vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyện không mới trong năm mới

2021-02-20 17:07

Chuyện không mới trong năm mới

Đào Loan

(TBKTSG) - Hơn 10 tháng qua, cứ dăm ngày, M., một doanh nhân trong ngành du lịch lại phải chạy từ trung tâm TPHCM ra quận 9 (thành phố Thủ Đức hiện nay) để nổ máy mấy chiếc xe Jeep nằm trong bãi đỗ. Không có du khách quốc tế, đội xe phải giảm dần, có chiếc phải bán, có chiếc chuyển sang phục vụ thị trường nội địa nhưng lượng khách không bao nhiêu. Riêng “số phận” của mấy chiếc Jeep, vốn từng giúp chủ làm nên loại tour rất hấp dẫn cho khách nước ngoài hồi trước khi có dịch Covid-19 lại càng hẩm hiu hơn, vì không thể vận hành do thị trường trong nước không mặn mà với dịch vụ này. Nằm chờ dài ngày trong bãi thì lại tốn chi phí và máy móc hư hao.

Khách hàng tìm hiểu thông tin du lịch tại Lễ hội Tết Việt 2021. Ảnh: Đào Loan

“Tôi đã thử nhiều cách nhưng vẫn chưa thể xoay xở trong lúc thị trường như thế này. Phải chờ đến khi có khách quốc tế nhưng đã chờ gần một năm rồi mà vẫn chưa thấy đâu”, M. nói.

Công việc đầu tiên của doanh nhân này là hướng dẫn viên du lịch. Sau nhiều năm học hỏi, tích cóp kinh nghiệm và tiền bạc, M. đã tạo dựng được đội xe nho nhỏ cùng nhiều dịch vụ khác cho du khách quốc tế. Nhưng cũng như phần lớn doanh nghiệp du lịch khác, lúc M. vẫn chưa đủ thời gian để tạo dựng được nguồn tài chính vững vàng thì dịch ập đến, chặn đường xoay xở.

Hơn một nửa tổng thu của du lịch Việt Nam đến từ thị trường quốc tế. Dịch càng dài, thời gian đóng cửa thị trường du lịch quốc tế càng lâu thì những câu chuyện tích cực hiếm hoi về chuyển đổi thị trường, chuyển hướng dịch vụ càng ít đi trong khi chuyện bán tài sản cầm cự và đóng cửa lại càng nhiều. Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy số lượng thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trong năm 2020 cao gấp ba lần so với năm 2019, còn số giấy phép mới được cấp chỉ bằng 30% năm cũ.

Cho đến thời điểm này, phần lớn nhân viên du lịch vẫn chưa thể đi làm lại bình thường. Những việc bình thường vào mỗi dịp Tết như tiền thưởng, lương tháng 13, thậm chí chỉ là bữa tiệc tất niên, đã trở thành quá xa vời với rất nhiều người làm du lịch.

“Chúng tôi đã cố gói ghém để tất cả nhân viên, gồm những người đã có thể đi làm lại và người vẫn phải ngừng việc có một buổi tất niên cùng nhau. Nhiều nhân viên xúc động vì rất lâu rồi mới có thể tụ họp, gặp gỡ đồng nghiệp”, phó tổng giám đốc một công ty du lịch ở TPHCM nói.

Ngày đầu tiên của năm mới, Chính phủ đã ra nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Trong đó, quyết nghị phải triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch nội địa cũng như khôi phục sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong các ngành vụ, du lịch, hàng không.

Đây là nội dung mà các doanh nhân trong ngành du lịch mong mỏi nhưng cho đến thời điểm này, khi đã bước qua “năm Covid” thứ hai mà những giải pháp hiệu quả trong thực tế vẫn chưa có là bao.

Trao đổi với TBKTSG, nhiều doanh nhân giữ ý kiến đã từng nói, là để kích cầu nội địa và hỗ trợ du lịch vượt qua đại dịch thì giải pháp mấu chốt cần thực hiện là giữ sức cho doanh nghiệp, người lao động và tăng sức mua.

Trong đó, những rào cản cũ, đã được nêu ra rất nhiều lần như cần hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt là vay ưu đãi để giữ công ty và nguồn nhân lực cần sớm giải quyết. Thực tế là ý kiến này đã được nêu ra rất nhiều lần, một số đơn vị liên quan cũng đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, gặp gỡ để làm cầu nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp nhưng du lịch vẫn là ngành rất khó vay vì thuộc nhóm rủi ro cao, trong đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành không đáp ứng yêu cầu về tài sản thế chấp.

Với việc tăng sức mua, với tình hình thị trường suy giảm và tâm lý khách còn lo ngại về dịch bệnh như hiện nay thì việc quảng bá, giảm giá riêng lẻ của từng doanh nghiệp và địa phương không thể phát huy tác dụng lớn mà cần chính sách chung, lớn hơn. Theo các doanh nghiệp trong ngành, cơ quan quản lý trung ương về du lịch cần có chương trình tiếp thị chung, làm đầu mối để có dòng sản phẩm cho chương trình kích cầu nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách. Bên cạnh đó là các chính sách khác về ưu đãi tài chính cho khách hàng cùng chế độ hoãn, hủy dịch vụ linh hoạt để khách yên tâm về việc quyền lợi được bảo đảm trong trường hợp bùng phát dịch. Những điều này cần thực hiện trên quy mô lớn, có chính sách chung thì kích cầu mới hiệu quả. Đây là những chuyện có vẻ cũ nhưng cũng nên nhắc lại để mục tiêu kích cầu và hồi phục du lịch đạt hiệu quả hơn trong năm mới. 

Xem thêm: lmth.-iom-man-gnort-iom-gnohk-neyuhc/961313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyện không mới trong năm mới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools