Tới thời điểm này chưa thể rõ ai thắng ai, hoặc cũng có thể với cuộc chiến này không có ai thắng mà sẽ là win-win. Nhưng qua đó, “bản chất” Facebook hiện hình ngày càng đa diện.
Những hiện hình của Facebook
Facebook, về cơ bản là một mạng xã hội hoạt động trong lĩnh vực truyền thông số toàn cầu có trên 2,6 tỉ người dùng hàng tháng tính tới thời điểm quí IV/2020.
Song Facebook, với sức mạnh từ người dùng và sự kết nối rộng khắp và mạnh mẽ, và đặc biệt còn trở thành “chất gây nghiện” đối với không ít người, CEO Mark Zuckerberg của mạng xã hội này thừa ý thức được rằng mình đang trở thành một thứ thế lực cực kì đáng gờm, có thể khuynh đảo trong nhiều vấn đề, lĩnh vực.
Chính vì thế, trước khả năng bị chính quyền Australia thông qua luật về phí tin tức buộc Facebook phải trả tiền cho các nhà xuất bản, cơ quan báo chí, Facebook đã đi đến cách hành xử được Thủ tướng Morrison của Australia cho là “ngạo mạn”. Theo đó, Facebook vào ngày 18.2 đã xóa bỏ các trang tin tức của các cơ quan báo chí, truyền thông Australia; chặn người dùng chia sẻ tin tức trên trang cá nhân; đồng nghĩa quốc tế cũng không thể xem tin tức của báo chí Australia thông qua các trang Facebook của họ.
Cuộc chiến phí tin tức khởi điểm từ Australia đối với Facebook. Nhưng sau khi Mark hành xử ngạo mạn, Canada cũng lên tiếng cho rằng sẽ nhập cuộc thúc đẩy cuộc chiến này. Còn các quốc gia như Anh, Pháp, Ấn Độ… cũng lên tiếng bênh vực Australia và phản đối cách hành xử của Facebook.
Bên cạnh đó, cách hành xử của Facebook đã bị trang tin tức The New Repulic nhận định rằng “Facebook là một thế lực mafia toàn cầu” (Facebook is a Global Mafia).
Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây với việc muốn thúc đẩy doanh thu quảng cáo lên mức khủng cũng như củng cố thế lực trên thương trường Facebook đã có những động thái bắt nạt, ức hiếp và cả gây lo ngại cho các chính trị gia. Như việc Facebook dùng thuật toán bóp tỉ lệ tiếp cận của các bài đăng để buộc khách hàng phải mua quảng cáo nhiều hơn và ngày càng phụ thuộc nặng nề hơn. Như việc Facebook chặn, muốn khóa tài khoản của bất kì ai một cách tùy tiện.
Đặc biệt, khi Facebook thành lập liên minh tiền ảo Libra (gần đây đổi tên thành Diem) đã gây lo lắng cho cả các nhà làm luật tại Mỹ và Châu Âu về một tương lai Facebook có thể thao túng thị trường tiền tệ, và có thể trở thành tổ chức điều hành một hệ thống, mạng lưới tiền tệ riêng trên toàn cầu, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các chính trị gia và nhà cầm quyền.
Facebook tất tay nhưng có thể gánh chịu hậu quả
Có thể nói, hành xử vừa qua của Facebook đối với các trang tin của cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản Australia cũng như trang tin của các cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận Australia… là cú tất tay và bất chấp.
Làn sóng phản đối Facebook ngày một lan rộng. Con sóng này liệu có thể xô lật chiếc thuyền Mark Zuckerberg đang lèo lái hay không vẫn đang ở mức khả năng. Nhưng Mark, với tính toán ăn dày và ki bo, ngày càng gây thù chuốc oán rộng khắp, xem ra không phải không có nguy cơ bị phán xử.
Sáng ngày 20.2, Thủ tướng Australia là ông Morrison đã đăng đàn cho biết Facebook “tạm thời kết bạn với chúng tôi lần nữa” sau khi hành xử ngạo mạn. Theo đó, hai bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán.
Kết quả đàm phán chưa biết đi tới đâu nhưng giả sử cho rằng cú cấm và chặn của Facebook mới đây tại Australia mang tới cho họ tỉ số 1-0, thì con số 1 đó cực kì tạm thời, ẩn chứa rất nhiều rủi ro và khả năng gánh hậu quả không nhỏ.
Bởi ít nhất về cộng đồng cũng như dư luận, trong cuộc gây hấn này Facebook không có đồng minh và cả lòng người.
Xem thêm: odl.369188-gnaht-es-ia-ailartsua--koobecaf-cut-nit-ihp-neihc-couc/et-hnik/nv.gnodoal