vĐồng tin tức tài chính 365

Nhớ mãi thủ trưởng giản dị

2021-02-21 08:23
Nhớ mãi thủ trưởng giản dị - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc viếng ông Hai Nghĩa tại nhà riêng - Ảnh: PHÚ THỌ

Khi ấy bác tham dự Đại hội Đảng bộ cơ quan Ban Nội chính trung ương với trách nhiệm một đảng viên và nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Chúng tôi không chỉ cảm nhận rất rõ ở bác toát lên nhân cách của một người lãnh đạo giản dị, liêm khiết, quyết liệt đầy chất Nam Bộ mà còn học được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống và công tác.

Gặp nhau lần này biết lần sau...

Mời bác ra dự đại hội nhưng mọi người không nghĩ bác ra được vì biết lúc này sức khỏe bác yếu lắm rồi. Vậy mà bác lại cố gắng ra với cơ quan cũ, với anh em, đồng chí một thời gắn bó đầy nghĩa tình. Bác tâm sự rất chân thành: "... tôi cố gắng hết mình để đi vì biết kỳ này gặp các đồng chí, kỳ sau có còn được gặp hay không...".

Nghỉ hưu đã lâu nhưng bác Hai còn nhớ rõ họ tên nhiều anh em và nhiều kỷ niệm rất đỗi đời thường trong quá trình công tác ở Ban Nội chính trung ương.

Một trong những câu chuyện rất "thấm" ngày hôm ấy là bác Hai đề xuất muốn ra được nghị quyết phải vào ngủ trong trại giam để hiểu hiện trạng đầy đủ.

Từ đó, một trong những dấu ấn quan trọng khi nhắc đến bác Hai Nghĩa ai cũng đề cập đến là sự chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, tham mưu Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 "về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới".

Ngày nay cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp tuy vẫn còn khó khăn nhưng nó đã đỡ hơn trước đây rất nhiều, nghe những lời phát biểu, tâm sự của bác Hai, thế hệ cán bộ chúng tôi hôm nay mới thấm thía bài học muốn làm tốt công tác tham mưu phải luôn trăn trở, sâu sát thực tiễn, tìm hiểu đến tận "ngọn nguồn" vấn đề, nhất là những vấn đề "thời sự, nóng bỏng".

Nhớ mãi thủ trưởng giản dị - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm , cùng đại diện lãnh đạo các bộ ngành trung ương, lãnh đạo TP.HCM đã đến thăm cơ sở điều trị Methadone ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

Có nghị quyết rồi phải hành động cụ thể

Cùng với việc tham mưu ban hành nghị quyết, bác Hai Nghĩa cũng đặc biệt quan tâm đến việc triển khai thực hiện, nếu không thì nghị quyết dù hay đến mấy cũng chỉ là "nửa vời". Sau khi tham mưu Bộ Chính trị ban hành nghị quyết, bác Hai đã "thức hằng đêm trời để soạn giáo án" và trực tiếp truyền đạt, triển khai thực hiện.

Bác Hai nói rằng việc "đóng góp, sửa văn bản này kia hay lên là cần thiết", nhưng "sửa văn bản không là chưa được, mà phải có những hành động cụ thể, phải xắn tay áo vô, không phải đứng ở ngoài".

Làm tốt những điều như bác Hai trăn trở chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay đã nhiều lần nhấn mạnh: thể chế, chính sách, pháp luật không thiếu, vấn đề còn lại là phải quyết liệt hành động.

Cán bộ đi cơ sở không chỉ "đi không về rồi"

Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, bác Hai Nghĩa rất am hiểu và quan tâm đến nhiệm vụ của cán bộ đi cơ sở.

Theo lời bác Hai, cán bộ phụ trách, theo dõi địa bàn phải thường xuyên đi xuống địa phương, cơ sở nhưng không chỉ "đi không về rồi", từ đó kịp thời hướng dẫn, giúp địa phương giải quyết hoặc tham mưu, đề xuất lãnh đạo chỉ đạo xử lý.

Việc nắm tình hình địa bàn và hướng dẫn tham mưu chỉ đạo xử lý phải hết sức công tâm, khách quan, cẩn trọng, toàn diện, "nếu không các cơ quan địa phương xử tầm bậy..., người ngay mắc nạn, kẻ xu nịnh được nhờ" - bác Hai nhấn mạnh.

Nhớ mãi thủ trưởng giản dị - Ảnh 3.

Chiều 28-6-2006, sau khi được QH phê chuẩn vào chức danh phó thủ tướng, ông Trương Vĩnh Trọng đã dành cho báo giới một cuộc phỏng vấn - Ảnh: VIỆT DŨNG

Phòng chống tham nhũng: "Đánh một điểm khuấy động toàn diện"

Bác Hai Nghĩa cho rằng chống tham nhũng "không phải đánh tràn lan", mà "phải có trọng điểm", quan trọng là "phải có những vố mạnh", "lựa chọn những quả đấm" để "đánh một điểm mà khuấy động toàn diện", "phải đánh một vố knock-out" để tham nhũng "không thể ngóc đầu lên được", phải "chặn đầu, chặn đuôi" như đánh bắt lươn ở miền Nam vậy.

Không chỉ xử lý tham nhũng, mà còn phải xử lý nghiêm cả những người chống tham nhũng nếu tiêu cực, vi phạm, không làm tròn trách nhiệm.

Chống tham nhũng là quan trọng nhưng bác Hai Nghĩa cho rằng phòng ngừa tham nhũng mới là vấn đề cơ bản, "không phải bắt nhiều, xử nhiều là hay", "không phải đưa ra xét xử 300 hay 500 vụ án mà khen hết đâu, số liệu không nói lên điều gì".

Theo bác Hai Nghĩa, "ai cũng ghét tham nhũng" nên phải biết dựa vào điểm này để huy động lực lượng, sự tham gia của cán bộ, đảng viên, nhân dân, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phòng chống tham nhũng. Cùng với đó phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội lành mạnh để "tham nhũng bớt đi".

Đặc biệt là phải coi trọng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và các lĩnh vực của đời sống xã hội để phòng ngừa, giảm tiêu cực, tham nhũng.

Ngủ trong trại giam để đề xuất nghị quyết

Mong làm sao khóa tới, các đồng chí trong Ban Nội chính cố gắng sâu vào một vài lĩnh vực. Tôi nói vậy không phải nói thành tích của tôi đâu. Nhưng nếu không có nghị quyết 08 mà thời tôi làm trưởng ban thì cơ sở vật chất của ngành khối tư pháp, nhất là các trại giam, còn tồi tệ hơn nữa.

Có những hôm tôi vô ngủ trong trại giam, tôi xuống trại giam xem ăn uống thế nào. Trong trại giam không phải không có tiêu cực đâu (...), mình phải đến đó mới thấy được. Tôi thấy cái trại giam nhỏ xíu, mấy ông già ngủ trên mà làm cái thang dựng đứng.

Sáng ra các ông đó ào ào chạy tới hố tiêu, mà hố tiêu đó chỉ có một người vô được (...). Tôi về lòng dạ tôi muốn rơi nước mắt, tôi thấy hoàn cảnh của họ, họ tội thiệt.

Tôi về họp ngay Ban Nội chính cố gắng làm sao ra được cái nghị quyết (...). Ra nghị quyết 08 rồi tôi thấy cố gắng ra một cái nghị quyết nữa là nghị quyết số 37. Sau cùng thì thấy nghị quyết số 37, 08 là chưa đủ nữa, phải làm một nghị quyết chiến lược nữa để mà dùng, là nghị quyết một số vấn đề cấp bách về cải cách tư pháp...

(Trích phát biểu của nguyên phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Đại hội Đảng bộ Ban Nội chính trung ương)

"Về hưu, có vợ làm bảo vệ"

Ra Hà Nội lần này, bác Hai Nghĩa đi cùng với người vợ là bà Hồ Công Cẩn mà không có ai khác đi cùng để giúp việc.

Bác bộc bạch "bây giờ tôi đi không có cận vệ nên tôi có dẫn theo bà vợ, bà đi như là bảo vệ, vừa nhắc nhở vừa chăm sóc ăn, ngủ, phân phối thuốc men. Sau này về hưu, các đồng chí nào có đi đâu xa thì cố dẫn bà vợ đi cho vui".

Điều bộc bạch rất thật của bác làm anh em chúng tôi lặng người vì xúc động.

Vĩnh biệt anh Hai trưởng lớp

151670976_4257157217644988_5577378932583149201a_n 2(read-only)

Ông Hai Nghĩa (trái) và tác giả

Khi lớp giảng viên trường Đảng tỉnh dành cho cán bộ miền Nam khai mạc vào cuối tháng 12-1975 tại Trường Tuyên huấn trung ương (Hà Nội), chúng tôi được biết lớp trưởng là một anh cán bộ tuyên huấn của tỉnh Bến Tre tên Trương Vĩnh Trọng, bí danh Hai Nghĩa, lớp phó là một anh miền Trung tên Mai Ái Trực.

Lớp tuyên huấn B này đủ thành phần đã qua thử lửa trong chiến khu, từ trong tù về, nhiều trình độ văn hóa, tuổi tác lẫn tính khí.

Lúc ấy, nhìn tướng người của anh Hai Nghĩa (trong lớp chỉ gọi Hai Nghĩa trống trơn) chẳng thấy gì là tướng của một lãnh đạo lớp. Nhỏ và gầy, gương mặt khắc khổ với những vết thương còn trong người.

Khi anh mặc chiếc áo bông được nhà trường cấp phát, chắc không có cỡ nào nhỏ hơn nên trông anh thùng thà thùng thình. Nhìn chung thấy tướng anh là một nông dân thứ thiệt, nhất là khi anh nói chuyện và cười ha hả…

Với một thành phần gần 200 học viên cán bộ miền Nam, miền Trung vừa từ nơi thắng trận trở về, được nhiều cặp mắt học viên trường tuyên huấn ngưỡng mộ nên không khỏi lác đác có những người có tư tưởng kiêu ngạo, công thần và quậy quạ trong khung cảnh thiếu thốn của Hà Nội lúc đó.

Anh Hai Nghĩa đã nhìn thấy được những điều trên nên nhiệm vụ hết sức khó khăn của anh là đưa học viên lớp đi vào nề nếp chính quy, không công thần tự mãn.

Trong những lúc họp với 8 chi trưởng cũng như gặp mặt chung các học viên, anh Hai Nghĩa đều khai thông tư tưởng: "Mình phải sống hòa đồng, thân thiện để bà con, học sinh, nhân viên trong trường yêu mến. Phải cố gắng học, trang bị, lý luận tư tưởng để về miền Nam phục vụ, vì cách mạng vừa thành công, miền Nam đang rất thiếu cán bộ. Chúng ta đã trưởng thành trong chiến đấu, không thể rơi rớt tại lớp này…".

Người hòa đồng với mọi học viên trước hết là anh Hai Nghĩa. Ngoài giờ lên lớp, thảo luận chi, anh thường gặp gỡ các học viên, nhất là học viên nhỏ tuổi, xuất thân ở Sài Gòn để động viên vượt qua nỗi nhớ nhà, tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh từng đứa để có "chăm sóc" thật phù hợp.

Ăn uống thiếu thốn, kể cả rau, anh Hai Nghĩa vận động mỗi lớp cố gắng sau giờ học làm một khoảnh vườn nho nhỏ trồng rau xanh để cải thiện. Lúc này, chúng tôi trở thành nông dân trồng rau thứ thiệt. Cứ đến mùa mưa, dưới sự "lãnh đạo" của anh, tụi tôi đi bắt cóc về nấu cháo để cải thiện cho bữa ăn hằng ngày toàn đậu hũ, thịt mỡ...

Sau này, dù thời giờ bận rộn của công việc nội chính rồi đảm nhiệm chức vụ phó thủ tướng, anh Hai Nghĩa vẫn không quên đồng chí thời ngồi ở trường tuyên huấn. Hằng năm, anh tổ chức họp lớp một lần để tìm hiểu cuộc sống bạn bè, anh không quên một gương mặt nào.

Có những người đã về hưu hay bệnh tật, lại dưới sự "chỉ đạo" của anh, đều được anh em cùng lớp đóng góp quỹ để hỗ trợ. Anh yêu cầu họp lớp bằng chính tiền đóng góp của mọi người chứ không được để tỉnh tài trợ. Tiền quỹ đóng góp sẽ hỗ trợ cho những anh em khó khăn, bệnh tật.

Có dịp thăm anh và được anh đãi cơm ở căn nhà công vụ tại khu Đội Cấn, tôi thấy chẳng khác gì cuộc sống khi anh về hưu: vô cùng đơn giản.

Vào cuối năm 2020, dù bị bệnh nặng, anh Hai Nghĩa vẫn dự định tổ chức cuộc họp mặt học viên lớp tuyên huấn miền Nam vào ngày 6-3 này để kỷ niệm 44 năm ra trường. Anh chỉ đạo người chịu trách nhiệm từng vùng, từng phần việc để cuộc họp mặt được thực hiện tốt.

Không ngờ căn bệnh đã mang anh đi trước khi các học viên lớp tuyên huấn ngày xưa còn có thể gặp anh lần cuối.

Không họp lớp được, bây giờ các bạn học ngày xưa đang cùng nhau gặp anh tại quê nhà Bến Tre.

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa, trưởng lớp ngày xưa...

LÊ VĂN NGHĨA

“Hai Nghĩa đi, tôi mất một người bạn quý mến”“Hai Nghĩa đi, tôi mất một người bạn quý mến”

TTO - Hay tin ông Trương Vĩnh Trọng - nguyên Phó thủ tướng Chính phủ - mất, hai ngày qua hàng ngàn lượt người trong và ngoài tỉnh đã đến viếng, mong được nhìn mặt anh Hai Nghĩa lần cuối.


Xem thêm: mth.98010357012201202-id-naig-gnourt-uht-iam-ohn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhớ mãi thủ trưởng giản dị”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools