Ngày 17/2, hàng loạt đường dẫn tin tức trên các trang Facebook tại Australia bất ngờ bị xóa bỏ. Người dùng nước này bị chặn nội dung tin tức từ hầu hết các trang báo lớn. Đây là một cú sốc và sự giận dữ với Chính phủ Australia, vốn đang nỗ lực buộc các ông lớn công nghệ chi trả phí bản quyền các nội dung tin tức.
"Các vị cần phải tuân thủ luật lệ của Australia nếu muốn tiếp tục kinh doanh ở đây. Việc Facebook chặn các trang tin tức là một lời đe doạ và người dân Australia sẽ phản ứng mạnh mẽ với động thái này", Thủ tướng Australia Scott Morrison nói.
Australia tìm kiếm nỗ lực quốc tế nhằm gây sức ép với Facebook
"Faceblock" hay "Unsocial network" - đó là một loạt những cụm từ mang tính chơi chữ nhằm vào gã khổng lồ mạng xã hội Facebook, sau quyết định chặn tất cả trang tin tức chia sẻ trên nền tảng của hãng này tại Australia.
Trong bối cảnh tuần tới, Thượng viện Australia dự kiến bỏ phiếu thông qua Dự luật đàm phán truyền thông, nhằm buộc các hãng công nghệ phải trả phí bản quyền nội dung tin tức cho các nhà xuất bản thì động thái của Facebook giống như một lời thách thức đến giới chức Australia. Trong bước đi đáp trả mới nhất, Chính phủ Australia đang nỗ lực tìm kiếm ủng hộ từ các nước đối tác.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, ông đã nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp và Ấn Độ đối với vấn đề này. Từ Anh, người đứng đầu Ủy ban Truyền thông và kỹ thuật số của Nghị viện Anh - ông Julian Knight đã chỉ trích động thái của Facebook là mang tính "bắt nạt" và có thể tạo phản ứng dây chuyền tới các nước khác.
"Cả thế giới đều quan tâm những gì Australia đang làm. Tôi đã trao đổi với Thủ tướng Canada và Thủ tướng Anh về vấn đề này. Tổng thống Pháp cũng đồng tình với tôi rằng các hãng công nghệ cần đóng thuế và trả tiền bản quyền. Những gì mà chúng tôi làm có thể sẽ là tiền lệ cho các nước khác trong tương lai", Thủ tướng Australia Scott Morrison cho hay.
Thủ tướng Australia Scott Morrison (Ảnh: AP)
Quyền lực của các ông lớn công nghệ tại Australia
Dù có thể là những ảnh hưởng đầu tiên chưa rõ rệt, lý do dự luật phí bán quyền được đưa ra đó là các ông lớn như Google và Facebook đang giữ một miếng bánh thị phần ngày càng lớn trong mảng nội dung trực tuyến tại Australia.
Ước tính cứ 100 Dollar Australia doanh thu quảng cáo trực tuyến tại đây có đến 81 Dollar Australia sẽ vào túi 2 gã khổng lồ này. Chỉ riêng Facebook đã tạo ra hàng tỷ lượt truy cập đến các trang tin tức Australia từ việc chia sẻ trên nền tảng này.
Điều đó có thể lý giải phần nào tại sao Facebook và trước đó là Google đã có thái độ hết sức cứng rắn trước nội dung của dự luật trên. Nhưng trong khi Google mới đây đã đạt được những thỏa thuận đầu tiên với các hãng tin của Australia, đặc biệt là ông lớn News Corp thì Facebook vẫn chưa thay đổi thái độ.
Google và Facebook đang giữ một miếng bánh thị phần ngày càng lớn trong mảng nội dung trực tuyến tại Australia. Ảnh minh họa - MercoPress.
Theo lý giải từ một số chuyên gia, nguồn thu hàng đầu cho quảng cáo cho Google đến từ công cụ tìm kiếm và bởi vậy hãng sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào những nội dung tin tức đăng tải và hiện trên trang tìm kiếm. Khi căng thẳng giữa Google và chính phủ Australia xảy ra, một số đối thủ như Microsoft đã ngay lập tức nhảy vào, bảy tỏ sự ủng hộ với Chính phủ nước này và sẵn sàng lấp chỗ trống thị phần tìm kiếm nếu Google ra đi.
Trong khi đó, mảng kinh doanh lõi của Facebook lại không phụ thuộc quá nhiều vào nội dung tin tức. Thống kê của hãng cho thấy chỉ có khoảng 4% nội dung đăng tải trên nền tảng là báo chí hoặc tin tức. Trong khi hãng có thể ẩn toàn bộ các nội dung tin tức, những tính năng khác với người dùng Australia hầu như không bị ảnh hưởng - một lý do khiến Facebook có thể tự tin hơn trong cuộc chiến pháp lý này.
Những người làm truyền thông Australia nói gì về quyết định của Facebook?
Anh Michael Lưu - phóng viên của Finance News Network - một hãng tin chuyên về lĩnh vực kinh tế tài chính Australia cho biết, những người làm truyền thông đều rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng tất cả các nội dung tin tức đều bị xoá sạch khỏi hạ tầng của Facebook. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động tác nghiệp của anh tại Finance News Network cũng như là những kênh thông tin mang tính chất tài chính, kinh tế đều không bị ảnh hưởng.
"Lý do là bởi đối tượng khách hàng của chúng tôi đều rất đặc thù là các nhà đầu tư, mà họ thì không coi Facebook là nguồn tin chính để nghiên cứu thị trường. Họ thường sử dụng các hạ tầng giao dịch chứng khoán lớn", anh Michael Lưu cho hay.
Anh Michael Lưu cũng cho biết, từ góc nhìn chủ quan từ phóng viên của Australia, sự cố này không thay đổi cách làm việc đáng kể. Điều này đơn thuần là bởi các nhà báo Australia thường sử dụng Twitter hay LinkedIn làm các hạ tầng chia sẻ thông tin, cũng như tìm kiếm nguồn tin đáng tin cậy hơn là Facebook.
"Tuy nhiên, tôi cũng chưa khẳng định được điều này cho các báo ở những lĩnh vực đại chúng hơn như văn hoá hay giải trí", anh Michael Lưu nói.
Facebook liệu có vĩnh viễn bỏ thị trường tin tức tại Australia? Ảnh minh họa.
Anh Michael Lưu cho biết đây là cuộc chiến về kinh tế có nguồn gốc từ dự thảo luật đàm phán nội dung tin tức. Việc Facebook chặn toàn bộ tin tức trước khi bộ luật này được thông qua đã gây sốc cho các cơ quan Chính phủ và các hãng thông tấn Australia. Điều này được thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán như giá cổ phiếu của tập đoàn thông tấn lớn nhất Australia News Corp đã lao dốc gần 1% trong buổi sáng hôm đó.
Tuy nhiên, song song với sự căng thẳng này, Google lại rất tích cực đạt thoả thuận với các cơ quan báo chí Australia trong nền tảng Google News Showcase, giúp giải cứu giá cổ phiếu của các tập đoàn này.
Điều này phần lớn đã tạo nên được sự tự tin cho cộng đồng báo chí tại Australia. Rất nhiều các trang chủ cũng như toà soạn, đài truyền hình lớn tại Australia đã phản ứng rất nhanh và ngay lập tức đăng những nội dung, cũng như video hướng dẫn độc giả truy cập thông tin bằng những phương tiện khác.
Facebook lẫn các đơn vị truyền thông Australia đều đang sẵn sàng cho một giai đoạn căng thẳng sắp đến. Tuy nhiên, Chính phủ Australia vẫn bỏ ngỏ khả năng đàm phán và tìm ra một thỏa thuận hợp lý với Facebook trong thời gian tới.
Còn với Facebook, thực tế là ông lớn này trước đó đã đạt thỏa thuận trả tiền bản quyền với những đơn vị xuất bản tại Anh, cũng như là một số tên tuổi như tờ Financial Times và News Corp tại Mỹ. Những điều này cho thấy rằng, việc "unfriend" nhau như là các tờ báo ví von chỉ là giải pháp cuối cùng, còn các bên vẫn đang thăm dò nhau để hướng đến một thỏa thuận trả tiền như thế nào mà đôi bên đều cảm thấy có lợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!