tỷ USD sẽ xuất hiện nhiều ở 4 nước Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
2. Thị trường giàu tiềm năng nhờ dân số đông và đang trong giai đoạn phát triển cùng sự độc đáo duy nhất của các nền văn hóa, tạo ra lợi thế sân nhà thực sự cho các nền tảng công nghệ địa phương.
Hai chiến lược thường xuyên chúng ta có thể thấy trên thị trường Đông Nam Á: là phát triển theo chiều rộng song song giữa nước sở tại cùng các nước láng giếng hoặc chiếm lĩnh hết thị trường nước sở tại mới đi sang láng giềng.
Indonesia với GDP khoảng 1.075 tỷ USD, dân số 265 triệu người song tài năng công nghệ không dồi dào, khả năng scale-up xét trong lịch sử chỉ ở mức trung bình, trong 1 thập kỷ qua đã có 3 doanh nghiệp IPO trên sàn chứng khoán quốc tế thành công. Thái Lan cũng trong tình trạng tương tự, với GDP khoảng 484 tỷ USD, dân số 33 triệu người, tài năng công nghệ không nhiều song khả năng scale-up cao nhờ bán hàng và marketing giỏi, số lượng doanh nghiệp IPO thành công là 14.
Việt Nam có GDP thấp nhất trong Top 6 nước mạnh nhất Đông Nam Á, ở mức 241 tỷ USD, song dân số lại đông thứ hai – 95 triệu người, kèm theo đó là tài năng công nghệ dồi dào, nhưng khả năng scale-up ra Đông Nam Á chỉ ở mức trung bình, số lượng doanh nghiệp đã IPO thành công trên sàn quốc tế là 3. Phillipines có dân số đông nhất với 107 triệu người, GDP đứng thứ hai từ dưới lên với 332 tỷ USD, tài năng công nghệ ở mức khá, khả năng scale-up trung bình, số doanh nghiệp IPO thành công trên sàn quốc tế có 4.
Cuối cùng là Malaysia và Singapore. Dù dân số chỉ có 33 triệu người, song GDP của Malaysia đạt tới 365 tỷ USD, tài năng công nghệ không nhiều chẳng ảnh hưởng gì đến khả năng scale luôn tốt của họ, nhờ thế nước này đã có tới 14 doanh nghiệp IPO thành công trên sàn chứng khoán quốc tế.
Đặc biệt nhất trong Đông Nam Á, chắc chắn là Singapore, tất cả chỉ số của họ đều nổi trội vì đảo quốc này không chỉ là hub khởi nghiệp của châu Á mà cả thế giới. Singapore chỉ có vỏn vẹn 6 triệu dân, nhưng mỗi năm làm ra tới 350 tỷ USD, tài năng công nghệ nhiều vô số kể vì tập hợp khắp nơi trên thế giới, khả năng scale-up của startup ở đây cũng rất tuyệt vời, thành quả là họ đã có tới 296 công ty IPO thành công trên các sàn chứng khoán quốc tế.
3. Trong năm 2029, sẽ có nhiều công ty công nghệ có giá trị trên 20 tỷ USD hiện diện ở khu vực. Điều này đang nằm trong tiến trình phát triển thực tế chứ không phải dự đoán.
4. Và ít nhất ½ trong số những công ty trị giá 20 tỷ USD sẽ theo đuổi việc IPO trong thập kỷ tiếp theo. Đây chỉ là dự đoán, chưa biết thực tế ra sao.
5. Các công ty công nghệ mới và hiện có ở Đông Nam Á sẽ giúp gia tăng vốn chủ hữu lên con số 400 tỷ USD vào năm 2029. Mục tiêu này đã hoàn thành được khoảng 30%.
6. Trong đó, 70% startup chiến thắng tại Đông Nam Á sẽ là những nền tảng địa phương và 30% sẽ đến từ Indonesia – với những nền tảng đang thu hút nhiều sự chú ý ở thời điểm hiện tại.
Hầu hết công ty giàu tiềm năng nhất đang có trong dữ liệu của ông Nick Nash đều đến từ Singapore và Indonesia. Đã có 299 doanh nghiệp được đầu tư trong khoảng 1 triệu USD đến 20 triệu USD ở Đông Nam Á kể từ năm 2019 đến tháng 10/2020: startup đến từ Singapore chiếm 51%, Indonesia chiếm 23%, Việt Nam có 9%, Malaysia có 6%, Thái Lan là 5%, tương tự Phillipines chiếm 4% và Myanmar – Campuchia đồng hạng với 1%.
"Chúng tôi gọi đây là tỷ lệ 70/30, tức trong 10 startup được đầu tư ở năm ngoái, sẽ có khoảng gần 3 đến từ Indonesia và 7 startup đến từ các khu vực khác", ông Nick Nash tóm gọn.
7. Ngoài kia đang có khoảng 28.000 nhân lực vừa ‘tốt nghiệp’ từ các công ty khởi nghiệp lứa đầu tiên và 1.200 trong đó sẽ là những founder của thế hệ khởi nghiệp thứ hai, những kẻ chiến thắng mà chúng ta đã đề cập ở trên nhiều khả năng sẽ đến từ nhóm này.
Về tài năng công nghệ: Singapore – hub khởi nghiệp của thế giới đang có lượng tài năng công nghệ dồi dào mà không nước nào có thể so sánh, ngay cả Việt Nam. Trên LinkedIn, lượng nhân sự có khả năng viết Python/JavaScript – những ngôn ngữ lập trình đại chúng, trung bình chỉ 1,3% lượng nhân sự chung ở nước khác, trong khi tỷ lệ ở Singapore là gấp đôi khu vực; hay tỷ lệ nhân sự nghiên cứu về các công nghệ hiện đại như big data hay AI trên lượng nhân sự chung, trung bình ở các nước khoảng 0,2% còn Singapore gấp 4 lần trung bình khu vực.
Tương tự, lượng tài năng cấp cao về công nghệ tại Singapore cũng nổi trội nhiều so với mặt bằng chung của khu vực. Số tài khoản về CIO, CTO, CPO tại LinkedIn của trung bình nước khác là 0,08% còn Singapore là 0,22% - tương đương với trong 500 lao động chung họ có 1 tài năng công nghệ C-level. Tỷ lệ đó ở Singapore còn cao hơn cả trung bình thế giới là 0,1%, hơn cả Mỹ và Đài Loan, Úc, Trung Quốc và Ấn Độ.
Singapore đang dần trở thành "thủ đô kinh tế châu Á", khi có rất nhiều công ty lớn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đặt trụ sở ở đây. Cụ thể: hiện có 40% công ty có sự hiện diện khắp châu Á – Thái Bình Dương đặt trụ sở tại Đông Nam Á – 70% trong số 40% này đặt văn phòng đại diện tại Singapore, tiếp theo là Philippines, Thái Lan và Malaysia. Tóm lại, hiện có ¼ công ty lớn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đặt trụ sở tại Singapore.
8. Trong khi hệ sinh thái các quỹ đầu tư vòng sớm như serie A/B đã lớn mạnh trên thị trường, thì vẫn còn một khoảng trống về các quỹ chuyên đầu tư cho vòng serie C/D với khoảng vốn từ 20 triệu đến 100 triệu USD. Giới đầu tư từ Đông Nam Á đã sẵn sàng cho nhiệm vụ tăng trưởng.
Chúng ta có thể định lượng khoảng cách trên thị trường, lỗ hổng giữa những vòng đầu tư sớm vài triệu USD đến 20 triệu -100 triệu USD, nếu so sánh với Trung Quốc.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị